Hòa Bình nâng cao giá trị rừng

Tỉnh miền núi Hòa Bình có tổng diện tích tự nhiên gần 460.870 ha, trong đó đất lâm nghiệp 332.800 ha, chiếm 72%; lao động nông - lâm nghiệp là 391.500 người, chiếm trên 71% tổng số lao động trong tỉnh, đây là tiềm năng rất lớn để phát triển sản xuất lâm nghiệp.

Hàng năm, Hòa Bình đưa vào kế hoạch bảo vệ 75.000 ha rừng tự nhiên và rừng trồng, khoanh nuôi tái sinh khoảng 2.500 ha, chăm sóc rừng trồng gần 13.000 ha, trồng mới 8.000 ha rừng kinh tế. Năm 2014, độ che phủ rừng của Hòa Bình đạt 49,4%, tăng 6,4% so với năm 2005, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế thiên tai, lũ lụt.

Bên cạnh việc khuyến khích đồng bào phát triển rừng, Hòa Bình cũng tăng cường công tác bảo vệ rừng.Ảnh: Quang Quyết


Đặc biệt, việc trồng rừng kinh tế ở các địa phương đã góp phần giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập, xóa đói - giảm nghèo cho hàng vạn hộ nông dân, nhất là đồng bào các dân tộc. Nếu như các năm trước đây, người dân hoàn toàn trông chờ vào các dự án trồng rừng của Nhà nước, thì hiện nay nhiều hộ nông dân trong tỉnh đã tự bỏ vốn hoặc vay vốn ngân hàng để trồng rừng kinh tế, cả tỉnh có trên 1.000 trang trại rừng quy mô vừa và nhỏ cho thu nhập trung bình từ 50 - 60 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Xuân Trường, Chi Cục phó Chi cục Phát triển Lâm nghiệp tỉnh: Để nông dân có thể sống ổn định từ kinh tế rừng, tỉnh đã có nhiều chính sách khuyến khích, bảo vệ và phát triển kinh tế rừng như: Các chính sách hưởng lợi từ rừng; chính sách vay vốn phát triển vùng nguyên liệu, hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm lâm sản; chính sách khuyến lâm. Cùng với đó, các dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, rừng nguyên liệu, rừng phòng hộ lồng ghép với các Chương trình 472, 135, chính sách xóa đói giảm nghèo, vay vốn ưu đãi để trồng rừng từ nguồn vốn Trung ương, ngân sách địa phương, vốn tín dụng tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế rừng, gắn bó với rừng. Một số huyện như Lạc Thủy, Mai Châu, Tân Lạc, Lạc Sơn đã xác định được thế mạnh từ kinh tế đồi rừng, trong đó có một số cây trồng thích hợp đem lại hiệu quả kinh tế cao như: Luồng, lát, keo, lim... Năm 2014, toàn tỉnh khai thác 2.500 - 3.000 ha rừng trồng với sản lượng khoảng 135.000 m3, 12 triệu cây tre, nứa.

Người Tày xã Tân Minh huyện vùng cao Đà Bắc khai thác rừng tre, luồng sản xuất tăm mành.Ảnh: Nhan Sinh


Những năm gần đây, ngành lâm nghiệp tỉnh đã đầu tư tập trung, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, trong đó, chú trọng đầu tư phát triển rừng kinh tế, tái cơ cấu ngành lâm nghiệp theo chủ trương của Chính phủ. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ sinh học được áp dụng thành công như: Nhân giống cây bằng dâm hom, tuyển chọn hạt, ghép, nuôi cấy mô. Một số giống keo tai tượng xuất xứ Pongaki và Cardwell; Keo lai BV33, BV75, TB1... được các chuyên gia của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam chuyển giao cho bà con.

Ông Bùi Đức Thanh ở xã Mãn Đức, huyện Tân Lạc, hộ gia đình tham gia trồng 2 ha keo tai tượng xuất xứ Pongaki và Cardwell cho biết, chỉ sau 3 tháng trồng, cây mọc rất tốt, chiều cao cây đạt 75 cm trong khi các giống cùng loại chỉ đạt 60 cm. Đặc biệt, giống cây này phát triển nhanh và không bị sâu bệnh. Hiện nay tại địa phương 1 tấn gỗ keo bán được khoảng 850.000 đồng và 1 ha keo trồng sau 7 năm (1 chu kỳ) bán được khoảng trên dưới 60 triệu đồng.

Ông Đinh Quang Long, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho hay: Ngành đã xây dựng xong dự án giống cây lâm nghiệp giai đoạn 2013 - 2017 với mục tiêu áp dụng các nguyên lý di truyền học và các phương pháp chọn giống để nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng kinh tế. Dự án đi vào hoạt động sẽ chọn được loài cây mọc nhanh, chu kỳ sản xuất ngắn, có khả năng chống sâu bệnh hại, thích ứng tốt với điều kiện sống; tăng sản lượng gỗ với phẩm chất tốt, sẽ nâng giá trị rừng trồng sản xuất giai đoạn 2014 - 2020 và các năm sau.

Nhan Sinh
Gắn lễ hội với bảo vệ rừng và xây dựng nông thôn mới
Gắn lễ hội với bảo vệ rừng và xây dựng nông thôn mới

Các lễ hội đầu năm của đồng bào các dân tộc ở Lào Cai đều gắn với bảo vệ rừng và xây dựng nông thôn mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN