Mỹ có thực sự thay đổi chính sách với Mỹ Latinh?

Một sự kiện đáng chú ý với giới quan sát chính sách đối ngoại của Mỹ trong tuần qua chính là sự kiện Ngoại trưởng Mỹ John Kerry có bài phát biểu tại Tổ chức Các nước châu Mỹ (OAS), trong đó khẳng định thời đại của "Học thuyết Monroe" đã chấm dứt và Mỹ sẽ tìm kiếm mối quan hệ bình đẳng với Mỹ Latinh.

Mỹ không bao giờ từ bỏ "sân sau" Mỹ Latinh.

Lật lại lịch sử quan hệ đối ngoại của Mỹ với khu vực Mỹ Latinh, chúng ta biết rằng "Học thuyết Monroe" ra đời năm 1823 do Tổng thống Mỹ khi đó là James Monroe đề xuất. Theo học thuyết này, Mỹ tự trao cho mình quyền được can thiệp vào các nước "sân sau" ở Mỹ Latinh khi xét thấy việc đó là cần thiết để bảo vệ các lợi ích của Mỹ tại khu vực. Mục đích đưa ra học thuyết này chủ yếu nhằm chống lại sự ảnh hưởng của các nước bên ngoài tại Mỹ Latinh.

 

Những phát biểu của Ngoại trưởng Kerry ngay lập tức làm dấy lên tranh luận về việc liệu Mỹ, trong bối cảnh rối ren về nội bộ, khó khăn về đối ngoại, có thật sự từ bỏ sự quan tâm đặc biệt đối với khu vực Mỹ Latinh mà Mỹ luôn coi là “sân nhà” của mình?

 

Đúng là sự chú ý của Mỹ đối với Mỹ Latinh đã suy giảm trong những năm gần đây, do cựu Tổng thống George W. Bush chú ý hơn đến cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu và Tổng thống Barack Obama dường như cũng ít để ý đến khu vực này, đặc biệt là trong nhiệm kỳ đầu. Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu coi những phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ thể hiện vai trò chi phối của Mỹ tại Mỹ Latinh đã kết thúc. Mỹ sẽ không để mất khu vực mà nước này luôn mặc định là "sân sau" của mình. Nhiều chuyên gia thậm chí còn khẳng định rằng các quan chức Mỹ thường có cách thể hiện câu từ khác nhau khiến người ta nghĩ tới điều gì đó mới mẻ, song bản chất thì vẫn như cũ.

 

Không giống như kỷ nguyên trước, ảnh hưởng của Mỹ hiện giờ không còn được xác định bởi khả năng "cài đặt và lật đổ" các nhà lãnh đạo Mỹ Latinh, nhất là trong bối cảnh trong hơn 2 thập kỷ gần đây, Mỹ Latinh đã có những nền dân chủ ổn định. Với một loạt "sự cố" ngoại giao giữa Mỹ và các nước trong khu vực vừa rồi, người ta có thể thấy một Mỹ Latinh đã khác trước rất nhiều, không còn bị Mỹ "bảo gì nghe nấy" nữa. Ngay khi nghe tin Mỹ nghe lén mình, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đã lập tức quyết định hủy chuyến thăm Mỹ cấp nhà nước. Nhiều lãnh đạo Nam Mỹ đã gọi điện để ủng hộ bà, trong đó có Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos - đồng minh thân cận duy nhất còn lại của Mỹ tại khu vực. Ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực tại thời điểm này đã xuống thấp tới mức thậm chí Tổng thống Mexico theo đường lối bảo thủ Enrique Peña Nieto cũng phải lên án việc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) theo dõi quá trình ông lựa chọn bộ trưởng.

 

Thực tế mới này đang đòi hỏi một kiểu hoạt động ngoại giao khác của Mỹ: Công nhận lợi ích đa dạng của Mỹ Latinh, lấy quan hệ thương mại làm đòn bẩy. Thời đại của việc sử dụng sức mạnh quân sự và hoạt động chính trị lật đổ nhằm duy trì ảnh hưởng đã qua. Mỹ tận dụng lợi thế là một cường quốc, kết hợp sức mạnh kinh tế và một nền văn hóa phổ biến để vươn ra toàn cầu. Có lẽ Washington đã nhận thức sâu sắc được thực tế này, đúng như phát biểu của Tổng thống Mỹ Barack Obama lúc nhậm chức nhiệm kỳ đầu tiên năm 2009 rằng: “Đã đến lúc cần phải phát triển một mối quan hệ bình đẳng với Mỹ Latinh. Trước đây, có lúc chúng tôi tìm cách áp đặt các điều kiện của mình. Có thể chúng tôi đã sai lầm và chúng tôi thừa nhận điều đó”.


Với những phân tích trên, có thể thấy rằng, cho dù được diễn đạt bằng ngôn từ nào đi chăng nữa, bản chất mối quan hệ Mỹ-Mỹ Latinh vẫn sẽ tiếp tục như hiện nay chứ không có nhiều thay đổi.

 

Lê Hoàng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN