Người dân thôn Can Hồ B, xã Bản Khoang, huyện Sa Pa căng bạt che chắn chuồng trại, chủ động phòng, chống rét cho gia súc. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN. |
Rút kinh nghiệm năm 2015 do người dân chủ quan trong phòng, chống rét cho gia súc, gây thiệt hại cho ngành nông nghiệp, năm nay, ngay từ khi thời tiết chuyển lập đông, tỉnh Lào Cai đã tập trung chỉ đạo đồng bào tích cực tìm nhiều giải pháp phòng, chống rét cho đàn gia súc an toàn trên địa bàn.
Đặc biệt, trong 1- 2 ngày trở lại đây trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã có rét đậm, rét hại nên việc phòng chống sớm đã mang lại hiệu quả khá tốt và giúp người dân các địa bàn vùng cao chủ động được việc chống rét cho trâu, bò.
Ông Phạm Bá Uyên, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp tỉnh Lào Cai cho biết, theo khuyến cáo của Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, mùa Đông năm nay sẽ rét đậm và kéo dài hơn so với mọi năm.
Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại đối với chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các huyện, xã hướng dẫn các hộ chăn nuôi thu gom triệt để rơm rạ, bảo quản, dự trữ các loại cỏ thân mềm nơi khô ráo. Đồng thời tận dụng thân cây ngô, ngọn mía, bã mía để chế biến, dự trữ bằng hình thức ủ chua làm thức ăn dự trữ cho mỗi trâu, bò đạt 400kg/con trở lên.
Cùng với đó là sửa chữa, làm mới chuồng tại đảm bảo giữ ấm cho gia súc mùa đông, thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi, tăng cường các biện pháp chăm sóc nuôi dưỡng nâng cao sức đề kháng cho gia súc.
Ngoài ra, tỉnh cũng tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi xuất bán gia súc đến tuổi giết thịt, già yếu, không nên nuôi lưu đàn quá lâu để giảm bớt khó khăn cho việc phòng chống đói, rét và hạn chế thiệt hại cho mùa đông.
Là xã có 100% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số hiểu biết còn hạn chế cùng với tập quán chăn thả gia súc tự do không có chuồng trại lên hàng năm xã Hầu Thào, huyện Sa Pa thường xuyên chịu thiệt hại nặng nề về gia súc, gia cầm trong mỗi đợt rét.
Năm nay, để giảm thiểu tình trạng đó chính quyền địa phương đã tổ chức hướng dẫn người dân làm chuồng trại từ sớm để phòng chống rét cho gia súc.
Nhiều ngày qua, gia đình anh Giàng A Cáng, thôn Bản Pho, xã Hầu Thào, huyện Sa Pa đã dành nhiều khá nhiều thời gian để chuẩn bị phòng chống rét cho đàn trâu trong mùa đông. Chuồng trại được gia cố lại, chắc chắn và kín đáo hơn, hố chứa phân gia súc được nạo vét, dọn dẹp sạch sẽ. Rơm rạ gặt trong vụ mùa vừa qua được gia đình anh đánh thành cây to để gọn gàng trong góc vườn.
Để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn trâu trong mùa đông giá lạnh. Mấy tháng nay gia đình anh Cáng đã trồng thêm mấy sào ngô đông để làm nguồn thức ăn dự trữ, chống đói và chống rét cho gia súc.
Ông Lê Tân Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Pa cho biết, hiện trên địa bàn huyện Sa Pa có khoảng 12.000 con gia súc; trong đó có nhiều hộ gia đình không có điều kiện kinh tế làm chuồng trại và dự trữ thức ăn. Vì vậy, UBND huyện Sa Pa cùng với các ngành chức năng hỗ trợ kinh phí giúp người dân làm và che chắn chuồng trại. Đồng thời, khuyến cáo người dân chủ động đưa gia súc xuống các vùng thấp để tránh rét, dự trữ củi để sưởi ấm.
Bên cạnh đó, các cán bộ khuyến nông cũng hướng dẫn cho người dân các biện pháp dự trữ thức ăn như đánh cây rơm, ủ cỏ voi và các loại ngũ cốc như sắn, ngô để cho gia súc ăn trong mùa rét tránh chăn thả ra ngoài tự nhiên khiến gia súc kiệt sức vì rét. Huyện vùng cao Si Ma Cai hiện có khoảng hơn 30 nghìn con gia súc, trong đó, đàn trâu 10.409 con, đàn bò 2.851con...
Để chủ động phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sa Pa đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân kỹ thuật sơ chế, bảo quản thức ăn thô như dư trữ cỏ khô, rơm, cách thức bảo quản thức ăn tươi ủ chua…
Ông Giàng A Giơ, thôn Cốc Phà, xã Cán Cấu cho biết, được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật dự trữ thức ăn cho gia súc, ông đã ủ thức ăn chua và sửa chữa, củng cố chuồng trại nuôi nhốt để khi mùa Đông đến không phải thả rông gia súc. Không riêng gì gia đình ông Giơ mà các hộ có gia súc ở xã Cán Cấu đều biết cách dự trữ rơm khô và trồng cỏ voi để có đủ thức ăn trong mùa Đông.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền và hướng dẫn người dân cách phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc, nên đến thời điểm này hầu hết các địa phương trong huyện Si Ma Cai đã chủ động dự trữ thức ăn, che chắn chuồng nuôi nhốt gia súc cẩn thận. Theo thống kê, đến nay toàn huyện có khoảng 90% số hộ có chuồng nuôi nhốt gia súc được lợp phibrô ximăng, hơn 50% số nền chuồng được láng ximăng và xây tường bảo đảm kín gió giữ ấm cho trâu, bò.
Trong khi đó, trạm khuyến nông huyện cũng đã mở nhiều lớp tập huấn về chế biến thức ăn, che chắn chuồng trại, giữ ấm cho đàn gia súc, nhất là trong những ngày rét đậm, rét hại. Ngoài ra, huyện còn triển khai mô hình nhốt gia súc tập trung có hiệu quả tại một số xã Cán Cấu, Lử Thẩn, Nàn Sán, Sín Chéng,….
Huyện vùng cao Bắc Hà hiện có khoảng 60.000 con gia súc, là một trong những địa phương có tổng đàn gia súc khá lớn của tỉnh Lào Cai. Vào mùa Đông thường có sương muối gây chết cây cỏ, nguồn thức ăn cho gia súc bị cạn kiệt, thiếu đói... UBND huyện chỉ đạo các xã vùng núi cao như Lầu Thí Ngài, Lùng Phình, Tả Củ Tỷ… tích cực trồng cỏ voi VA06 và ngô dày để lấy thân lá.
Mùa rét năm nay, bà con nông dân huyện Bắc Hà đã có hàng nghìn tấn thức ăn xanh dự trữ từ cỏ voi VA06 và ngô để chống đói, bảo vệ đàn gia súc. Với việc chủ động công tác phòng chống rét sớm cho gia súc từ đầu mùa, hiện nay cơ bản đa số các hộ dân tại Lào Cai đã dự trữ đủ lượng thức ăn cho đàn gia súc, bảo đảm chuồng trại đủ ấm, không để gia súc chết vì rét.