Trong vòng 5 năm trở lại đây, bình quân mỗi năm tỉnh Gia Lai có khoảng 8.000 hộ thoát nghèo, chủ yếu là các hộ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Một trong những nguyên nhân giúp các hộ thoát nghèo là: Các hộ nghèo được vay vốn chính sách để phát triển sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Điển hình như hộ ông Đinh Êm ở thôn 1 thuộc xã Đông (huyện K'Bang) có 2 ha đất canh tác nhưng trước đây dù làm ăn chăm chỉ nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. Năm 2011, ông mạnh dạn vay 20 triệu đồng mua 2 con bò sinh sản và mua giống mía cao sản, cải tạo quỹ đất đưa vào trồng mía theo hướng thâm canh. Qua 2 vụ trồng mía, ông thu lãi được hơn 120 triệu đồng; ngoài ra, 2 con bò của gia đình ông cũng đã sắp đẻ. Nhờ vậy, ông Đinh Êm không những đã trả hết nợ cho ngân hàng trước thời hạn mà còn tích lũy để đầu tư tái sản xuất cho các vụ sau.
Từ năm 2003 đến nay, toàn tỉnh Gia Lai có 141.000 hộ nghèo vay vốn chính sách với tổng dư nợ lên tới 2.430 tỷ đồng và đã có 67.500 hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới xuống còn gần 20% (60.000 hộ), hộ cận nghèo chiếm 6,3% (18.000 hộ). Đây là một cố gắng lớn của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH). Các cấp chính quyền và các hội, đoàn thể đã phối hợp chặt chẽ đưa đồng vốn đến tận tay người nghèo và phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, hiện nay ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh vẫn còn không ít hộ nghèo có đủ điều kiện về lao động, quỹ đất canh tác nhưng vẫn không có nhu cầu vay vốn chính sách để phát triển sản xuất nhằm nhanh chóng thoát nghèo. Thực trạng này gần như ở địa phương nào trong tỉnh cũng có, nhiều huyện có đến 10 - 15% trong tổng số hộ nghèo trên địa bàn vẫn chưa tiếp cận đồng vốn của Ngân hàng CSXH. Qua tìm hiểu, được biết, do nhận thức của bà con về cung cách làm ăn chưa có nhiều chuyển biến, còn nặng về tập tục và phương thức sản xuất lạc hậu "phát - đốt - chọc - tỉa" từ bao đời nay. Bà con cho rằng, vay vốn của Nhà nước về không biết làm gì, để dành thì sợ mất sau này lấy gì mà trả nợ cho ngân hàng. Chi bằng năm nào Yàng (Trời) thương thì cho nhiều hạt lúa, hạt ngô trên nương rẫy để được no cái bụng, còn không thì tìm củ mà ăn trong những tháng giáp hạt, hoặc vay mượn của bà con tộc họ trong làng, thậm chí trông chờ ỷ lại Nhà nước.
Để 100% số hộ nghèo và cận nghèo trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận với đồng vốn vay phát triển sản xuất có hiệu quả và nhanh chóng thoát nghèo, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh cùng các cấp chính quyền địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục, tuyên truyền và hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho bà con. Công tác giáo dục, tuyên truyền cũng cần có sự thay đổi phù hợp với yêu cầu thực tế; nhất là tránh tình trạng hô hào "suông" mà phải đi sâu đến từng người, từng hộ. Một khi nhận thức của bà con có chuyển biến thì họ sẽ thực hiện.
Văn Thông