“Mức thuế chống trợ giá (CVD) cao của Bộ Thương mại Hoa Kỳ đối với tôm nước ấm của Việt Nam là biện pháp đánh thuế hai lần. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của hơn 600.000 nông dân và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm của Việt Nam”, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho hay.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho rằng, nông dân, doanh nghiệp sản xuất tôm xuất khẩu của Việt Nam nhận được trợ cấp từ Chính phủ. Do đó, Hoa Kỳ quyết định áp mức thuế chống trợ giá rất cao đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tôm của Việt Nam. Cụ thể, áp mức thuế suất CVD đối với hai bị đơn bắt buộc, gồm Công ty Minh Phú là 5,08% và Công ty Nha Trang Seafoods là 7,05%. Riêng mức thuế cho các công ty còn lại là 6,07%. “Mức thuế này sẽ được áp dụng trong thời gian tới và các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ sẽ phải đóng một khoản tiền ký quỹ tương ứng với mức thuế suất CVD nêu trên”, ông Hoè giải thích.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Thuỷ sản & Thương mại Thuận Phước cho hay, quyết định trên không chỉ “đánh” vào các doanh nghiệp nhập khẩu và chế biến tôm của Hoa Kỳ, mà còn ảnh hưởng rất lớn tới các doanh nghiệp xuất khẩu tôm nói riêng và thủy sản của Việt Nam nói chung. Tại Công ty Thuận Phước, kim ngạch xuất khẩu tôm mỗi năm đạt từ 60- 70 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ chiếm 30%. Theo ông Lĩnh, quyết định trên được thực thi, kim ngạch xuất khẩu tôm sang thị trường này sẽ sụt giảm mạnh trong thời gian tới. “4 tháng đầu năm 2013, tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của các doanh nghiệp Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt gần 133 triệu USD, chiếm gần 22% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này”, ông Lĩnh cho hay.
Có cái nhìn lạc quan hơn, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Vasep hy vọng, phán quyết trên chỉ mới có tính chất sơ bộ và có thể thay đổi trong kết quả cuối cùng. Điều mà các doanh nghiệp mong mỏi là thời gian tới, khi có phán quyết chính thức, mức thuế suất phi lý trên sẽ được gỡ bỏ.
Theo lịch ra phán quyết của Bộ Thương mại Hoa Kỳ đối với vụ kiện này, nếu không có gì thay đổi, ngày 10/8 sắp tới, họ mới đưa ra quyết định cuối cùng về mức thuế CVD. Dự kiến vào giữa tháng 6 tới, Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ sang Việt Nam để tiến hành các bước thẩm tra tại chỗ và sau đó sẽ có phán quyết cuối cùng. “Chúng tôi đề nghị các cấp cao hơn phải có biện pháp can thiệp, tác động trước phán quyết vô lý này. Riêng về phía doanh nghiệp, chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần, cũng như phương án kinh doanh trong trường hợp xấu nhất”, ông Dũng nói thêm.
Là doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu tôm sang thị trường Nhật Bản, ông Nguyễn Hải Triều - Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Gió Mới - phân tích, khác với việc kiện chống phá giá nhắm trực tiếp vào doanh nghiệp, CVD lại đánh vào những chính sách của Việt Nam. Theo đó, thông qua việc khảo sát các chủ trương, giải pháp bằng văn bản của ngành chức năng về hỗ trợ cho người sản xuất, Hoa Kỳ đã đơn phương áp CVD. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm và “oan ức” cho nhà nông là thực tế, họ rất ít hoặc không nhận được bất cứ sự giúp đỡ nào.
“Trong bối cảnh đó, thông tin tích cực từ Nhật Bản, thị trường nhập khẩu tôm hàng đầu của Việt Nam, mới đây đã bỏ quy định kiểm tra Trifluralin đối với toàn bộ các lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường này. Với quyết định này, chúng tôi hy vọng xuất khẩu tôm vào Nhật Bản sẽ tăng trưởng trở lại trong những tháng tới. Theo tôi, các doanh nghiệp xuất khẩu cần phải chủ động đa dạng hóa thị trường, tích cực tìm kiếm, khai thác thêm các thị trường mới để giảm sự lệ thuộc vào thị trường cố định”, ông Triều chia sẻ kinh nghiệm.