Mali tổng động viên trấn áp phiến quân Hồi giáo

Với sự ủng hộ về lực lượng của cộng đồng quốc tế, Tổng thống lâm thời Mali, Dioncounda Traoré ngày 12/1 đã ban bố lệnh tổng động viên để đối phó với phiến quân Hồi giáo đang kiểm soát miền Bắc sau khi lực lượng này mở rộng các chiến dịch “hướng Nam” đầy tham vọng.


 

Binh sĩ Pháp lên đường đến Mali ngày 11/1.Ảnh: AFP/ TTXVN

 

Tình trạng khẩn cấp này được Tổng thống Traoré ban bố sau khi Hội đồng Bộ trưởng thông qua, sẽ kéo dài trong 10 ngày (bắt đầu từ 12/1) và có thể được Quốc hội gia hạn. Trong bài phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Traoré đã yêu cầu các cơ quan chính quyền giao toàn bộ xe bán tải cho Bộ Quốc phòng và Cựu chiến binh để phục vụ cuộc chiến.


Trước đó, ngày 11/1, Pháp đã quyết định điều lực lượng không quân dẫn đầu chiến dịch mang tên “Mèo rừng châu Phi” hỗ trợ quân đội Mali trấn áp phiến quân Hồi giáo. Mục tiêu của chiến dịch là đẩy lùi lực lượng phiến quân khỏi vùng trung tâm lãnh thổ Mali, mở đường cho việc triển khai lực lượng mặt đất tái thiết lập toàn vẹn lãnh thổ. Tổng thống Pháp Francois Hollande nhấn mạnh, chiến dịch này nằm trong khuôn khổ nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) trợ giúp khẩn cấp Mali theo đề nghị của Tổng thống Traoré.


Tổng thống Hollande cũng tuyên bố, chiến dịch "Mèo rừng châu Phi" đã gặt hái thành công khi quân đội chính phủ Mali giành lại quyền kiểm soát thành phố chủ chốt Konna từ tay phiến quân Hồi giáo và tiêu diệt hơn 100 tay súng, trong đó có một thủ lĩnh chóp bu là Abdel 'Kojak' Krim.


Trong khi Thủ tướng Anh David Cameron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso hoan nghênh động thái trên của Pháp thì đặc phái viên Nga tại châu Phi, Mikhail Margelov lại phản đối và cho rằng ngoài người dân châu Phi, không ai có thể giải quyết các vấn đề của châu lục này.


Quyết định tham chiến tại Mali đã đặt an ninh nội địa Pháp vào tình trạng báo động. Tổng thống Hollande ngày 12/1 đã ra chỉ thị thắt chặt an ninh trong nước và thực hiện các biện pháp chống khủng bố. Phát ngôn viên của lực lượng phiến quân Hồi giáo cùng ngày tuyên bố sẵn sàng “quyết tử” và cảnh báo những hậu quả không chỉ với những con tin người Pháp mà với tất cả các công dân Pháp sinh sống trong thế giới Hồi giáo.


Ngày 12/1, Anh tuyên bố sẽ hỗ trợ hai máy bay vận tải C-17 nhưng không cử quân đội tới Mali. Mỹ vẫn đang cân nhắc về các lựa chọn hỗ trợ can dự, trong đó có việc chia sẻ thông tin tình báo với Pháp và hỗ trợ về mặt hậu cần. Trong khi đó, Đức tuyên bố sẽ không điều quân tới Mali vào thời điểm hiện tại. Còn Liên minh châu Âu (EU) khẳng định sẽ thúc đẩy kế hoạch gửi 200 binh sĩ đến huấn luyện cho các lực lượng của Mali.


Kết thúc cuộc họp hôm 12/1, Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã nhất trí huy động lực lượng quốc tế gồm 3.300 quân do châu Phi dẫn đầu tới Mali và tổ chức cuộc họp khẩn cấp về Mali vào ngày 19/1. Cùng ngày, Xênêgan, Buốckina Phaxô, Nigiê và Tôgô cũng cho biết sẽ đóng góp mỗi nước 500 binh sĩ, trong khi Angiêri bày tỏ trước sau như một ủng hộ chính quyền tại nước láng giềng Mali.


Mali đã rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng từ tháng 3/2012, khi các binh sĩ nổi loạn lật đổ Tổng thống được bầu Amadou Toumani Toure. Tình trạng rối ren sau đó đã tạo điều kiện cho lực lượng phiến quân người Tuareg mở rộng kiểm soát các tỉnh sa mạc rộng lớn ở miền Bắc và tuyên bố ly khai, lập ra "Nhà nước Azawad” và áp đặt luật Hồi giáo (Sharia) hà khắc. Cuộc khủng hoảng ở Mali đã trở thành mối quan tâm an ninh đối với các chính phủ phương Tây, vốn lo ngại vùng sa mạc rộng lớn của nước này có thể biến thành một nơi huấn luyện cho các chiến binh Hồi giáo cực đoan.


Đứng trước tình hình đó, ngày 20/12/2012, HĐBA LHQ đã nhất trí thông qua kế hoạch triển khai một lực lượng can thiệp tới Mali nhằm giúp quân đội nước này giành lại phần lớn lãnh thổ đang bị phiến quân Hồi giáo chiếm đóng.


Trần Mạch (P/v TTXVN tại Angiê) - Lê Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN