Năm 2014 không mua xe công, khó tăng lương

Bên lề Quốc hội, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội (ảnh) trao đổi với báo giới xung quanh việc cơ cấu các khoản chi trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay.

 

 

Xin ông cho biết chúng ta sẽ thực hiện tiết kiệm chi tiêu như thế nào trong năm 2014?


Chúng ta phải thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt và phải đưa ra thông điệp “thắt lưng buộc bụng”, thể hiện rất rõ là phải cơ cấu lại chi. Trong đó đầu tư công chỉ thực hiện vào những lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không tham gia. Hiện nay tỷ lệ đầu tư của ngân sách trong tổng đầu tư của xã hội đang giảm dần, tuy nhiên, chúng ta cần giảm từ từ, không nên giảm quá đột ngột, gây cú sốc cho nền kinh tế.


Trong chi tiêu thường xuyên phải gắn với tinh giảm biên chế, giảm bộ máy để gắn với cơ chế khoán chi, để chi của chúng ta có hiệu quả. Đặc biệt lần này Quốc hội đưa ra một thông điệp là phải tiết kiệm chi tiêu. Trong đó dự thảo Nghị quyết lần này đang được trình Quốc hội sẽ đưa các vấn đề như giảm tối đa chi phí cho hội nghị, cho hội thảo…, đặc biệt là mua xe công. Trong năm 2014 sẽ không mua xe công, hạn chế tối đa các đoàn đi công tác nước ngoài. Thậm chí ngay cả lộ trình tăng lương năm 2014 cũng không có điều kiện để đặt ra. Đấy là một biện pháp thắt chặt, “thắt lưng buộc bụng” đối với những người làm công ăn lương trong bộ máy nhà nước.

 

Vậy thưa ông, liệu có khả năng giảm lương không?


Sẽ không có chuyện giảm lương, chỉ là không thực hiện được lộ trình tăng lương. Mặc dù đã có lộ trình, nhưng do điều kiện ngân sách khó khăn, nên lương tối thiểu vẫn giữ nguyên ở mức 1.150.000 đồng/tháng. Còn nâng thì chắc là khó khăn. Chúng ta cũng phải chia sẻ khó khăn với ngân sách.


Về lương chúng ta đã có lộ trình rõ ràng về cải cách tiền lương. Tuy nhiên, hiện chúng ta đang gặp khó khăn thì chắc phải giãn ra.

Chúng ta sẽ cắt giảm những chương trình khác chứ không cắt giảm chương trình xây dựng nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo, không những không giảm mà còn tăng lên. Ví dụ, trong chương trình trái phiếu Chính phủ, chúng ta còn tăng thêm 15.000 tỷ đồng cho chương trình xây dựng nông thôn mới.

Vậy ông thể cho biết lý do cụ thể hơn về lộ trình giãn lương đến bao giờ không? Nếu sang năm kinh tế phục hồi thì liệu có tăng lương không?


Bây giờ chúng ta chưa thể đặt ra vấn đề này được vì điều kiện hiện nay nguồn thu giảm do thực hiện khoan sức dân và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinhh doanh. Trong khi đó, chi lại chưa giảm, nhất là chi đầu tư công. Các khoản chi khác chúng ta cũng phải giảm, nhưng có những khoản chi như chính sách cho người có công, cho xóa đói giảm nghèo, cho thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia không giảm. Chúng ta chỉ cắt giảm chi sự nghiệp như hội nghị, khánh tiết, lễ tân nhưng chưa được nhiều. Chúng ta đã nâng bội chi từ 4,8% lên 5,3% và với điều kiện hiện nay rõ ràng chúng ta phải thắt lưng buộc bụng.

 

Nhưng nếu không tăng lương thì không đầu tư cho con người được, thưa ông?


Tất cả mọi người đều hiểu như thế. Khi đã khó khăn rồi, chúng ta phải chia sẻ. Chúng ta giữ được mức lương tối thiểu như hiện nay cũng là cố gắng rất lớn. Còn lại thì nâng lương lên với bộ phận sản xuất, Chính phủ đã có tính toán, nhưng trong bộ phận làm công ăn lương như trong cơ quan nhà nước, sự nghiệp thì chúng ta phải giãn thời gian tăng lương.

 

Trong điều kiện ngân sách khó khăn, theo ông có cơ chế nào để quản lý các quỹ ngoài ngân sách hiện nay?


Đây đúng là một vấn đề đang được đặt ra. Chúng tôi cũng đã có cuộc giám sát về các quỹ rồi và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp trước. Hiện chúng ta có khoảng 40 - 50 quỹ đang hoạt động. Những quỹ này đều có thu và chi. Thu chi này cũng có những ảnh hưởng nhất định. Cho nên chúng ta phải rà soát lại. Những quỹ nào không hợp lý phải cương quyết loại bỏ, chỉ tập trung vào những quỹ đúng nghĩa của nó, đúng hiệu quả và đúng yêu cầu.

 

Khi kinh tế khó khăn, mà một số dự án lớn như đường Hồ Chí Minh đề nghị bổ sung hàng chục ngàn tỷ đồng như vậy liệu có là gánh nặng cho ngân sách không, thưa ông?


Trong quá trình đất nước đang công nghiệp hóa thì giao thông rất quan trọng. Giao thông giúp ta rất nhiều, nếu không chú ý đầu tư giao thông thì không thể nào phát triển được. Tất nhiên, dự án nào không hiệu quả chúng ta phải loại đi, còn có hiệu quả thì chúng ta tiếp tục đầu tư. Trong quá trình làm, sai thì phải sửa, những yếu kém phải cương quyết khắc phục, nhưng những chương trình hạ tầng phục vụ mục tiêu phát triển chúng ta vẫn phải thực hiện.


Xin cám ơn ông!


Xuân Minh (ghi)

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN