Những năm gần đây, hồ tiêu là mặt hàng có giá trị kinh tế cao và được thị trường trong và ngoài nước tiêu thụ khá mạnh, nên người trồng tiêu trong khu vực Tây Nguyên nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng, rất phấn khởi và yên tâm đầu tư phát triển loại cây này. Tuy nhiên để nâng cao năng suất, hạn chế sâu bệnh và hướng đến sản phẩm tiêu đạt chất lượng là vấn đề bà con rất quan tâm.
Năm 1999, gia đình anh Đào Đình Đoàn di cư vào làng Ia Lu, xã Kông H’Tok, huyện Chư Sê xây dựng vùng kinh tế mới. Ban đầu với diện tích đất ít ỏi, gia đình anh tập trung trồng cà phê. Nhận thấy hiệu quả của cây trồng này đem lại không cao do thị trường bấp bênh, nên năm 2005, anh đã quyết tâm vay mượn để đầu tư mua thêm đất, chuyển đổi sang trồng cây hồ tiêu. Tận dụng lợi thế của Ia Lu là vùng đất có nhiều sỏi đá, gia đình anh đã dùng dây thép buộc, chằng đá lại làm thành trụ tiêu. Theo kinh nghiệm nhiều năm trồng tiêu của anh Đoàn, dùng đá làm trụ tiêu vừa đỡ tốn kinh phí, tiết kiệm được diện tích, cây tiêu lại mát, nên ít bị sâu bệnh và cho năng suất cao. Còn trồng bằng trụ gỗ thì chi phí đầu tư lớn, không chỉ vậy, thời gian nắng, mưa tạo cho gỗ phát sinh nhiều loại nấm bệnh gây ảnh hưởng đến cây tiêu làm cho tiêu hay bị nhiễm bệnh và chết. Ngoài ra, mỗi trụ đá có diện tích 20 m2 trồng được tới 15 - 20 hốc tiêu, và mỗi sào có thể trồng được từ 35 - 40 trụ, nâng năng suất tăng gần gấp rưỡi so với trụ gỗ.
Hồ tiêu là mặt hàng có giá trị kinh tế cao, giúp cho đời sống đồng bào Gia Lai thoát nghèo vươn lên làm giàu. |
Hiện tại, gia đình anh đã trồng được gần 2.000 trụ tiêu, trong đó gần 1.000 trụ đã cho thu hoạch. Bình quân mỗi năm gia đình anh thu được xấp xỉ 5 tấn tiêu. Với giá cả dao động trên dưới 140.000 đồng/kg tiêu khô như hiện nay, trừ chi phí, gia đình anh vẫn thu lãi hơn 500 triệu đồng.
Không chỉ mô hình trồng tiêu bằng trụ đá, mô hình trồng tiêu bằng trụ cây sống cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với hơn 3 ha tiêu, gia đình ông Đồng Quốc Bảo ở cùng làng Ia Lu lại trồng trụ hoàn toàn bằng cây sống cho tiêu. Ông Bảo cho biết: Việc trồng cây sống làm trụ cho tiêu đem đến nhiều lợi ích như: hạn chế được tình trạng phá rừng lấy gỗ làm trụ tiêu ảnh hưởng đến môi trường sống, việc trồng trụ sống cho tiêu vừa tiết kiệm được chi phí vừa hạn chế được tỷ lệ mắc bệnh trên cây tiêu và nâng cao năng suất. Cây sống được trồng làm trụ tiêu có nhiều ưu thế là cây keo vì lá của cây này nhỏ vừa có khả năng che mát nhưng cũng vẫn có tán xạ để ánh sáng xuống cho tiêu quang hợp. Đặc biệt, cây keo là cây họ đậu nên không cạnh tranh đạm với cây tiêu và có ưu điểm lớn rất nhanh, có tuổi thọ cao.
Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện Chư Sê, Chư Pứh, Đức Cơ... cũng đã áp dụng rộng rãi mô hình này vào trồng tiêu để giảm chi phí đầu vào, cũng như tăng năng suất cây trồng. Nhờ vậy mà đã có hàng trăm hộ gia đình trước đây vốn thiếu đói từng bữa ăn nay đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu cho chính bản thân. Gia đình ông Rơ Lan Ke ở thôn Bê Tel, xã Ia Rong, huyện Chư Pưh là một điển hình. Với 2 ha tiêu có trong tay, gia đình ông mỗi năm thu lãi hơn 500 triệu đồng và là điển hình thoát nghèo của địa phương.
Với giá cả và đầu ra trên thị trường đang rất ổn định, sẽ là điều kiện thuận lợi giúp cho đời sống của người trồng tiêu ở Gia Lai ngày một phát triển ổn định hơn.
Bài và ảnh: Nguyễn Hoài Nam