Nga giữ lập trường phản đối can thiệp quân sự vào Xyri

Cuộc khủng hoảng tại Xyri là chủ đề nóng hổi trong cuộc hội đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Béclin ngày 1/6. Trong cuộc gặp này, Tổng thống Putin, đang thăm Đức, cảnh báo rằng Xyri đang bên bờ vực của một cuộc nội chiến, và nhấn mạnh lập trường của Nga phản đối bất kỳ cuộc can thiệp quân sự nào vào Xyri.


 

Tổng thống Putin trao đổi cùng Thủ tướng Merkel tại phủ thủ tướng Đức ngày 1/6/2012. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Trong cuộc gặp, Thủ tướng Merkel cũng khẳng định rằng hai nước Nga và Đức nên tìm kiếm một “giải pháp chính trị” cho cuộc khủng hoảng tại Xyri. Phát biểu với các phóng viên sau cuộc hội đàm, Tổng thống Putin nói: “Hiện nay, chúng ta đã nhìn thấy những dấu hiệu manh nha của cuộc nội chiến. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm. Chúng ta không được phép làm bất cứ điều gì bằng vũ lực”. Ông cũng chỉ trích những thông tin cho rằng Mátxcơva đang cung cấp vũ khí cho chính phủ Xyri. Tổng thống Putin khẳng định Nga không chuyển giao vũ khí để triển khai cho các cuộc xung đột dân sự.


Cùng ngày, các quan chức Mỹ liên tiếp bác bỏ khả năng can thiệp quân sự vào Xyri. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tuyên bố, Oasinhtơn sẽ không có bất cứ hành động can thiệp quân sự nào tại Xyri trừ khi nhận được sự ủng hộ của Liên hợp quốc. Tuy vậy, ông Panetta cũng nhấn mạnh Mỹ vẫn sẽ “bảo lưu mọi phương án hành động trong tương lai”. Thư ký Nhà Trắng, Jay Carney, kêu gọi cộng đồng quốc tế cần tiếp tục gây áp lực và cô lập chính quyền của Tổng thống Assad nhằm mở đường cho một quá trình chuyển giao chính trị toàn diện, song vẫn giữ nguyên quan điểm về việc Mỹ sẽ không can thiệp quân sự tại Xyri, do lo ngại sẽ làm tình hình tại đây hỗn loạn hơn.


Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng nhấn mạnh, Mỹ tiếp tục ủng hộ kế hoạch hòa bình sáu điểm do Đặc phái viên chung LHQ - Liên đoàn Arập (AL) Kofi Annan đề xuất, đồng thời bác bỏ một phương án can thiệp quân sự tại Xyri. Ngoài ra, bà Clintơn cũng tiếp tục kêu gọi Nga đứng về phía phương Tây nhằm tiếp tục gây sức ép để chính quyền Xyri chấm dứt tình trạng bạo lực tiếp diễn cũng như ngăn chặn một cuộc nội chiến bùng nổ.


Trong khi đó, Ủy ban điều tra của chính phủ Xyri cùng ngày cho biết, vụ thảm sát 108 người cuối tuần qua ở Houla, miền Trung nước này, là do các nhóm vũ trang nổi loạn thực hiện, chứ không phải lực lượng chính phủ. Theo điều tra sơ bộ của nhà chức trách Xyri, khoảng 800 phần tử trang bị vũ khí hạng nặng đã tiến hành các cuộc tấn công lực lượng chính phủ và tàn sát các gia đình ở Houla, với mục tiêu nhằm lôi kéo nước ngoài can thiệp quân sự vào Xyri. Tướng Qassem Jamal Sulaiman, Chủ tịch Ủy ban điều tra của chính phủ Xyri, cho biết tất cả các nạn nhân đều là thân nhân của những gia đình từ chối tham gia hoạt động chống chính phủ, trong đó có một số nạn nhân là họ hàng của một nghị sĩ quốc hội Xyri.

 

H.H - T.L (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN