Nam Sudan trước nguy cơ thảm họa nhân đạo

Nam Sudan có nguy cơ lún vào một thảm họa nhân đạo khi giao tranh giữa quân đội chính phủ và lực lượng đối lập ở nước này đã bước sang tuần thứ hai và tiếp tục leo thang. Trong khi đó, cộng đồng quốc tế tiếp tục tìm cách hành động giúp chấm dứt xung đột ở quốc gia này.


Nguy cơ thảm họa nhân đạo


Báo cáo do Văn phòng Điều phối các vấn đề Nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) ngày 24/12 cho biết, xung đột ở Nam Sudan đã lan đến gần một nửa đất nước, mới nhất là bang Upper Nile. Số người thiệt mạng trong gần một tuần qua theo công bố chính thức là 500 người, nhưng trong thực tế còn cao hơn nhiều. Ít nhất 45.000 dân thường nước này đã phải sơ tán tới các lán trại do phái bộ Liên hợp quốc (LHQ) thiết lập để lánh nạn. Hơn 20.000 người đang tá túc tại hai trại lớn ở thủ đô Juba, cùng với đó là khoảng 17.000 người sống tập trung tại một lán trại khác ở thành phố Bor, thủ phủ bang miền tây Jonglei. Số người buộc phải rời bỏ nhà cửa và đi lánh nạn hiện đã vượt hơn 81.000 và được dự báo sẽ còn tăng nhanh trong những ngày tới.

 

Người tị nạn ở lều trại do phái bộ LHQ thiết lập ở Juba, Nam Sudan. AFP/TTXVN


Nguy cơ về một cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Nam Sudan đã hiện rõ, khi mà các bên vẫn chưa tìm ra tiếng nói chung nhằm chấm dứt xung đột. Phát biểu ngày 23/12, Tổng thống Salva Kiir khẳng định quân đội chính phủ sẽ mở các cuộc tiến công lớn nhằm giành lại quyền kiểm soát các khu vực bị lực lượng chống đối trung thành với cựu Phó Tổng thống Riek Machar chiếm giữ. Về phần mình, mặc dù ông Riek Machar ngày 24/12 khẳng định sẽ sẵn sàng đối thoại với chính phủ, nhưng mâu thuẫn hiện nay khó có thể giải quyết sớm do mang màu sắc xung đột sắc tộc giữa ông Kiir đại diện cho dân tộc Dinka và ông Machar thuộc dân tộc Nuer.


Nỗ lực của cộng đồng quốc tế


Ngày 23/12, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã gửi thư tới Hội đồng bảo an (HĐBA) LHQ, khuyến nghị triển khai thêm 5.500 binh sĩ và 423 cảnh sát để tăng cường cho Phái bộ LHQ tại Nam Sudan (UNMISS). Lực lượng tăng cường bao gồm 5 đơn vị bộ binh, 3 máy bay trực thăng vũ trang, 3 trực thăng vận tải và một máy bay quân sự C-130, dự kiến sẽ được rút từ những phái bộ khác của LHQ tại châu Phi. Trong thư, Tổng thư ký Ban Ki-moon cũng khẳng định LHQ sẽ tiến hành điều tra các cáo buộc về việc lạm dụng vũ lực, tội ác chống lại loài người ở Nam Sudan.


Liền sau đó, Mỹ đã đệ trình một dự thảo nghị quyết theo hướng đề xuất của ông Ban Ki-moon và dự kiến sẽ được 15 nước HĐBA LHQ thông qua tại phiên họp dự kiến diễn ra lúc 3 giờ sáng ngày 25/12 (giờ Việt Nam). Đại sứ Pháp Gerard Araud cho biết: Các nước thành viên về cơ bản ủng hộ dự thảo này, nhất trí cần phải hành động theo lời kêu gọi của Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon. Ông Araud cũng đưa ra 4 ưu tiên chính cho hoạt động của UNMISS: Thúc đẩy đối thoại chính trị, bảo vệ dân thường tại các trại của LHQ, hỗ trợ nhân đạo và bảo vệ nhân quyền.


Các nỗ lực cứu trợ nhân đạo và sơ tán công dân nước ngoài ở Nam Sudan vẫn tiếp tục được triển khai. Ngày 23/12, Ủy ban châu Âu (EC) ra tuyên bố cung cấp khoản viện trợ trị giá 50 triệu euro cho Nam Sudan, nhằm giúp người dân nước này tránh một thảm họa nhân đạo. Cùng ngày, một quan chức Mỹ cho biết, quân đội nước này đã triển khai 150 lính thủy quân lục chiến tới một căn cứ tại Djibouti, nhằm tăng khả năng cơ động cho các bước triển khai nhanh tới Nam Sudan để thực hiện nhiệm vụ sơ tán công dân Mỹ khi có yêu cầu. Đây là các binh sĩ thuộc Đội đặc nhiệm xử lý khủng hoảng, đồn trú thường trực tại căn cứ không quân Moron ở Tây Ban Nha.


Hoài Thanh

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN