Một tình yêu cho cả cuộc đời…

“Quân thua, chém tướng” là chuyện thường tình, nhất là trong bóng đá hiện đại. Huấn luyện viên (HLV) luôn phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên về thất bại của đội bóng. Sự khắc nghiệt của công việc huấn luyện khiến nhiều người gọi đây là một trong những nghề… nguy hiểm nhất thế giới. Nhưng cũng chính vì thế, người ta càng trân trọng và ngưỡng mộ các nhà cầm quân đã gắn bó cả sự nghiệp với một đội bóng và xem đó như những câu chuyện cổ tích trong làng bóng đá.

 

Tình yêu vĩnh cửu


Tại Pháp, cái tên Guy Roux nổi tiếng hơn bất cứ HLV nào khác. Đơn giản bởi tình yêu mà ông dành cho Auxerre là bất diệt. Roux đã dẫn dắt đội bóng này từ năm 1961 đến 2005, tức là 44 năm. “Chuyện tình” này bắt đầu khi Roux mới 23 tuổi. Khi đó, với niềm đam mê mãnh liệt và sự quyết đoán, ông đã thuyết phục được chủ tịch của Auxerre chấp nhận để ông vừa đá bóng, vừa làm HLV, bằng cách viết một bức thư dài để trình bày dự án của mình cho một đội bóng khi đó còn chơi ở trình độ vùng. Sau đó, dưới sự dẫn dắt của Roux, Auxerre đã dần trở thành một trong những lò đào tạo xuất sắc nhất của bóng đá Pháp. Họ từng giành 1 chức vô địch Pháp (năm 1996) và 4 Cúp quốc gia Pháp (1994, 1996, 2003 và 2005).


 

Telê Santana thành công rực rỡ tại đội tuyển Braxin và CLB Sao Paulo.

Với quãng thời gian gần nửa thế kỷ cống hiến cho Auxerre, Roux đã vượt qua kỷ lục của Willie Maley, HLV huyền thoại của Celtic Glasgow. Maley thuộc thế hệ cầu thủ đầu tiên trong lịch sử Celtic và sau khi treo giày, ông đã gắn bó với băng ghế huấn luyện của đội bóng này từ năm 1897 đến 1940. Trong 43 năm đó, Maley đã hình thành một bản sắc riêng cho Celtic và viết nên những trang sử vàng đầu tiên cho CLB: Giành 16 chức vô địch Xcốtlen và 14 Cúp quốc gia. Bằng chứng về tình yêu vĩnh cửu đó là 73 năm sau khi Maley rời CLB, sân Celtic Park vẫn vang lên tiếng hát ca ngợi người anh hùng.


 

Guy Roux dành cả cuộc đời cho đội bóng Auxerre.

Tại Braxin cũng vậy, người ta hiện vẫn tôn thờ Telê Santana vĩ đại. Ông chính là người đã sáng tạo ra Joga Bonito (Bóng đá đẹp) cùng với đội tuyển Braxin năm 1982 và 1986. Sau đó, ông đã kết thúc sự nghiệp sáng chói của mình tại Sao Paulo, đội bóng mà ông đã giúp họ trở thành một thế lực của bóng đá thế giới với thế hệ của Rai, Cafu, Muller và Zetti. Telê đã gắn bó với Sao Paulo tới mức ông đã có một thời gian sống ngay tại trung tâm đào tạo của CLB. Nhiều năm sau khi ông qua đời, người hâm mộ Sao Paulo vẫn hát “Olê, Olê, Olê, Telê, Telê” để khuyến khích các cầu thủ trên sân bóng.

 

Những “chuyến tàu khứ hồi”


Đôi khi, những đoạn điệp khúc vang lên trên các khán đài đó được nghe thấy và nó kéo theo sự trở lại của những người hùng. Đó là điều đã xảy ra gần như cùng thời điểm tại Áchentina hồi cuối năm 2012, ở hai CLB là River Plate và Boca Juniors. Trường hợp đầu tiên là Ramon Diaz, HLV giành nhiều danh hiệu nhất tại River Plate. Cựu chân sút của CLB vẫn luôn tâm niệm: “Tôi cần phải trở lại đó, đó là nhà tôi”. Và đây là lần thứ 3, Diaz ngồi vào băng ghế huấn luyện của River Plate. Tương tự như vậy, kình địch của River Plate là Boca cũng đã ký hợp đồng lần thứ 3 với HLV giàu thành tích nhất trong lịch sử CLB: Carlos Bianchi. Trong 2 giai đoạn dẫn dắt đội bóng trước đó, Bianchi đã giúp Boca giành 9 danh hiệu, trong đó có 5 danh hiệu quốc tế.


 

Sir Alex Ferguson sống mãi với Old Trafford

Tuy vậy, Diaz và Bianchi sẽ phải lên chuyến tàu khứ hồi một lần nữa mới bắt kịp thành tích của đồng hương Carlos Bilardo. “Ngài mũi to” đã dẫn dắt Estudantes tới 4 lần. Bilardo luôn xem CLB như một gia đình, nơi các cầu thủ là những cậu con trai và vì thế mà ông rất được người hâm mộ Estudiantes yêu quý.


Tại Tây Ban Nha, Luis Aragones cũng đã viết nên một “thiên tình sử” với Atletico Madrid sau 4 lần dẫn dắt đội bóng này. Đây là CLB mà cựu HLV đội tuyển Tây Ban Nha đã thi đấu 10 năm cuối cùng trong sự nghiệp cầu thủ (1964 - 1974). Ngay sau khi treo giày, Aragones đã trở thành HLV của Atletico trong vòng 6 năm. Aragones luôn giành được ít nhất một danh hiệu trong mỗi lần dừng chân tại Atletico, trở thành người hùng trong mắt các CĐV và các nhà lãnh đạo CLB. Năm 2001, Atltico đã “cầu cứu” Aragones để đưa đội bóng lên hạng. Và Aragones đã thực hiện được điều này trong “nhiệm kỳ” thứ tư tại Atletico.

 

Lớn lên trong thử thách


Cũng có những “cặp đôi” vẫn luôn gắn bó với nhau, bất chấp mọi sóng gió. “Tôi không bao giờ tưởng tượng ra mình ở lại đây lâu đến thế”, HLV Alex Ferguson của Manchester United tâm sự hồi năm 2010, thời điểm mà ông vượt qua đồng hương Xcốtlen, Sir Matt Busby, về thời gian dài nhất làm HLV tại Man Utd. Khi nói ra những lời như vậy, Ferguson có lẽ đã nhớ lại khởi đầu khó khăn của ông tại Man Utd năm 1986, nhớ lại công việc và sự kiên nhẫn của ông nhằm vực dậy một Man Utd khi đó đang khát khao danh hiệu trong suốt 2 thập kỷ. Phải đến năm 1993, Man Utd mới giành chức vô địch Anh đầu tiên cùng với Ferguson. Nhưng cũng kể từ đó, Ferguson đã có thêm gần 40 danh hiệu lớn nhỏ và mới đây, ông đã được tạc tượng ở bên ngoài sân Old Trafford.


Một đối thủ lớn của Ferguson tại Giải Ngoại hạng Anh là Arsene Wenger lại đi theo một hành trình trái ngược ở Arsenal. HLV người Pháp đã giành một cú đúp danh hiệu năm 1998 (vô địch Premier League và FA Cup), chỉ 2 năm sau khi ông ngồi vào ghế huấn luyện “Các pháo thủ”. Một cú đúp nữa vào năm 2002, rồi một chức vô địch Anh đáng nhớ năm 2004 (mùa giải bất bại) đã khắc sâu hình ảnh của Wenger trong tim người hâm mộ Arsenal. Đó có lẽ là lý do khiến giờ phút này Wenger vẫn đứng vững ở sân Emirates, bất chấp 8 mùa giải liên tiếp trắng tay danh hiệu.


Tại Đức cũng vậy, lòng trung thành là lẽ sống của HLV. Sự tồn tại của Thomas Schaaf trên ghế huấn luyện Werder Bremen kể từ năm 1999 là một ví dụ. Schaaf chưa bao giờ rời đội bóng kể từ năm 1972, năm mà ông gia nhập lò đào tạo của CLB ở tuổi 11, trước khi khởi đầu sự nghiệp cầu thủ chuyên nghiệp vào năm 1978 để cống hiến cả sự nghiệp cho Bremen ở vị trí hậu vệ. Schaaf đã bắt đầu dẫn dắt đội trẻ Bremen khi vẫn còn đang đá bóng. Đến năm đầu tiên dẫn dắt đội 1, ông đã giành Cúp quốc gia Đức, rồi mang lại niềm tự hào cho người hâm mộ Bremen với cú đúp vô địch năm 2004 (Cúp quốc gia và Bundesliga) và một Cúp quốc gia nữa vào năm 2009.


Nếu Schaaf là một hình mẫu về lòng trung thành, thì Bremen cũng đã cho thấy rằng họ là một mảnh đất của tình yêu. Một HLV nổi tiếng khác là Otto Rehhagel cũng từng gắn bó với “Các nhạc công” từ năm 1981 đến năm 1995. Đây là một bằng chứng nữa cho thấy, trong cuộc sống cũng như trong bóng đá, một tình yêu đẹp luôn xuất phát từ hai phía.


Song Long

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN