Hướng tới sự toàn diện của công trình kiến trúc

* Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2012 sẽ được trao ngày 25/4, trong lễ kỷ niệm 65 năm thành lập Hội Kiến trúc sư Việt Nam


Không phải cứ đoạt giải quốc tế là toàn diện


Ngay trước thềm lễ trao giải của Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2012, có rất nhiều ý kiến xung quanh việc tại sao KTS Võ Trọng Nghĩa, người rất nổi tiếng với những công trình kiến trúc xanh, cũng là người đã đoạt rất nhiều giải thưởng kiến trúc quốc tế, lại không thể giành nổi giải nhất của Giải thưởng Kiến trúc của Việt Nam, thay vào đó là giải nhì cùng với 4 giải nhì khác nữa?


 

Không gian xanh ở Vincom Village.

Câu hỏi này đã được KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, cũng là Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2012 lý giải một cách rất rõ ràng trong buổi họp báo giới thiệu về giải thưởng. KTS Nguyễn Tấn Vạn cho biết, trên thực tế, các giải thưởng Kiến trúc quốc tế mà các KTS Việt Nam giành được (trong đó có cả trường hợp của KTS Võ Trọng Nghĩa) chủ yếu là giải thưởng của do các tạp chí nước ngoài. "Tác phẩm kiến trúc đoạt giải quốc tế vì vậy có thể chỉ cần đáp ứng một số tiêu chí nhất định, tùy thuộc vào quy định của giải thưởng đó. Còn với giải thưởng kiến trúc quốc gia, chúng tôi yêu cầu sự toàn diện, phải đáp ứng được tất cả những tiêu chí của một tác phẩm kiến trúc như có giải pháp kiến trúc hay, hợp lý, tính xã hội cao, có những ý tưởng định hướng cho tương lai... Với những tác phẩm chỉ đáp ứng được một số tiêu chí trong đó, thì rõ ràng không thể trao giải cao nhất được".


Cũng theo ông Vạn, Công ty của KTS Võ Trọng Nghĩa gửi 6 tác phẩm dự thi Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2012, trong đó có những tác phẩm đã đoạt giải thưởng quốc tế, nên rất được dư luận quan tâm. Tuy nhiên, trong cả 6 tác phẩm này, thì đều có những điểm chưa đáp ứng được tiêu chí giải thưởng đưa ra, như cách nói của ông Vạn là "được mặt này, mất mặt kia". Chính vì vậy, giải thưởng cao nhất mà Công ty của KTS Võ Trọng Nghĩa giành được là giải nhì cho công trình thiết kế "Nhà hội nghị Đại Lải" (tại tỉnh Vĩnh Phúc); dù công trình này đã được Bảo tàng Chicago Athenaeum của Mỹ trao giải thưởng “International Architecture Award” (IAA), giải thưởng tôn vinh công trình kiến trúc mới, kiến trúc cảnh quan, nội thất, quy hoạch đô thị đã và đang thi công trên toàn cầu. Ngoài ra là 2 giải khuyến khích, một dành cho công trình "Trường Bình Dương" (công trình đã đoạt giải ở thể loại nhà ở tại Lễ hội Kiến trúc Thế giới - World Architecture Festival - WAF) và một cho "Stone House- biệt thự đá ở Quảng Ninh".


 

Công trình Dolphin Plaza giành giải cao nhất nhờ kiến trúc hợp lý trong một không gian phức tạp.

Theo ông Vạn, công trình giành giải nhất năm nay "Dolphin Plaza" (tác giả Tan Jiann Woei) rất xứng đáng và nhận được sự đồng tình của toàn bộ hội đồng chấm giải bởi đã đáp ứng được các giá trị về nghệ thuật kiến trúc là "hợp lý" và "có lý" cả về hình thái kiến trúc, tỷ lệ, biểu tượng kiến trúc... "Điều đáng nói là trong một không gian rất khó xử lý, khó thiết kế, tác giả đã có những tìm tòi riêng, tạo được không gian hợp lý, xử lý ánh sáng tốt, thậm chí còn tạo được khối hình đẹp, có giá trị nghệ thuật cao. Và đặc biệt, công trình đã cân bằng được giữa nhu cầu ở và nhu cầu sống, tạo được không gian sống rất hiệu quả cho những người sinh sống ở đây. Bởi vậy chúng tôi đánh giá công trình này là một sự sáng tạo tốt và có thể vượt khỏi biên giới của Việt Nam", ông Vạn phân tích.


Cũng theo ông Vạn, chính vì công trình đáp ứng được mọi yêu cầu của thiết kế như vậy, nên Hội đồng đã nhất trí 100% dành giải nhất cho Dolphin Plaza.


Còn một công trình đoạt giải nữa cũng được hội đồng đánh giá cao là công trình "Bảo tàng Đắk Lắk" của tác giả Nguyễn Tiến Thuận. Với công trình này, kiến trúc truyền thống của Tây Nguyên đã được hiện đại hóa một cách "có lý", nhưng vẫn giữ được những bản sắc của văn hóa truyền thống Tây Nguyên. "Chỉ có một điểm trừ duy nhất là chưa có sự rõ ràng về nội thất, chính vì vậy mà công trình chỉ có thể giành giải nhì", KTS Nguyễn Tấn Vạn cho biết thêm.

 

Sự khởi sắc của kiến trúc Việt


BTC cho biết, Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2012 đã có sự vượt trội về số lượng tác phẩm tham dự, điều này hoàn toàn bất ngờ cả với chính BTC. “Những tưởng trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay, số lượng tác phẩm dự giải sẽ giảm đi, nhưng ngược lại, nó lại cao hơn hẳn so với những năm trước. Đã có tới 145 công trình - tác phẩm đăng ký dự thi, có 5 tác phẩm phạm quy, nên con số tác phẩm được xét chấm giải là 140 công trình - tác phẩm. Có lẽ, những KTS cũng đã xác định rằng: Trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay, càng phải thể hiện rõ vai trò và giá trị của mình”, KTS Nguyễn Tấn Vạn cho biết.


 

Bảo tàng Đắk Lắk thành công trong việc mang nét hiện đại tới cho kiến trúc truyền thống, nhưng không làm mất đi bản sắc văn hóa của vùng Tây Nguyên.

 

Trong tổng số 140 công trình, tác phẩm này, phần lớn các công trình kiến trúc được thiết kế theo xu hướng đương đại, kết hợp có chắt lọc bản sắc truyền thống, và đặc biệt đã bắt đầu quan tâm đến tính thích ứng khí hậu. “Đặc biệt đáng mừng là đã giảm bớt rõ rệt những công trình kiến trúc chạy theo hình thức nệ cổ mà Hội KTS Việt Nam từng cảnh báo ở các công trình trụ sở các cơ quan công quyền và nhà ở trước đây”, đại diện BTC cho biết.


“Ngoài ra, Hội đồng giải thưởng cũng ghi nhận những cố gắng đổi mới và sáng tạo trong ý tưởng thiết kế, trong các giải pháp tạo điều kiện tối ưu cho không gian sống và làm việc của con người, trong việc ứng dụng các vật liệu thân thiện môi trường và sự hòa nhập với môi trường xung quanh của công trình kiến trúc”, vẫn đại diện này khẳng định.


Với 3 tiêu chí của giải thưởng là tính sáng tạo, ý nghĩa xã hội và nhân văn, tính định hướng, Hội đồng Giải thưởng kiến trúc quốc gia 2012 đã quyết định trao 1 giải nhất, 5 giải nhì, 17 giải ba, 15 giải khuyến khích. Ngoài ra là 3 giải tập thể cho Công ty TNHH Võ Trọng Nghĩa, Công ty CP Kiến trúc quốc tế- Văn phòng 1+1>2 và Viện Kiến trúc Quy hoạch đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng).


Giải đã có những khởi sắc được ghi nhận, tuy nhiên, như lãnh đạo Hội KTS, cũng như hội đồng giải thưởng nhận định, điều chưa trọn vẹn của giải thưởng năm nay chính là việc yếu tố “Kiến trúc xanh”- điều mà BTC giải thưởng muốn hướng tới, đã không được như mong muốn. Chưa có 1 công trình, tác phẩm nào thực sự xứng đáng được giải “Kiến trúc xanh”. Theo KTS Nguyễn Tấn Vạn, Hội đã thống nhất thông qua đề cương cũng như thông qua 5 tiêu chí về “Kiến trúc xanh”. Đây có thể sẽ là sự khích lệ và thúc đẩy với các KTS trong việc mạnh dạn áp dụng kiến trúc xanh mang lại lợi ích cho người ở. Và vì thế, có cơ sở để tin rằng, có thể Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia năm 2013, sẽ có rất nhiều những công trình, tác phẩm xứng đáng được gọi cái tên là “Kiến trúc xanh”.


T.Anh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN