Hơn 10 năm qua đã có hơn 140.000 hộ nghèo tiếp cận được với kênh tín dụng này, với tổng dư nợ lên tới gần 3.350 tỷ đồng. Nguồn vốn vay ưu đãi đến với cộng đồng và được người nghèo tiếp cận một cách nghiêm túc, sử dụng đúng mục đích mang lại hiệu quả cao. Gia đình chị Ksor H’Lak, dân tộc Jrai ở làng Breng 2, xã Ia Dêr, huyện IaGrai vay vốn mua 3 con bò, khi bò sinh sản, gia đình chị bán lấy vốn mua đất đầu tư trồng các loại cây trồng dài ngày. Nhờ chịu khó tích góp và học hỏi cách làm ăn, đến nay chị đã có 500 gốc cà phê, 200 cây sầu riêng, hơn 5 sào lúa nước đem lại thu nhập hàng năm lên đến cả trăm triệu đồng.
Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân cho vay tại điểm giao dịch xã Ia H La, huyện Chư Pưh, Gia Lai. Ảnh: tingialai.com |
Gia đình ông Đinh Êm ở thôn 1, xã Đông, huyện Kbang mới một lần vay vốn đã cơ bản thoát nghèo. Năm 2011, gia đình ông vay 20 triệu đồng mua 2 con bò lai sinh sản, còn lại một ít vốn ông cải tạo 2 ha đất để trồng mía. Được hướng dẫn kỹ thuật, 2 con bò cái lai lớn nhanh đẻ hai bê con, 2 ha mía đã thu hoạch và bán thu lãi được hơn 60 triệu đồng. Ông Êm cho biết: Trước đây gia đình có đất sản xuất, nhưng không biết cách làm, chỉ trồng những loại cây màu 1 vụ, nên năm được, năm mất. Giờ biết cách làm ăn rồi, vốn vay đợt đầu của ngân hàng mặc dù chưa đến thời hạn trả nợ nhưng ông cũng đã trả đủ cả gốc lẫn lãi. Ông có ý định vay thêm khoảng 35 triệu đồng nữa để mua thêm đất trồng mía, mua thêm bò lai để nuôi…
Ông Lê Văn Chí, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Gia Lai cho biết: Thời gian tới, ngân hàng tập trung cho vay chương trình hỗ trợ người nghèo, người dân tộc thiểu số chưa có nhà ở, nhà tạm bợ, hư hỏng, dột nát ở vùng sâu, vùng xa với lãi suất ưu đãi 3% năm.