Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế thông qua áp dụng công nghệ

Ngày 17/12, tại Hà Nội, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với Văn phòng Quốc gia về Giảm nghèo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức “Diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số giảm nghèo, phát triển kinh tế thông qua áp dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh nhấn mạnh, thế giới ngày càng phát triển với sự tiến bộ vượt bậc của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cuộc cách mạng kỹ thuật số. Trước sự thay đổi với tốc độ cấp số nhân của các công nghệ mới, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận, chủ động tham gia cuộc cách mạng này.

Chú thích ảnh
Phiên chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, giảm nghèo và áp dụng công nghệ 4.0 của các tổ nhóm đối tác tại Diễn đàn. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Năm 2019, Chương trình phát triển Liên hợp quốc đã triển khai hỗ trợ kỹ thuật cho hai tỉnh Đắk Nông và Bắc Kạn thực hiện Dự án “Hỗ trợ phụ nữ Dân tộc thiểu số phát triển kinh tế nhờ áp dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Hoạt động này góp phần quan trọng nhằm tạo dựng mạng lưới hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường năng lực cho các tổ, nhóm phụ nữ để áp dụng công nghệ, nâng cao năng lực, phát triển các hoạt động sinh kế giảm nghèo, tiếp cận thị trường, huy động sự tham gia của các đối tác, các nguồn lực bên ngoài và tại chỗ, đem lại thu nhập cho các hộ nghèo.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho rằng, các kết quả, bài học kinh nghiệm của người dân được chia sẻ tại Diễn đàn là cần thiết cho các địa phương khác cũng như cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong thiết kế, thực hiện chương trình giảm nghèo trong thời gian tới.

Đại diện thường trú của Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh, đồng bào dân tộc thiểu số rất sáng tạo, có kỹ năng kinh doanh tốt. Việc ứng dụng công nghệ mới như: sàn giao dịch điện tử, thanh toán điện tử, điện thoại thông minh và internet tạo ra nhiều cơ hội cho đồng bào dân tộc thiểu số mở rộng thị trường, hoạt động sản xuất kinh doanh. Kết nối các doanh nghiệp của đồng bào dân tộc thiểu số với các doanh nghiệp khác, với đại diện chính phủ, các chuyên gia tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo, giúp tạo ra sự khác biệt, đẩy nhanh việc đạt được kết quả xóa đói giảm nghèo.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác giữa các doanh nghiệp bán lẻ lớn và các hợp tác xã bán sản phẩm thông qua các sàn giao dịch trong việc hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số mở rộng thị trường cho sản phẩm của họ, Đại diện thường trú của Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc sẵn sàng hỗ trợ trong việc nỗ lực tìm ra những giải pháp đổi mới sáng tạo để có thể đạt được kết quả trên diện rộng.

Tại Diễn đàn, các bên tham gia Dự án, chia sẻ những kết quả, thách thức, bài học kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp tiếp tục nhân rộng mô hình “Liên kết sản xuất kinh doanh theo chuỗi sản phẩm bản địa ứng dụng nền tảng thương mại điện tử” phù hợp với hộ nghèo, người dân tộc thiểu số gắn kết với phương pháp truyền thống, văn hóa bản địa một cách hiệu quả, bền vững tới các địa phương khác như: Lào Cai, Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình, Đà Nẵng, Kon Tum…

Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong giảm nghèo đa chiều, khoảng 6 triệu người đã thoát nghèo trong giai đoạn 4 năm từ 2012 đến 2016. Thách thức đặt ra trong thời điểm hiện tại là làm thế nào để đẩy nhanh tốc độ giải quyết tình trạng nghèo kinh niên đang tập trung chủ yếu ở các nhóm dân tộc thiểu số sinh sống ở các vùng miền núi, xa xôi hẻo lánh.

Chú thích ảnh
 Các phụ nữ dân tộc thiểu số áp dụng công nghệ 4.0 trong kết nối phục vụ sản xuất kinh doanh tại Diễn đàn. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Dự án “Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số giảm nghèo, phát triển kinh tế thông qua áp dụng công nghệ của Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” được xây dựng và triển khai dựa trên cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững, hướng tới bảo đảm “Không ai bị bỏ lại phía sau”. Thông qua dự án này, các nhóm dân tộc thiểu số nghèo, đặc biệt là phụ nữ và các đối tác kinh doanh, nhà đầu tư, nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách của chính phủ có cơ hội được kết nối, cùng đồng hành trong hành trình tăng tốc giảm nghèo.

Sáng kiến 4M (Meet, Match, Mentor and Move - Gặp Gỡ, Kết nối, Đồng hành và Phát triển) được thực hiện trong Dự án đã tạo điều kiện cho 784 người, chủ yếu là phụ nữ dân tộc thiểu số, có thể khởi nghiệp, tham gia và mở rộng sản xuất hàng hóa, mở rộng thị trường, liên kết kinh doanh, quảng bá, bán sản phẩm trên thị trường thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và nhờ đó thoát nghèo. Ngoài các đối tượng thụ hưởng trực tiếp, 2.636 người đã tham gia và hưởng lợi trong chuỗi cung ứng sản phẩm thông qua các Hợp tác xã, tổ, nhóm  sản xuất ở hai tỉnh Bắc Kạn và Đắk Nông.

Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN)
Trang bị kỹ năng làm kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số
Trang bị kỹ năng làm kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Sau một năm triển khai, dự án Thúc đẩy Bình đẳng giới thông qua Nâng cao hiệu quả kinh tế Sản xuất Nông nghiệp và Phát triển Du lịch (GREAT) được tài trợ bởi chính phủ Australia đã hỗ trợ được đào tạo cho 11.000 phụ nữ dân tộc thiểu số các kiến thức, kỹ năng mới về nông nghiệp, chế biến, du lịch và kinh doanh; có nhiều hoạt động về đổi mới sáng tạo, người dân được tiếp cận các giống cây trồng mới và các hợp tác xã địa phương đã được kết nối với các nhà bán lẻ lớn. Nhằm mục đích nâng quyền cho phụ nữ để tham gia tích cực vào thị trường nông nghiệp và du lịch tại khu vực Tây Bắc Việt Nam, dự án GREATđã đạt được một số thành công ban đầu, giải quyết các vấn đề nâng quyền kinh tế cho phụ nữ không chỉ là vấn đề tăng thu nhập mà còn là hỗ trợ phụ nữ cải thiện quyền tự ra quyết định trong gia đình, cộng đồng và xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN