Đường cao tốc Việt Nam làm tốn tới 12 triệu USD/km, trong khi ở Trung Quốc là 5 triệu USD/km, Mỹ là 4,5 triệu USD/km... Điều đó cho thấy, Việt Nam đầu tư rất không hiệu quả. Đại biểu Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) nhận xét như vậy trong phiên thảo luận tại tổ chiều qua (18/11) về Luật Đầu tư công.
Tại sao tư nhân làm tốt hơn?
Việc lãng phí trong đầu tư công không cần so sánh đâu xa, chỉ cần so sánh với đầu tư tư nhân trong nước cũng cho thấy đang kém hiệu quả, “Cùng công trình có chất lượng tương tự nhưng giá đầu tư công bao giờ cũng cao hơn tư nhân đầu tư. Thêm vào đó là mất thêm nhiều thủ tục, trình tự, công đoạn. Do vậy, làm tốt đầu tư công sẽ góp phần phòng chống tham nhũng”, đại biểu Bùi Văn Tỉnh (Hòa Bình) đánh giá.
Do đó, các ý kiến phát biểu đều nhất trí cần thiết phải có Luật Đầu tư công. Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) đề nghị làm rõ thêm luật điều chỉnh đầu tư của Nhà nước hay nguồn vốn của Nhà nước, đây là hai vấn đề khác nhau. Quan điểm phải rõ là quản lý tất cả các nguồn vốn Nhà nước. Như vậy, ai sử dụng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước thì phải tuân theo luật này, không phân biệt chủ thể.
Một số đại biểu cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải phân biệt được nguồn tiền nào là ngân sách trung ương, nguồn nào từ địa phương. Ai là người cao nhất quyết định đầu tư, không thể phân theo cách tiền lớn thì của Trung ương, tiền nhỏ của địa phương.
Nhiều ý kiến cho rằng, để nâng cao hiệu qủa thì phải làm rõ nguyên tắc công khai, minh bạch trong đầu tư công. “Chịu sự giám sát của cộng đồng thì ai là cộng đồng, cộng đồng có vào được công trình không mà giám sát. Quy định này không áp dụng được dù ý tưởng tốt”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) phát biểu.
Nhiều đại biểu nhấn mạnh tới yếu tố trách nhiệm trong dự thảo Luật Đầu tư công, bên cạnh đó cũng chưa thấy có chế tài xử lý cụ thể trong luật. Đại biểu Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) cho rằng, đầu tư công là một trong những điều kiện để tham nhũng lớn. Đề nghị xác định rõ chủ đầu tư là ai, còn nếu quy định là cơ quan chức năng thì rất khó. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa bổ sung, từng giai đoạn của đầu tư phải có chế tài. Người quyết định chủ trương sai phải bị xem xét bãi miễn chức vụ… Các chế tài trong dự thảo còn đơn giản chung chung, khó áp dụng được.
Bước đột phá trong đầu tư công
Tại phiên thảo luận ở tổ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã thẳng thắn phát biểu: “Để ra một chủ trương cần phải cân nhắc rất nhiều, các cụ có câu “Ba năm chuẩn bị, một năm làm nhà”. Nhưng có lúc chúng ta không làm khâu chuẩn bị đầu tư, không có ai đánh giá. Kinh phí hạn hẹp mà quyết định đầu tư lại rất đơn giản. Lãng phí trong chủ trương đầu tư là lãng phí lớn nhất trong tất cả các lãng phí”.
Theo Bộ trưởng, Việt Nam đang chuyển sang một giai đoạn mới, làm ít nhưng làm hiệu quả, nghiên cứu kỹ các công trình cần làm. Nếu muốn chắc chắn thì dành 2 - 3 năm chuẩn bị đầu tư, nghiên cứu kỹ, thẩm định từng thiết kế một. Chính phủ trình Quốc hội, từ năm 2016 - 2020, Việt Nam dành bao nhiêu tiền để đầu tư phát triển và phải tính rất thấp. Như vậy, ngân sách không bị động, rất rõ ràng. Các bộ, các địa phương lựa chọn công trình, có thẩm quyền và toàn quyền. Sau khi được phê chuẩn, đồng ý làm trong số tiền mình có. Khi đủ kinh phí thì làm rất nhanh.
Do đó, Bộ trưởng nhấn mạnh, chúng ta cần làm bài bản, triệt để chống lãng phí, hạn chế tối đa nợ đọng xây dựng cơ bản. Dự phòng khoản kinh phí tương đối khi phát sinh, trượt giá; đồng thời nếu có ý tưởng mới tốt thì vẫn có thể bố trí vốn. Như vậy, doanh nghiệp khoẻ, Chính phủ khoẻ, địa phương khoẻ. Tất cả các bộ trưởng đều hoan nghênh nhiệt liệt cách làm này. Thủ tướng sẽ duyệt và báo cáo trước Quốc hội việc các tỉnh có số vốn cụ thể. Chúng ta có kế hoạch trung hạn về đầu tư cho 5 năm tới. Bám theo kế hoạch 5 năm mà làm. Còn nếu dễ dãi, chúng ta sẽ đưa đất nước đến bờ vực thẳm. Năm 2009, Ngân hàng Thế giới (WB) cam kết hỗ trợ Việt Nam 500 triệu USD để cứu nền kinh tế. Khi đó, họ yêu cầu Việt Nam phải có Luật Đầu tư công, nhưng từ đó đến nay vẫn không thông qua được. Vì các bộ sợ ảnh hưởng đến quyền của mình. Mãi đến nay, sau nhiều lần sửa đổi, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng nhất trí cao mới ra được dự thảo. Nếu không thông qua luật này, cộng đồng quốc tế sẽ không ủng hộ Việt Nam nữa. Trong đó, cần nhấn mạnh ai ra chủ trương sai thì người đó phải chịu trách nhiệm. Chỉ điều này được thực hiện sẽ hạn chế rất nhiều lãng phí. Có đủ kinh phí mới được làm. Minh bạch rõ ràng.
“Làm mà không biết có tiền hay không, trông cậy vào chạy chọt, mỗi năm cho một tí, đó gọi là dàn trải. Cho nên hướng đột phá lần này là tập trung vào trung hạn. Đây là sự dũng cảm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Chính chúng tôi đặt ra mục tiêu này để minh bạch, không có sự chạy chọt. Đến hôm nay, được tất cả đồng thuận là cực kỳ vui mừng”, Bộ trưởng nói.
Phi Sơn