Theo cô Nguyễn Thanh Hằng, Tổ trưởng Tổ Văn, trường THPT Marie Curie (TP Hồ Chí Minh), đề thi môn văn trong kỳ thi ĐH, CĐ thường có 3 phần: kiểm tra kiến thức, nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Trong đó, ở phần kiểm tra kiến thức, thí sinh cần lưu ý: Ngoài học kiến thức cơ bản về tác giả, tác phẩm thì thí sinh phải nhớ cả chi tiết của tác phẩm. Ba năm gần đây, đề bài thường đòi hỏi thí sinh đưa ra một chi tiết nào đó trong tác phẩm để trả lời câu hỏi. Điều này có nghĩa là học sinh phải đọc kỹ tác phẩm, hiểu tác phẩm.
Đối với bài văn nghị luận xã hội, thí sinh cần hướng đến các đề tài xã hội đang được quan tâm. Các em phải chịu khó quan sát, đọc sách báo để có kiến thức về xã hội. Với bài văn nghị luận văn học, có hai dạng mà các em cần lưu ý là phân tích thơ và văn xuôi. Đối với thơ, học sinh thường quên phân tích yếu tố nghệ thuật mà chỉ phân tích yếu tố nội dung. Trong khi, nghệ thuật mới là yếu tố làm bài thơ nổi bật. Với văn xuôi, học sinh lại phải nắm kỹ dạng phân tích nhân vật và phân tích nhận định. Ở dạng nghị luận văn học, thí sinh thường mắc lỗi kể lại nội dung tác phẩm thay vì phân tích tác phẩm.
Hoàng Dương (tổng hợp)