Ngày còn sống ở quê, tôi đã quá quen thuộc với những mùa vụ cấy lúa sau Tết. Lúa chiêm thường được gieo cấy vào khoảng trước và sau Tết Nguyên đán, song vì là trước Tết thời tiết hay lạnh giá, thậm chí rét đậm, rét hại, cấy lúa sẽ bị chết nên mùa cấy thường được hoãn đợi đến ra giêng. Một năm hai vụ lúa, đó là vụ chiêm và vụ mùa. Vụ lúa chiêm có lẽ là vất vả hơn cả bởi từ lúc gieo mạ cho tới khi cấy lúa toàn là khoảng thời gian giá lạnh.
Ngày mới tập đi cấy, những đám lúa tôi cấy cứ đổ nghiêng đổ ngả tứ tung do kỹ thuật vùi nhánh mạ xuống bùn còn chưa có. Vì là trong giai đoạn học nên dẫu có không vừa mắt, thậm chí mẹ và chị còn phải nhổ lên cấy lại nhưng chẳng bao giờ tôi bị mắng, hay nặng lời, mà mẹ vẫn kiên trì chỉ bảo tôi tận tình.
Những bữa mới đi học cấy đó, cứ lội xuống ruộng và sau một hồi là đầu tóc, quần áo của tôi lại lấm lem đầy bùn đất do tay cứ thi thoảng quệt ngang, quệt dọc, hoặc cầm cả nắm mạ ướt lướt thướt bùn đất vung cao quá cả đầu mà không để ý tới.
Những hôm đi cấy còn đỡ, chứ đi nhổ mạ thì toàn thân tôi chẳng khác nào một con trâu đất. Không riêng tôi bị “tắm bùn” mà những ai làm xung quanh cũng bị dính bẩn lây.
Những bữa đi nhổ mạ, đi cấy bị lấm lem như vậy tôi sợ nhất là phải tắm, nhất là vụ cấy lúa chiêm ngoài Tết khi trời còn lạnh. Ngày đó nhà tôi còn nghèo, rơm củi vẫn thiếu nên toàn phải tắm nước lạnh.
Ấn tượng nhất với tôi về những buổi đi cấy sau Tết có lẽ là việc mẹ thường mang bánh chưng đi theo để ăn trưa luôn ngoài đồng, bởi thường nhà nào cũng muốn tranh thủ buổi trưa trời hửng nắng cấy lúa cho kịp, hơn nữa ruộng nhà tôi rộng nên mẹ hay động viên cấy cố cho xong đám ruộng mới nghỉ. Hầu như buổi cấy nào trong những hôm đầu năm mẹ cũng mang bánh chưng.
Hôm thì bánh chưng luộc lại cho mềm dẻo, hôm nào có nhiều mỡ lợn thì mẹ rán giòn lên. Sau mấy tiếng làm việc mệt mỏi, buổi trưa nghỉ ngơi chừng nửa tiếng ngồi bờ ăn bánh chưng sao mà ngon đến thế. Cũng có khi hết bánh chưng thì mẹ lại luộc một nồi khoai lang héo đến chảy mật và ngọt lừ mang theo.
Ôi tuyệt vời làm sao khi ăn những củ khoai mềm nhũn ngọt như đường phèn đến no căng bụng mà không biết ngán. Bữa trưa nơi bờ ruộng thật vui, khi mấy người thợ cấy của nhà này giao lưu trò chuyện với thợ cấy nhà bên cạnh, thậm chí còn mời nhau thưởng thức các món trưa mang theo của mỗi nhà.
Lớn lên chút nữa, chị đi lấy chồng nên tôi và mẹ là hai lao động chính trong nhà. Tôi đã là một thợ cấy giỏi, cấy đẹp và nhanh thuộc diện nhất nhì trong xóm. Nếu chân ruộng đất bùn mềm nhão, dễ cấy có khi chỉ buổi sáng một mình tôi cũng có thể cấy xong gần 1 sào (khoảng 360 m2). Đó cũng là lúc tôi “chia tay” với hình ảnh lấm lem bùn đất của những buổi đi cấy.
Quê tôi khoảng gần mươi năm nay đã không còn đất nông nghiệp vì nằm trọn trong một khu công nghiệp cùng vùng đô thị hóa mạnh mẽ. Chính vì vậy mà việc cày cấy đã trở thành hoài niệm mà thôi.
Mới đây, khi những hạt mưa xuân rắc nhè nhẹ lên vai áo, trên đường đi hội ngang qua cánh đồng của một vùng quê Kinh Bắc, nhìn thấy hình ảnh những người nông dân đang miệt mài cấy lúa, với tiếng chuyện trò, tiếng cười nói râm ran, trong tâm trí tôi ngay tức thì lại hiện về những hình ảnh đi cấy đầy bùn đất lấm lem của một thời tuổi thơ.
Lê Kết