Lính biên phòng với lá cờ Tổ quốc

Không quản nắng, mưa, sớm, tối, khi lá cờ Tổ quốc đỏ thắm bay trên đỉnh Lũng Cú (Hà Giang) bị gió quẩn quấn vào cột, hay rách góc, là lúc những chiến sĩ quân hàm xanh của Tổ công tác biên phòng phải làm nhiệm vụ thay cờ. Đây chỉ là một trong những công việc hết sức bình thường, nhưng không hề đơn giản.

Cột cờ Lũng Cú.

Còn nhớ dịp cuối năm 2010, tiết trời se lạnh, giá buốt, gió thổi ràn rạt, tuyết rơi trắng xóa những mái nhà của đồng bào dân tộc Mông, dầy hàng phân. 5 giờ sáng, các chiến sĩ thức dậy, phát hiện cờ Tổ quốc trên đỉnh núi Rồng bị gió to làm rách, cả Tổ công tác biên phòng thuộc Đồn biên phòng Lũng Cú quân phục chỉnh tề, hành quân lên đỉnh núi thực thi nhiệm vụ: Hạ cờ và thay lá cờ khác.

Trung tá Nông Minh Thạch - Phó Đồn trưởng, Đồn biên phòng Lũng Cú, cho biết: Việc tưởng như đơn giản, nhưng rất vất vả và cực nhọc, nhất là những khi gặp trời mưa to gió lớn. Bởi khi đó người lính phải thực hiện nhiệm vụ ở độ cao 1.500 m so với mực nước biển, gió hun hút như muốn thổi bay người. “Việc chăm lo lá cờ Tổ quốc trên điểm cao cực bắc nơi biên cương Tổ quốc là nhiệm vụ của Tổ công tác cột cờ Lũng Cú với những nghi thức không thể thiếu mỗi khi thay cờ, kéo cờ, và chào cờ…”.

Trung úy Nguyễn Vũ Quỳnh giới thiệu về những họa tiết trên bệ cột cờ Lũng Cú.


Thiếu úy Ly Mí Dình, Tổ trưởng tổ công tác biên phòng, Trạm kiểm soát biên phòng Lũng Cú, cho biết: “Khi cờ Tổ quốc bị hư hỏng do gió to làm rách, không riêng gì cán bộ, mà chiến sĩ nào trong ca trực đều phải thay được cờ. Nhiều hôm mưa to, gió lớn, thời tiết khắc nghiệt, chúng tôi mất cả tiếng đồng hồ cho việc thay cờ”. Được biết, lá cờ Tổ quốc treo trên đỉnh Lũng Cú có diện tích 54 m2 tượng trưng cho 54 dân tộc sinh sống trên đất nước Việt Nam. Chiều dài 9 m, rộng 6 m, nên khi gió to, để thượng cờ được lên cột, cả Tổ biên phòng rất vất vả.

Công việc bảo vệ, giữ gìn lá cờ ở độ cao ấy không phải ai cũng làm được. Có chứng kiến những khó khăn gian khổ mỗi khi các chiến sĩ biên phòng thực thi nhiệm vụ kéo, hạ cờ trong gió bão trên đỉnh non cao mới thấy được tinh thần và ý chí sắt đá của các anh. Được biết, trong Tổ công tác ở cột cờ Lũng Cú thường chỉ có Trung úy Nguyễn Vũ Quỳnh và Thiếu úy Nguyễn Hữu Nam là những người trực chính và thường xuyên thay, hạ cờ. Lá cờ đỏ sao vàng, biểu tượng của sức mạnh, lòng tự hào, tự tôn, tinh thần kiêu hãnh, ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam hàng ngày được cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Lũng Cú chăm chút cẩn thận. Ngọn quốc kỳ tung bay giữa cao nguyên đá lộng gió thật sự gây xúc động nghẹn ngào của đông đảo nhân dân mỗi khi lên thăm Lũng Cú.

Cùng chúng tôi vượt qua 135 bậc thang lên đỉnh núi Rồng nơi có cột cờ vững chãi, Trung úy Nguyễn Vũ Quỳnh tâm sự: Cột cờ Lũng Cú được xây dựng đầu tiên từ thời Lý Thường Kiệt và ban đầu chỉ làm bằng cây sa mộc. Cột được xây dựng lại từ thời Pháp thuộc (năm 1887). Những năm 1992, 2000 và đặc biệt năm 2002, cột cờ tiếp tục được trùng tu hoặc xây dựng lại nhiều lần với kích thước, quy mô lớn dần theo thời gian. Năm 2002, cột cờ được dựng lại với chân, bệ cột có hình lục lăng và dưới chân cột là 6 phù điêu họa tiết bề mặt trống đồng Đông Sơn.

Cột cờ Lũng Cú nằm ở kinh độ 105°18’58,22’’ đông và vĩ độ 23°21’48,706’’ bắc, cao 1.468,73 m so với mực nước biển. Đây là điểm cao nơi cực Bắc, địa đầu Tổ quốc từ lâu luôn là điểm đến thu hút khách du lịch và các bạn trẻ ham khám phá các tour du lịch dã ngoại.

Được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, ngày 8/3/2010, tỉnh Hà Giang đã tiến hành khởi công trùng tu, nâng cấp Cột cờ Lũng Cú mới ngay tại vị trí cũ. Sau gần 200 ngày thi công, ngày 25/9/2010 cột cờ Lũng Cú đã khánh thành với tổng chiều cao 33,15 m (trong đó phần thân cột cao 20,25 m, phần cán cờ cao 12,9 m, đường kính ngoài thân cột là 3,8 m). Để khách tham quan lên tới cột cờ, đơn vị thiết kế đã làm 135 bậc cầu thang. Về kiến trúc, cột cờ được thiết kế theo hình bát giác, cấu tạo 3 cấp, phía Nam là cửa ra vào cột có lối vào rộng 1,8 m. Phần bệ cột hình chóp cụt có 8 mặt gắn phù điêu đá cao 3,45 m, minh họa trên đó là những giai đoạn, thời kỳ lịch sử của đất nước và các phong tục tập quán của nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang. Phần thân cột hình trụ, được se khe lấy ánh sáng từ 8 hướng, bề mặt ốp đá xanh tự nhiên chế tác tại địa phương; phần dưới có dải băng đồng treo trống đồng Đông Sơn đúc theo 8 hướng. Phía trên là sàn công tác có lan can bảo vệ cao 1,2 m. Chính trên sàn này là chỗ để cán bộ, chiến sĩ biên phòng thao tác mỗi khi thay cờ.

“Được thay cờ là một vinh dự cao cả mà không phải ai cũng có được. Có hôm cờ vừa thay xong, anh em vừa xuống đến chân núi, nhìn lên đã thấy cờ bị gió làm rách; vậy là tổ công tác lại ngược ngàn lên đỉnh núi thay lá cờ khác” - Trung úy Nguyễn Vũ Quỳnh chia sẻ.

Lần đầu tiên nhìn thấy lá cờ Tổ quốc căng gió phần phật trên cực Bắc Tổ quốc, tôi có cảm giác xúc động và kiêu hãnh, mường tượng ra hình ảnh những lá cờ Tổ quốc đỏ thắm, căng gió reo bay trên những đảo xanh Song Tử Tây, Nam Yết, Trường Sa…

Bài và ảnh: Viết Tôn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN