Mỹ siết chặt thị thực nhằm ngăn làn sóng thánh chiến

Nhằm ngăn chặn mối đe dọa an ninh từ các phần tử thánh chiến nước ngoài từng gia nhập hàng ngũ phiến quân tại Syria và Iraq, Chính phủ Mỹ ngày 7/8 đã công bố các biện pháp siết chặt trong Chương trình Miễn Thị thực nhập cảnh (VWP) của nước này đối với công dân của 38 quốc gia, trong đó có nhiều nước châu Âu.

Động thái này của Mỹ nhằm ngăn chặn làn sóng thánh chiến.


Bộ An ninh Nội địa Mỹ chỉ rõ với những biện pháp mới được thông qua, công dân các nước trên khi nhập cảnh vào Mỹ phải mang theo hộ chiếu điện tử - loại giấy tùy thân có gắn con chíp chứa các thông tin sinh trắc học của mình.

Bộ này cũng chủ trương tăng cường sự hiện diện của lực lượng an ninh hàng không Mỹ trên các chuyến bay quốc tế nhằm ngăn chặn mọi nguy cơ đe dọa an ninh hàng không.

Trong số những điều chỉnh lần này, giới chức Mỹ còn đề cập đến sự hỗ trợ của các nước nằm trong chương trình miễn thị thực. Theo đó, Washington yêu cầu 38 quốc gia cập nhật thông tin về hộ chiếu đã mất hoặc bị đánh cắp thông qua một cơ sở dữ liệu quốc tế nhằm đề phòng chiến binh nước ngoài qua mặt lực lượng chức năng với danh tính giả mạo.

Theo lý giải của Bộ An ninh Nội địa, những thay đổi trên được đưa ra dựa trên cơ sở loạt điều chỉnh mà Mỹ áp dụng hồi năm ngoái. Theo đó, trước khi nhập cảnh vào Mỹ, những cá nhân từ các nước nằm trong VWP của Mỹ sẽ phải điền thêm một số thông tin vào mẫu đơn trên Hệ thống điện tử Du lịch ủy quyền (ESTA).

Những thông tin mới này gồm các tên khác mà người nhập cảnh sử dụng, tên bố mẹ, số thẻ căn cước, thông tin liên hệ, thông tin nghề nghiệp và nơi sinh. Quy định mới trên có hiệu lực bắt đầu từ ngày 3/11/2014. Thông thường, những người thuộc các nước VWP phải trải qua quá trình phê duyệt trên ESTA mới có thể nhập cảnh vào Mỹ.

Trong một tuyên bố, Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Jeh Johnson cho hay môi trường đe dọa an ninh toàn cầu hiện nay đòi hỏi giới chức nước này cần phải nắm rõ thông tin về những cá nhân, đối tượng nhập cảnh vào Mỹ, trong số đó có cả những công dân được miễn thị thực.

Trước đó, nhiều nhà lập pháp Mỹ đã kêu gọi thắt chặt hơn nữa chương trình miễn thị thực của nước này, vốn cho phép công dân 38 nước được phép nhập cảnh và lưu lại lãnh thổ Mỹ trong khoảng thời gian nhiều nhất là 90 ngày mà không cần thị thực.

Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, nghị sĩ Dân chủ Dianne Feinstein, từng so sánh chương trình nói trên là "gót chân Asin" đối với các nỗ lực chống khủng bố của chính quyền Mỹ. Hiệp hội du lịch Mỹ đã hoan nghênh những biện pháp siết chặt của Bộ An ninh Nội địa, song cho biết đơn vị này sẽ áp dụng thêm một vài biện pháp khác như phát triển các cơ sở dữ liệu thông tin về hành khách và những người xin tỵ nạn.

Trong một thống kê hồi tháng 2 vừa qua do cộng đồng tình báo Mỹ đưa ra, trong 3 năm qua, hơn 20.000 chiến binh nước ngoài, trong đó có ít nhất 3.400 công dân châu Âu, đã đến và tham chiến tại Syria và Iraq. Trung Tâm Nghiên cứu Quốc tế và sự cực đoan hóa dẫn số liệu cho thấy Bỉ, Pháp và Anh - 3 nước thuộc chương trình miễn thị thực của Mỹ - là những quốc gia có nhiều công dân gia nhập hàng ngũ các nhóm cực đoan.

TTXVN/Tin Tức
Mỹ không chấp nhận các hạn chế đi lại ở Biển Đông
Mỹ không chấp nhận các hạn chế đi lại ở Biển Đông

Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố nước này sẽ không chấp nhận bất cứ biện pháp hạn chế đi lại nào ở Biển Đông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN