Hàng năm, vào khoảng tháng 11, tháng 12 Dương lịch, sau khi mùa vụ đã được thu hoạch xong, đồng bào dân tộc Ba Na ở tỉnh Kon Tum thường tổ chức Lễ cầu an với ước vọng cầu thần linh phù hộ cho buôn làng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, khỏe mạnh, mùa màng bội thu… Lễ hội cũng được tổ chức nhằm xua đuổi các loại ma xấu, những điều xui xẻo, tai họa ra khỏi buôn làng.
Theo lời kể của các già làng người Ba Na, Lễ cầu an bắt nguồn từ truyền thuyết, ngày xưa trong làng bị đại dịch, dân làng bị chết nhiều... người dân trong buôn đã lấy dê làm vật tế thần, cầu mong thần linh giúp dân xua đuổi tà ma. Sau khi dịch bệnh hết, buôn làng không còn người chết nữa. Kể từ đó, hàng năm đồng bào người Ba Na đều tổ chức Lễ hội cầu an với mong muốn một cuộc sống tốt đẹp. Lễ cầu an của đồng bào Ba Na do hội đồng già làng, là những người cao tuổi, có uy tín trong buôn làng thực hiện.
Lễ cầu an thường bắt đầu tại nhà Rông, quy tụ toàn bộ người dân trong buôn làng. |
Trước khi diễn ra lễ hội, già làng tổ chức cho dân trong buôn quét dọn đường làng, ngõ xóm sạch sẽ, sửa sang nhà Rông, bến nước, dựng cây nêu, chuẩn bị bếp lửa… đồng thời chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cần dùng và các lễ vật dâng cúng trong Lễ cầu an. Vật dụng cần có trong Lễ cầu an gồm đao, khiên, gùi, hình nộm, nồi đồng, gùi đựng đồ… Đồ lễ cần chuẩn bị gồm có rượu cần, lá đót, một con dê dùng để làm lễ hiến tế…
Vào ngày diễn ra Lễ cầu an, tất cả thành viên trong buôn làng tập trung trước nhà Rông để làm lễ cúng thần. Già làng trong buôn là người chủ trì buổi lễ. Già làng cầm khiên, đao đi đầu, bên cạnh là hai người hóa trang (một người hóa trang thành chim, một hóa trang thành hình con thú), đại diện cho các thế lực xấu xa. Tiếp theo sau là 4 thanh niên mang theo những hình nộm, 2 thiếu nữ tay cầm lá đót. Cuối cùng là đội cồng chiêng và người dân trong làng.
Con dê được dùng làm vật hiến tế trong Lễ cầu an. |
Già làng chuẩn bị lễ cúng. |
Cả đoàn người đi quanh cây nêu đã cột sẵn con dê hiến tế, cùng múa xoang và đánh cồng chiêng. Sau đó, chủ lễ thực hiện nghi lễ cầu khấn báo cáo Yàng để làm Lễ cầu an, khấn các thần linh phù hộ, cùng dân làng đuổi các tà ma, bệnh dịch… và thực hiện nghi thức hiến tế con dê, lấy tiết cúng Yàng. Sau khi tất cả các nghi thức được thực hiện xong, chủ lễ múa khiên, dẫn bà con dân làng vừa diễn tấu cồng chiêng, vừa diễn xướng xoang đi khắp làng để đuổi tà ma…
Người dân trong làng chuẩn bị làm lễ. |
Chủ lễ vừa đi, vừa hú, vừa chỉ chỗ cho dân làng biết vị trí của những con ma đang cư ngụ để đuổi đi. Cồng chiêng nổi lên dồn dập theo tiếng hú của ông chủ lễ… Việc xua đuổi những con ma xấu diễn ra cho đến khi đoàn người đi hết khắp buôn làng, đuổi dồn về cuối buôn. Lúc này, tất cả các đạo cụ như hình nộm, lá đót, mặt nạ… được dân làng bỏ lại, rồi đoàn người quay trở về tập trung tại nhà Rông.
Già làng vừa đi vừa xua đuổi tà ma ra khỏi buôn làng. |
Sau nghi thức cúng Yàng, hiến tế vật hiến sinh, đuổi tà ma được thực hiện xong, tất cả bà con trong buôn làng tụ hội về nhà Rông, vừa đánh cồng chiêng, vừa ca hát, nhảy múa, cùng nhau uống rượu cần, ăn mừng lễ hội thành công tốt đẹp, mừng một năm mưa thuận gió hòa, người dân ấm no, hạnh phúc…