Mùa cưới nhiều nỗi lo

Hiện nay ở nước ta vẫn còn tồn tại “tập tục” mời cưới linh đình, rầm rộ. Điều này cần được điều chỉnh theo hướng văn minh hơn.


Đám cưới ở Việt Nam nói chung vì quá chú trọng và ưa chuộng nhiều về mặt hình thức, nên rất tốn kém và lãng phí. Có những đám cưới “cố ý” mời thật đông, mời “tràng giang đại hải”, mời được là mời mà không có một sự “cân nhắc” tính toán, hay bày tỏ được sự “trân trọng” cũng như nói lên được “ý nghĩa” khi trao tấm thiệp cho đối tượng mà mình muốn mời... chỉ quen biết qua loa cũng nhận được thiệp mời, có những trường hợp trong gia đình có bao nhiêu người là mời “sạch” bấy nhiêu… và đó cũng là nguyên nhân khiến không biết bao nhiêu người coi đó là nỗi lo, nỗi ám ảnh mỗi khi mùa cưới về.


“Ngay ngáy” nỗi lo


Phong tục hay nói đúng hơn là hủ tục này đã tồn tại từ nhiều năm đến nay, chẳng những không rút tỉa được chút ít kinh nghiệm để cải cách hoặc cắt xén bớt đi những thông lệ không cần thiết, mà lại ngày càng “bành trướng” và “phát sinh” nhiều thêm khi mối quan hệ mỗi ngày một thêm rộng, với tiêu chí năm sau luôn cao hơn năm trước, đám này phải “đạt” hơn đám kia…

 

Bên cạnh niềm vui, niềm hạnh phúc của những đôi uyên ương, nhiều người nhận được thiệp mời cưới coi đó là nỗi lo... Lê Phú


Bên cạnh niềm vui, niềm hạnh phúc của những đôi uyên ương, cô dâu chú rể luôn muốn được nhiều người chứng kiến sự kiện trọng đại của đời mình, rất nhiều người nhận được thiệp mời lại mang một nỗi lo, đó là tiền mừng cưới.


Những người có thu nhập cao, khi được mời đi dự đám cưới có thể “không là vấn đề gì”, nhưng với những người đã nghỉ hưu, cán bộ công chức Nhà nước, những công nhân bình thường tiền lương ba cọc ba đồng, nông dân lao động… có thu nhập thấp, nuôi sống gia đình đã là điều hết sức khó khăn, thì việc nhận được nhiều tấm thiệp mời, quả là một điều khá “nhức nhối” và đau đầu. Những gia đình có “kinh tế khá giả” tổ chức đám cưới cho con cũng là dịp để phô trương và thể hiện “đẳng cấp” hơn người của gia đình mình, còn đại đa số các gia đình bình thường khi phải tổ chức đám cưới cũng chẳng sung sướng gì! Nhà bắt đầu có dự định tổ chức đám cưới là bắt đầu hình thành những nỗi âu lo… ngay ngáy! Khổ nỗi đây cũng là món “nợ đời” đã có sẵn thông lệ từ bao đời nay và trở thành điều bắt buộc không thể không theo…


Nhận được quá nhiều thiệp cưới, nhất là vào những ngày “cao điểm” nhiều gia đình có từ 5 đến 7 thiệp mời trong cùng một ngày một giờ, trong khi gia đình “vỏn vẹn” chỉ có hai người không biết nên đi ai bỏ ai, đành phải chạy “sô” cấp tốc mới kịp.


Tự giác “bứt phá”


Cưới xin tuy là “việc riêng mỗi nhà”, không thể dùng biện pháp hành chính để ngăn cấm, nhưng những nét văn hóa “hay mới lạ” vẫn có thể áp dụng và có quy định cụ thể trong các quy ước, hương ước, tộc ước... của từng địa phương, nếu chúng ta cùng đồng lòng và quyết tâm thực hiện, chắc chắn sẽ cải cách và thay đổi được những tập tục xưa cũ mới mẻ hơn, sao cho phù hợp với lối sống hiện đại, văn minh. Những đôi bạn chuẩn bị bước vào “việc trọng đại”, hãy thử “bứt phá” làm một cuộc “cách mạng văn hóa” nhằm giảm bớt “nỗi lo” này. Hãy tự giác, tự nguyện làm gương và đi tiên phong trong việc thực hiện “nếp sống mới” để có một đám cưới theo phong cách đời sống mới, được nhiều người ủng hộ.


Thiết nghĩ, đây cũng là một vấn đề “nóng bỏng” chung cho toàn xã hội. Trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Những quy ước, hương ước về việc ma chay cưới hỏi vẫn được học tập và phổ biến thường xuyên tại các địa phương. Nhưng đó chỉ là “vỏ bọc”, “học thì có nhưng hành thì không”.


Để giải quyết được vấn đề này rất cần sự vào cuộc của các ngành có chức năng, các cấp chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể, Ban văn hóa, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên... Tích cực quan tâm chỉ đạo, có chỉ thị rõ ràng, văn bản hướng dẫn tổ chức việc cưới, việc tang theo nếp sống văn minh - gia đình văn hóa, thường xuyên tuyên truyền phổ biến sâu rộng trong tầng lớp nhân dân, vận động, khuyến khích và làm việc tư tưởng để người dân được hiểu rõ và thông suốt, “mưa dầm thấm lâu”. Tin chắc rằng: tương lai sắp tới sẽ có nhiều đôi uyên ương “học hỏi” và làm đám cưới theo cách của những người phương Tây, vừa đơn giản, tiết kiệm, không gây lãng phí nhưng có ý nghĩa lớn lao và đích thực, đem đến niềm vui nhiều hơn với mọi người, ngõ hầu giảm bớt áp lực, bớt nỗi lo và bớt khổ cho nhiều người, nhất là những người dân nghèo phải chịu cảnh lạm phát tiền công trái ngoài mong muốn.


Toàn xã hội cần xem vấn đề này như một “chiến lược” trong văn hóa cũng như đạo đức lối sống con người, vì hiện nay có quá nhiều đám cưới được tổ chức quá cầu kỳ, rườm rà, phí phạm… cắt giảm và đổi mới “hủ tục” này cũng không đến nỗi khó lắm. Chỉ cần sự quyết tâm và đồng lòng của tất cả mọi người, cùng nhau ý thức và chung tay để làm một điều gì đó thật có ý nghĩa cho toàn xã hội, đừng ngồi yên một chỗ "chờ sung rụng". Trước là cắt giảm và bài trừ những thứ không cần thiết, sau là từng bước thay đổi cái cũ thành cái mới.
Một đám cưới thật đầy ý nghĩa, tốt hơn hết nên đơn giản, tiết kiệm, gọn nhẹ, tươm tất và chăm sóc chu đáo cũng làm khách mời cảm thấy vui vẻ thoải mái và thân mật còn hơn mời quá nhiều vừa tốn kém gây lãng phí lại mệt mỏi và hao tổn sức lực cho đôi bạn trong những ngày “trọng đại”. Chỉ trừ những người lợi dụng đám cưới tổ chức dưới dạng “kinh doanh” để trục lợi, để lấy quà mừng.

 

Mỹ Nhân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN