Lễ hội Đập trống của đồng bào Ma Coong

Cứ ngày 16 tháng Giêng âm lịch, đồng bào Ma Coong (Giữa đại ngàn Trường Sơn) lại tổ chức Lễ hội Đập trống để cầu mùa. Lễ hội đồng bào Ma Coong thể hiện tín ngưỡng phồn thực trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, thể hiện sự cầu mong âm dương hài hòa…

Đồng bào Ma Coong.


Ngày trước chưa có lịch như bây giờ, người Ma Coong dùng một đoạn dây mềm để thắt nút, một nút tượng trưng cho một ngày, một tháng có 30 nút, đồng thời nhìn trang để điều chỉnh lịch cho khớp với các ngày trong tháng. Cách tính lịch tổ chức cho lễ hội do người đứng đầu ban chủ lễ hay “chủ đất”, phụ trách.

Đồng bào Ma Coong nhảy múa xung quanh chiếc trống.


Trước khi lễ hội được tổ chức, dưới sự điều hành của chủ đất, các già làng thông báo đến từng thành viên của cộng đồng về mức đóng góp vật chất. Từ tháng tư âm lịch, sau vụ lúa xuân, đồng bào bắt đầu đóng góp gạo nếp. Thường mỗi bản góp 1 con gà, 60 lon gạo nếp ( loại nếp đen đặc sản của địa phương) để làm rượu hiêng (tinh rượu nếp), rượu cần… Các bản làng đều phải chuẩn bị đầy đủ và dâng đồ tế lễ như gạo nếp, gà trống, đọt cây mây, cây đoác, rượu hiêng và phải chuẩn bị một thứ rất quan trọng, một thứ không thể thiếu đó là trống.

Làm trống cúng Giàng

Trống được làm từ nguyên liệu gỗ và da trâu. Nếu trống đánh không có âm vang thì không linh nghiệm, vì thế trống phải được các Giàng và các nghệ nhân trực tiếp chọn gỗ, da và làm trống. Theo phong tục, tang trống của người Ma Coong được làm từ cây “Chi cúp” - một loại cây thuốc rỗng ruột, có tuổi đời mấy chục năm trong rừng sâu. Tang trống này được giữ gìn từ năm này qua năm khác, từ mùa rẫy này qua mùa rẫy khác, từ đời này qua đời khác, nó chỉ được thay thế khi không thể sử dụng được nữa và trước khi thay thế, chắc chắn phải được chủ đất đồng tình. Nếu phải thay cái mới, chủ đất cũng phải làm lễ cúng Giàng để xin phép. Còn mặt trống, mỗi năm thay một lần vào trước ngày lễ hội. Trước đây, đồng bào thường chọn một con trâu to, chiều 15 tháng Giêng bắt đầu xẻ thịt để lấy da bịt trống. Trong những năm gần đây việc giết trâu vào ngày 15 không còn tổ chức nữa, da bịt trống được chọn tại các bản hoặc xã có làm thịt trâu bò khi có một công việc gì đó (hoặc cũng có thể là da con sơn dương khi họ săn bắn được).

Chiếc trống được đồng bào chuẩn bị cho lễ hội.


Người Ma Coong chọn tấm da đẹp nhất, phơi khô, để nguyên lông và đem xông lên giàn bếp tại nhà Trưởng bản Cà Ròong 1, bảo quản thật kỹ càng một cách cẩn trọng như cất giữ một báu vật và đến kỳ lễ hội thì đem ra dùng để bịt mặt trống.

Việc chuẩn bị trống được chủ đất giao cho một số thanh niên trai bản thực hiện. Họ bắt đầu chuẩn bị trống từ sáng ngày 16 tháng Giêng.

Ngay từ sáng sớm, các trai bản phân công nhau vào rừng chặt tre nứa dựng rạp, lấy mây bịt mặt trống… Việc dựng rạp và bịt mặt trống được tiến hành cùng lúc, người ta lấy trống từ nhà trưởng bản đến, lột bỏ mặt trống cũ và tiến hành bịt mặt trống mới. Lúc này, họ cũng lấy một tấm da bò đã được chuẩn bị từ trước đó, sau khi đo đạc, họ chọn lấy một mảnh da đẹp nhất để làm mặt trống. Trước khi bịt mặt trống người ta cho hai tấm da đã được hong khô vào nồi để luộc. Khi da đã mềm họ lấy ra và bắt đầu bịt trống.

