Nghề dệt thổ cẩm có từ rất lâu đời và là một nét văn hóa đặc trưng của người Mường Bi (huyện Tân Lạc, Hòa Bình). Vì thế, khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm có ý nghĩa rất quan trọng, không những bảo tồn giá trị văn hóa, mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con dân tộc thiểu số nơi đây.
Một phụ nữ người Mường đang giới thiệu sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống. |
Theo phong tục của người Mường Bi, một cô gái đi làm dâu phải mang theo đủ chăn màn cho những người trong gia đình chồng, gồm: Ông bà nội, ngoại (nếu còn), bố mẹ chồng, anh chị em chồng. Mỗi người phải có một bộ đủ chăn, màn, đệm, gối. Phong tục đó vẫn còn lưu giữ đến ngày nay. Tuy nhiên người con gái đi lấy chồng không nhất thiết phải mang theo đồ dùng do chính mình làm mà có thể mua từ chợ về. Bởi thế, nghề dệt thổ cẩm truyền thống đã có thời gian dài bị mai một. Mặt khác nghề dệt chỉ diễn ra ở phạm vi gia đình, phục vụ cho gia đình là chính, chưa mang tính hàng hóa cao và còn bị lệ thuộc vào yếu tố đầu ra cho sản phẩm. Do đó việc khôi phục và phát triển gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay chỉ còn một số ít nhóm người Mường ở tỉnh Hòa Bình vẫn còn giữ được nghề dệt, chủ yếu ở các huyện Tân Lạc, Lạc Sơn và Cao Phong, trong đó có xã Đông Lai, huyện Tân Lạc được người dân bảo tồn, giữ gìn như một thứ tài sản quý và phát triển hiệu quả nhất.
Trong ngôi nhà sàn cổ 5 gian, cặm cụi bên khung dệt, chị Bùi Thị Mia ở xóm Quê Bái 2, xã Đông Lai tâm sự: “Ngày trước, dệt ra được tấm vải như thế này rất vất vả và nhiều công đoạn lắm. Từ khi cây bông tra xuống cho đến lúc quả bông cho thu hoạch cũng chừng 6-7 tháng, sau đó phơi khô đến tháng 9 tháng 10 thì kéo sợi, mỗi con sợi dài chừng 15-20 cm. Kéo sợi bằng tay quay, khi kéo phải quay thật đều thì sợi mới mềm, mịn. Kéo sợi xong bắt đầu “hồ” bằng cơm gạo trắng, “hồ” xong phải phơi khô để se thành ống. Sau đó cho vào dụng cụ xếp. Để xếp sợi dọc hay đi sợi dài, số lượng vải làm nhiều hay ít, khổ rộng hay hẹp, tùy người sản xuất và mục đích sử dụng. Cuối cùng mới đến công đoạn dệt. Nếu dệt vải trắng đơn giản thì mỗi ngày được khoảng 8 - 10m. Nếu dệt hoa văn, dệt chữ thì mỗi ngày chỉ được từ 3- 4m. Như vậy cũng phải mất một năm, bộ áo váy mới dệt xong. Khi ấy cũng là vừa kịp diện Tết. Còn bây giờ tất cả đều có sẵn, mình chỉ đi nhập sợi về dệt thôi”. Chị Mia cho biết, những lúc nhàn rỗi hoặc khi trời mưa gió không đi ra ruộng, lên rừng được thì 3 mẹ con chị lại tranh thủ se lanh, kéo sợi dệt vải. Mặc dù, đây chưa phải là nguồn thu nhập chính nhưng mỗi tháng cũng thêm được 500.000 - 700.000 đồng, nâng cao đời sống cho gia đình.
Để khôi phục và phát huy hiệu quả nghề dệt thổ cẩm truyền thống, năm 2008, cùng với sự hỗ trợ của Dự án phát triển nông nghiệp (PISAT), chi hội phụ nữ xã Đông Lai đã mở 5 lớp dạy nghề dệt thổ cẩm truyền thống cho gần 100 phụ nữ. Các lớp dạy nghề không chỉ dành cho phụ nữ đã có gia đình, mà còn thu hút được lớp trẻ tham gia học nghề, giữ gìn nghề truyền thống cho thế hệ sau. Bên cạnh đó, nhiều phụ nữ đã được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách để phát triển nghề dệt, những gia đình khó khăn đều được hỗ trợ khung cửi... Toàn xã hiện có hơn 300 khung dệt và 16/18 xóm đều có các nhóm dệt. Ngoài ra, chính quyền xã còn kết hợp với Hội Phụ nữ thường xuyên đến tận nhà, động viên chị em duy trì và phát huy nghề dệt, giúp cộng đồng nhận thức được lợi ích, ý nghĩa của nghề truyền thống, vừa phục vụ nhu cầu hàng ngày, tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình vừa giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc.
Chị Bùi Thị Liên, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đông Lai cho biết: Bà con nơi đây chủ yếu phát triển kinh tế dựa vào sản xuất nông nghiệp, nên thu nhập không ổn định, lúc nông nhàn không có việc làm, trong khi có nghề dệt truyền thống. Là Chủ tịch chi hội phụ nữ của xã, chị mạnh dạn kết hợp với chị em các thôn, bản trong xã thành lập các nhóm dệt, làm các sản phẩm như tấm phà, cạp váy, khăn, thảm, túi, xắc... cùng chị em học hỏi, sáng tạo cho sản phẩm của mình, ngày một phong phú về mẫu mã hoa văn, đa dạng chủng loại, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Thổ cẩm của người Mường mang đậm màu sắc hoa văn của núi rừng và thiên nhiên, tuy không cầu kỳ nhưng lại gắn liền với tình yêu thiên nhiên và con người xứ Mường Hòa Bình. Với bàn tay khéo léo của người phụ nữ vùng cao, không chỉ trang phục bằng thổ cẩm mà nhiều sản phẩm trên nền thổ cẩm khác cũng sẽ được ra đời để phục vụ khách du lịch. Vì vậy, việc khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm không chỉ làm sống lại một nghề thủ công đã bị mai một mà còn giúp chị em dân tộc thiểu số có được việc làm tăng thu nhập, xoá đói giảm nghèo. Tuy nhiên, để hỗ trợ bà con địa phương cũng cần có chiến lược trong khâu tiếp thị, tiêu thụ sản phẩm...
Vũ Hà