Lòng nhân ái nơi xóm nghèo

Đã bốn năm nay, cứ vào mỗi buổi tối từ thứ 2 đến thứ 6, trong hai căn nhà nhỏ (tại số 1B đường Liên Khu 5-11-12, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân TP Hồ Chí Minh) lại vang lên tiếng ê, a của trẻ. Đây là lớp học tình thương của cặp vợ chồng già đang cố gắng gieo chữ nơi xóm lao động nghèo.


Bán đất lấy tiền mở lớp


Đau đáu trước hoàn cảnh nhiều em nhỏ gần nơi mình ở vì gia đình khó khăn, không thể đi học nên vợ chồng ông Đoàn Minh Hùng và bà Nguyễn Thị Kim Chi (cùng sinh năm 1962) nảy ra ý định dạy học cho chúng.

 

Trong căn phòng thuê trọ, ông Đoàn Minh Hùng đã giúp đỡ nhiều em nhỏ nhà nghèo được tiếp tục học hành.


Vốn là nông dân ở một làng quê nhỏ tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, vì cuộc sống mưu sinh, ông Hùng cùng gia đình rời quê lên thành phố lập nghiệp. Cách đây bốn năm, ông chuyển tới Bình Tân thuê trọ gần chợ Phú Lâm mới mở. Hàng ngày, ông đi sửa cân dạo còn bà Chi bán rau củ quả. Cuộc sống khá chật vật, nhưng ông bà vẫn đảm bảo việc học hành của hai con.


Khi nhìn những trẻ em nơi xóm trọ, dù đã đến tuổi đi học nhưng suốt ngày đi bán báo, bán vé số, lượm ve chai… ông không khỏi đau lòng. Khi biết các em rất muốn biết đọc, biết viết, ông bàn với bà cùng đến thuyết phục người thân của các em cho phép các em buổi tối tới học chữ miễn phí tại phòng trọ của ông bà. Ban đầu chỉ có vài người chấp nhận, về sau, số người đưa con tới nhờ dạy càng lúc càng đông, đến mức phòng trọ của ông bà chật cứng. Bàn đi tính lại nhiều lần, ông bà thống nhất bán mảnh đất dưới quê để thuê nhà trọ mới.


Ông Hùng tâm sự: Ban đầu tôi cũng lo nếu bán mảnh đất cha mẹ để lại thì sau này già muốn về quê sinh sống sẽ không có chỗ ở, nhưng nếu không bán thì không có tiền thuê chỗ rộng hơn, và có cháu sẽ không được học chữ. Tôi quyết tâm về quê bán đất. Với 200 triệu đồng, vợ chồng tôi thuê một gian nhà khoảng 3,5 triệu đồng/tháng. Về sau do số lượng các cháu tới học ngày một tăng, nay đã là 90 cháu nên tôi và gia đình quyết định thuê thêm căn nhà bên cạnh cũng với giá 3,5 triệu đồng/tháng. Tiền thuê nhà trọ, cũng như chi phí sách vở, tiền ăn cho các cháu (mỗi tối các bé được một suất ăn miễn phí), lấy từ khoản nhặt nhạnh của vợ chồng tôi và từ tiền bán đất bù vào.


Lúc mới mở lớp, chỉ có ông bà và hai con đứng dạy. Sau này, khi lớp đông hơn và nhu cầu học càng cao mà khả năng hiểu biết của ông bà có hạn thì có nhiều sinh viên biết được và đến hỗ trợ lớp học tận tình. Hiện lớp học chủ yếu gồm những em do không có điều kiện đến trường, một số khác được đi học ở trường nhưng không có tiền đi học kèm nên đến học ở đây để được phụ đạo thêm…


Nhận nuôi trẻ bị bỏ rơi


Khu vực nơi ông bà ở là vùng đất có nhiều dân ngoại tỉnh về ngụ cư. Có những gia đình sau một thời gian đã gửi con cho vợ chồng ông Hùng để tiếp tục tìm kiếm những cơ hội lao động mới. Vì thế, ông bà lại trở thành ông bà nuôi của nhiều em nhỏ. Hiện ông nhận nuôi 8 em mồ côi và 6 em vẫn còn người thân nhưng vì quá khó khăn.


Em Lặc Văn Phú (13 tuổi) ngập ngừng kể lại: Con không có cha ngay từ khi còn nhỏ. Sau đó, mẹ bị một người lừa đến nơi khác sinh sống bỏ con sống với một người quen của mẹ. Người này lại đem con đến nhờ ông ngoại (các em ở đây gọi ông Hùng là ông ngoại) nuôi giúp. Con ở cùng với ông bà từ lúc 10 tuổi. Do không có giấy khai sinh nên con chưa được đi học, nhưng bù lại ở đây con được ông bà nuôi dạy đọc, dạy viết và được các anh chị dạy làm toán. Giờ ở lớp này con đã học đến lớp 5 rồi.


Đối với những em vẫn còn cha hoặc mẹ hay ở với ông bà nhưng vì khó khăn nên không thể đến trường, ông sẵn sàng hỗ trợ kinh phí để các em được tiếp tục đi học. Em Lưu Mỹ Hoàn (10 tuổi, học với ông bà hai năm) là một trong những trường hợp như thế. Khi biết tin mình sắp được đi học, em không khỏi reo lên: Con có nghe mẹ nói ông bà sẽ hỗ trợ một phần học phí, sách vở để con đi học ở trường. Con vui lắm, vậy là con sẽ có thêm bạn.


Bà Chi bộc bạch: Có nhiều cháu nhỏ, ba mất sớm, mẹ lại bỏ đi để con bơ vơ ở các dãy nhà trọ, bến xe… Chủ nhà trọ, bác xe ôm… thấy thương nên đem các cháu đến nhờ chúng tôi giúp đỡ. Có lẽ, vì thấy ở đây chúng tôi vừa bán cơm chay vừa dạy học miễn phí nên họ yên tâm đem các cháu tới gửi. Về phía chúng tôi, dù vất vả vì thêm một người là thêm một suất ăn nhưng một khi đã có ý định giúp đỡ các cháu nhỏ khó khăn thì phải giúp đỡ tận tình nên luôn sẵn sàng bao bọc.


Hiện ông bà cũng đang hướng nghiệp cho những em mà ông bà nhận nuôi. Những em đã quá tuổi để đi học lại từ lớp một, ông bà sẽ cho đi học nghề; con gái học uốn tóc, con trai học sửa xe… Còn những em có khả năng học tiếp lên đại học, ông bà cũng cố gắng làm để nuôi các em học hành đàng hoàng.


Nhìn ánh mắt đầy mãn nguyện của ông khi nhìn các em nắn nót từng nét chữ, chúng tôi hiểu rằng, đối với ông bà đó mới là niềm vui, hạnh phúc mà không phải ai cũng có được.

 

Lan Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN