Việc điều chỉnh mức cho vay tối đa đối với HSSV nhằm đảm bảo hỗ trợ một phần chi phí sinh hoạt ở mức hợp lý trên cơ sở lộ trình tăng học phí đã được Chính phủ phê duyệt và giá cả sinh hoạt thay đổi.
Sau gần 9 năm thực hiện chương trình tín dụng mang nhiều ý nghĩa này, nguồn vốn ưu đãi đã giúp cho gần 3,3 triệu lượt HSSV được vay vốn, giảm đáng kể gánh nặng về tài chính cho các hộ gia đình chính sách. Thời điểm có dư nợ đạt cao nhất là năm 2012, dư nợ đạt 35,8 nghìn tỷ đồng, hiện nay dư nợ còn gần 24,7 nghìn tỷ đồng với trên 1,1 triệu hộ gia đình đang có dư nợ tại NHCSXH, cho trên 1,3 triệu HSSV vay vốn đi học, đã có gần 2 triệu HSSV được vay vốn đã tốt nghiệp ra trường.
Các đối tượng chính sách vay vốn tại điểm giao dịch xã Trí Quả, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. |
Đặc biệt, để tạo điều kiện cho gia đình HSSV giảm bớt khó khăn trong việc trả nợ, Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng đã quy định rõ người vay phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên ngay sau khi HSSV có việc làm, có thu nhập nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày HSSV kết thúc khóa học. Hiện lãi suất của chương trình là 0,55%/tháng (tương đương 6,6%/năm). Thời hạn cho vay tối đa được xác định theo công thức sau: “Thời hạn cho vay = Thời hạn phát tiền vay + Thời gian ra trường tìm việc làm tối đa là 12 tháng (kể từ ngày kết thúc khóa học) + Thời hạn trả nợ”.
Đối với các chương trình đào tạo có thời gian đào tạo đến một năm, thời gian trả nợ tối đa bằng 2 lần thời hạn phát tiền vay. Đối với các chương trình đào tạo trên một năm, thời gian trả nợ tối đa bằng thời hạn phát tiền vay.
Như vậy nếu HSSV học đại học 4 năm thì thời hạn cho vay tối đa là 9 năm, nếu gặp khó khăn được gia hạn nợ tối đa bằng ½ thời hạn trả nợ, thêm 2 năm nữa thì tổng cộng thời gian cho vay là 11 năm. Trong khi đó nguồn trả nợ được trích từ thu nhập của hộ vay và thu nhập của sinh viên khi đi làm, số tiền cho vay được phân kỳ trả nợ tối đa 6 tháng 1 lần; phù hợp với khả năng trả nợ của người vay do ngân hàng và người vay thỏa thuận.
Trường hợp nếu HSSV vay vốn mà bị mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau thường xuyên, mắc bệnh tâm thần, có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt không nơi nương tựa, chết, mất tích hoặc bị tuyên bố là chết, mất tích mà không còn tài sản để trả nợ, không có người thừa kế hoặc người thừa kế thực sự không có khả năng trả nợ thay cho khách hàng thì có thể xem xét khoanh nợ hoặc xóa nợ.
Đến nay, chương trình tín dụng HSSV đã hết một chu kỳ cho vay và đang trong thời gian thu hồi nợ. Hiện, tỷ lệ nợ quá hạn của chương trình tín dụng ưu đãi đối với HSSV chỉ chiếm 0,54% tổng dư nợ chương trình. Từ kết quả trên cho thấy người vay trả nợ đúng kỳ hạn như đã thỏa thuận, ngoài ra NHCSXH triển khai thực hiện tốt chính sách giảm lãi tiền vay đối với người vay trả nợ trước hạn, đã tạo ý thức tự nguyện, động lực kích thích trả nợ của người vay dẫn đến việc thu hồi nợ đến hạn đạt kết quả cao.
Kết quả đạt được cho thấy chính sách tín dụng đối với HSSV là một chính sách có ý nghĩa cả về kinh tế, chính trị và xã hội, hợp lòng dân, tạo được sự đồng thuận cao của các ngành, các cấp, của cộng đồng xã hội. Điều đó khẳng định chủ trương của Đảng, chính sách của Chính phủ về tín dụng đối với HSSV theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg là đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và xu thế phát triển của xã hội.