Hệ thống nhạc cụ Việt Nam có nhiều chủng loại khác nhau. Dựa vào chức năng của nó với cuộc sống, có thể tạm chia thành hai loại: Nhạc cụ gắn với đời sống sinh hoạt hàng ngày và nhạc cụ gắn với đời sống sinh hoạt tín ngưỡng.
Gắn với đời sống sinh hoạt hàng ngày
Loại nhạc cụ gắn với đời sống sinh hoạt hàng ngày thường cấu tạo đơn giản, được làm bằng chất liệu có sẵn trong thiên nhiên như cọng lá, đoạn tre, nắm đất, vỏ ốc… Dẫu vậy, khi nhìn vào chiều sâu của nó, sẽ thấy những dấu vết văn hóa xưa để lại khá đậm nét.
Khèn lá, khèn môi (của các tộc người thiểu số phía Bắc), sáo, tiêu, tù và (của người Việt và một số tộc người khác) sẽ giúp chúng ta hình dung ra cái thời mà thiên nhiên còn hoang dã, ở đó tính cộng đồng gắn bện được đặt lên trên hết. Cây đàn bầu (người Việt), cây tính tẩu (người Thái), gợi lên hoài niệm về nguồn gốc của các tộc người, một mô típ truyện thường thấy ở các cư dân thuộc Đông Nam Á.
Cồng chiêng là nét văn hóa độc đáo của đồng bào Tây Nguyên. |
Chiếc đàn Klongpút của người Bana khởi nguyên là những ống trỉa hạt trên nương, sau đó được con người thẩm mỹ hóa bằng tư duy âm nhạc để trở thành nhạc cụ. Đặc biệt cây đàn này thường do nữ giới sử dụng, điều này dẫn gợi cho người thời nay thấy một ý nghĩa sâu xa hơn về vai trò của người phụ nữ đối với việc sản xuất nông nghiệp.
Trống cơm, không đơn thuần biểu hiện một nét ứng xử của người sống với người chết, mà nó còn phản ánh khá rõ tính chất nông nghiệp cũng như triết lý âm dương của người dân đất Việt.
Cây nhị gắn với chuyện về nguồn gốc của hát xẩm, nhưng ở tầng sâu, nó bộc lộ ý nghĩa nhân văn cao cả về một cuộc sống trọng tình, trọng nghĩa của dân tộc ta.
Nghệ sĩ Xuân Hoạch với đàn bầu. |
Trong hát trống quân, có một nhạc cụ duy nhất, đó là trống quân (tức thổ cổ). Thổ cổ được lập theo nguyên tắc âm dương tương sinh. Người ta chế tác ra nhạc cụ này một cách đơn giản, nhưng lại mang đầy hàm nghĩa về văn hóa. Một hố nhỏ, đổ 100 vỏ ốc nhồi xuống, rồi úp mâm lên miệng hố. Sau căng dây thừng được ghim ở hai đầu, một nạng chống đặt giữa mâm chia dây ra hai phần bằng nhau. Ngoài vấn đề về âm dương tương sinh, có lẽ 100 vỏ ốc cũng nhắc nhở mọi người biết thêm ý nghĩa về truyền thuyết trăm trứng - cội nguồn của dân tộc. Mặt khác, qua đó cũng phản ánh cái tâm thức về tính phồn thực của những người dân lao động nơi thôn dã...
và đời sống sinh hoạt tín ngưỡng
Loại nhạc cụ gắn với đời sống sinh hoạt tín ngưỡng cũng vô cùng phong phú và đa dạng. Cho dù lớp thời gian phủ ngày một dày thêm, nhưng trên thực tế, vẫn có một niềm tin để lý giải ý nghĩa văn hóa của mỗi loại nhạc cụ này.
Trống đồng Đông Sơn được coi là biểu tượng của văn hóa Việt Nam, ở đó bộc lộ rõ nhất thế giới quan và nhân sinh quan của người Việt cổ về vũ trụ, trời đất, vạn vật, con người. Trống đồng còn là vật thiêng làm trung gian cho sự giao tiếp giữa con người - thân linh, giữa cõi sống - cõi chết, là tiêu biểu cho sức mạnh của cộng đồng.
Nghệ sĩ Hải Phượng đang đàn tranh. |
Cồng chiêng có mặt hầu hết ở các tộc người của Tây Nguyên. Họ cho rằng: Cồng chiêng là một loại nhạc cụ thiêng. Mỗi chiếc cồng chiêng đều có một vị thần trú ngụ. Cồng chiêng càng cổ thì uy tín của vị thần càng lớn. Gia đình nào sở hữu chiếc chiêng đó thì họ tin rằng sẽ được vị thần chiêng bảo trợ. Ngoài tính thiêng, mỗi bộ cồng chiêng còn cho biết những ý nghĩa văn hóa khác. Biên chế dàn chiêng là sự phản ánh tính cộng đồng. Cách đặt tên cho từng chiếc chiêng gợi cho chúng ta thấy một mô hình gia đình mẫu hệ lý tưởng thời xưa. Cách diễn tấu đi từ âm sang dương, ngược chiều kim đồng hồ cùng hé mở để người thời nay suy nghĩ và liên tưởng đến tục thờ mặt trời của cư dân Đông Nam Á cổ.
Kèn Xaranai một trong những nhạc cụ quan trọng của người Chăm. Các nghệ nhân dân gian đã quan niệm cây kèn này có hồn. Họ ví các lỗ của kèn giống như thính giác, vị giác, khứu giác của con người. Thực ra, cây kèn in đậm dấu ấn của tín ngưỡng vạn vật hữu linh và triết lý âm dương.
Trống ghì nằng cũng là loại nhạc cụ đầy uy lực và sinh khí của người Chăm. Khi diễn tấu trống ghì nằng thường đi theo cặp đôi, chiếc to là trống đực, nhỏ hơn một chút là trống cái. Hai chiếc kê chéo nhau theo hình chữ nhân. Ngay trong một chiếc trống chúng ta cũng nhận thấy tư duy về triết lý âm dương khá rõ nét. Mặt lớn là âm, mặt nhỏ là dương. Chính quan niệm trong âm có dương, trong dương có âm, âm dương giao hòa đối đãi, nên mặt âm bao giờ cũng kê nghiêng tiếp đất, mặt dương hướng lên phía trên...
Như vậy, không còn nghi ngờ gì nữa, nhạc cụ gắn với đời sống sinh hoạt hàng ngày hay sinh hoạt tín ngưỡng, không phải cái thuần túy, đơn giản, mà thông qua con người, bản thân nó sẽ chứa đựng những suy nghĩ và ý nguyện của chủ thể sáng tạo. Nói cách khác là, từ chất liệu muốn trở thành một nhạc cụ theo đúng nghĩa, con người đã phải tìm tòi, gửi gắm vào đó những tín hiệu mang tính biểu tượng và chứa đựng nhiều hàm nghĩa về văn hóa.
Tuệ Anh