Người Ma Coong không bịt trống như người dưới xuôi, họ không dùng nêm tre liên kết thẳng da trống vào tang trống mà làm theo cách riêng của mình. Sau khi đã có tấm da bịt mặt trống vừa ý, họ dùng những sợi dây mây rừng dài, đã được chuốt nhỏ, luộc kỹ cho thật mềm và luồn kéo từng sợi mây vào ấm da trâu bò; riết căng, ép chằng hai tấm da vào hai mặt trống lại với nhau thật chặt. Sau đó, những sợi mây buộc giăng ngang dọc trên tang trống lại được làm căng lần nữa bằng những cái nêm tre. Người Ma Coong lấy những cái nêm tre vát nhọn một phía nêm vào dưới các sợi dây mây lại, làm cho mặt trống dưới sức néo của dây mà kéo cho thật căng ra.
Vì vậy khi làm bịt mặt trống xong, nhìn trống của đồng bào Ma Coong có hình thù rất kỳ quặc, có vẻ giống như một quả cầu gai. “Quả cầu gai” này là hiện thân của tâm linh, của niềm tin, là tình cảm của người Ma Coong giữa rừng xanh đại ngàn mong muốn không bị khuất phục bởi gió, mưa, thú rừng hoang dã và lòng ham muốn sự che chở của các thế lực tinh thần như thần núi, thần sông… đối với họ.

Ngày tìm bạn, tìm tình, sinh sôi

Lễ hội Đập trống Ma Coong là dịp để đồng bào thể hiện quan niệm về tín ngưỡng của mình, thể hiện niềm tin đối với thần núi, thần sông và Ma mót - một vị thần được đồng bào Ma Coong rất coi trọng. Đây cũng là dịp để đồng bào hò hẹn, làm quen, tìm người bạn tình, rồi sau đó nếu có thể thì kết duyên thành vợ, thành chồng.

Lễ vật để cúng các vị thần linh.


Lễ hội Đập trống của người Ma Coong có đầy đủ phần lễ và phần hội như ở hầu hết các lễ hội truyền thống nhưng điều đặc biệt nhất ở lễ hội này có lẽ là ở phần hội. Những cô gái bản xinh nhất trong trang phục truyền thống của người Ma Coong bắt đầu múa quanh chiếc trống. Chủ đất Đinh đến trước chiếc trống và cầm đoạn gốc của cây mây đập mạnh vào mặt trống một hồi dài để khai cuộc đập trống, năm thanh niên được chọn trước tiếp sau chủ đất dùng những chiếc dùi trống làm bằng thân cây mây đập dồn dập vào hai mặt trống. Bên cạnh trống, hai cụ già người Ma Coong cầm trịch bằng việc cầm dùi đánh vào hai cái chiêng.

Sau đó lần lượt từ già làng, trưởng bản đến mọi người dân thay nhau vào đập trống. Cứ năm nhịp chiêng thì ba nhịp trống với tốc độ nhanh. Ai cũng háo hức đập hết sức vào mặt trống để cho tiếng trống vang càng xa, vọng vào từng vách núi, phá tan sự tĩnh lặng của núi rừng đại ngàn Trường Sơn.

Chuẩn bị cho lễ hội.


Bình rượu nghiêng. Điệu nhảy của mọi người nghiêng. Cả núi rừng cũng như nghiêng ngả. Chỉ có tiếng trống cứ dồn dập, vang mãi và vọng qua từng vách núi, xuyên qua những lớp lá của rừng già. Tiếng trống và men say của rượu cần như tiếp thêm sức mạnh cho những người tham gia đêm lễ hội. Tiếng trống càng về đêm càng thôi thúc, hòa lẫn tiếng hò reo của mọi người quanh ánh lửa bập bùng được đốt lên giữa sân trước đài thờ.

Người ta đập dồn dập vào mặt trống, đập mãnh liệt, thúc liên hồi vào mặt trống và mong cho mặt trống mau thủng. Tiếng trống nghe dồn như tiếng thở, mặt trống rung lên bần bật. Cả ngàn con mắt đổ dồn về phía mặt trống khi bất ngờ một tiếng “bụp!” - mặt trống thủng. Khung cảnh đang náo nhiệt bỗng lặng phắt.

Theo quan niệm của người Ma Coong, mặt trống được đập thủng là thể hiện sức mạnh đoàn kết cộng đồng dân tộc, giúp họ gắn bó, chung sức, chung lòng xây dựng, bảo vệ bản làng.

Lễ hội Đập trống của người Ma Coong mang đậm bản sắc văn hóa tộc người, nó trở thành sức mạnh tinh thần to lớn, giúp cộng đồng người Ma Coong đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn thử thách. Đây là một lễ hội độc đáo, còn giữ gìn được những yếu tố nguyên gốc, ít bị lai tạp và rất có giá trị trong việc nghiên cứu lịch sử hình thành các bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều nói chung, của tộc người Ma Coong ở Quảng Bình nói riêng. 

 Bài: Quỳnh Như - Phương Nga; Ảnh: Tư liệu.  
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN