Hiệu quả từ các chương trình khuyến nông ở Mường Nhé

Giúp cho người dân tiếp cận với các giống cây, con mới có năng suất, hiệu quả kinh tế cao và áp dụng những khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao thu nhập, đó là mục tiêu mà các chương trình khuyến nông ở Mường Nhé hướng tới.


Mường Nhé (Điện Biên) là huyện vùng sâu, vùng xa biên giới, có nhiều dân tộc anh em cùng chung sống, trình độ dân trí thấp, đời sống vật chất, tinh thần của người dân còn nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, nền sản xuất nông nghiệp của huyện Mường Nhé phát triển chậm, manh mún lạc hậu, mang tính tự cung tự cấp, phụ thuộc vào thiên nhiên. Người dân chưa được tiếp cận với các giống cây trồng mới, chưa biết áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, phần lớn diện tích sản xuất nông nghiệp của huyện là nương rẫy. Do vậy năng suất của các loại cây trồng còn thấp. Nhưng đó chỉ là câu chuyện của vài năm về trước. Những năm gần đây, nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật, huyện Mường Nhé cũng đã có bước tiến đáng kể. Góp phần không nhỏ vào sự phát triển KT - XH ở Mường Nhé phải nói đến các chương trình khuyến nông. Bởi thông qua các mô hình thí điểm đã giúp cho người nông dân có điều kiện tiếp cận với giống mới, áp dụng khoa học kỹ thuật, thay thế những biện pháp canh tác lạc hậu cho năng suất thấp bằng các phương pháp canh tác mới cho hiệu quả kinh tế cao.

Cây lúa nước đã khẳng định năng suất, chất lượng ở huyện vùng cao biên giới Mường Nhé.


Điển hình là mô hình trình diễn thâm canh cây lúa nước do Trung tâm khuyến nông tỉnh phối hợp với cơ quan chức năng huyện tổ chức tại xã Mường Nhé, với diện tích hơn 6 ha, sử dụng hai giống lúa là IR64 và HT I. Đây là hai loại giống lúa thuần có thời gian sinh trưởng trung bình, dễ chăm sóc, thích nghi với điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng của khu vực Mường Nhé, khả năng chống chịu sâu bệnh, cho năng suất và chất lượng cao, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Để triển khai mô hình, Trung tâm khuyến nông tỉnh đã cử các cán bộ kỹ thuật xuống tận xã để “3 cùng” - cùng ăn, ngủ và làm việc với nhân dân. Hướng dẫn nhân dân cách làm đất, ủ mầm, xuống giống và quy trình chăm sóc như thời gian bón phân từng giai đoạn phát triển của cây lúa, cách phòng chống các loại sâu bệnh gây hại. Trong vụ lúa chiêm xuân vừa qua trung tâm đã triển khai trồng thí điểm 6 ha. Tuy nhiên, trong đợt rét hại đã làm cho những diện tích lúa bị ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa nhưng kết quả bước đầu đã cho năng suất khá cao đạt từ 50 - 53 tạ/ha. Đây là một kết quả mà người dân xã Mường Nhé nói riêng và huyện Mường Nhé nói chung đang mơ ước.


Ông Chu Văn Sâm, Chủ tịch UBND xã Mường Nhé cho biết, ngoài mô hình thâm canh cây lúa nước, Trung tâm khuyến nông tỉnh còn triển khai mô hình thâm canh đậu tương trên đất nương rẫy, việc triển khai mô hình này đã mở ra một cách làm ăn mới cho nhân dân trong vùng. Việc trồng cây đậu tương đối với những người nông dân ở khu vực lòng chảo và các địa phương khác không còn xa lạ, nhưng đối với những nông dân của huyện Mường Nhé thì nó là mới mẻ. Bởi người dân Mường Nhé vẫn chủ yếu trồng 2 loại cây lương thực chính là lúa nương và ngô. Ngoài việc giúp có thêm thu nhập, cây đậu tương còn tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với cây trồng có giá trị hàng hóa cao, luân chuyển các loại cây trồng trên nương, cải tạo đất, tránh tình trạng rửa trôi và bạc màu.


Anh Lò Văn Bun, ở xã Mường Nhé, bày tỏ: “Chúng tôi được cán bộ của Trung tâm khuyến nông tỉnh hỗ trợ giống, phân bón và hướng dẫn cách trồng cây đậu tương. Đây thật sự là một cây trồng mới mà từ trước đến nay người dân chúng tôi chưa được biết đến. Giờ chúng tôi còn biết thêm trồng cây đậu tương để tăng thu nhập cho gia đình. Sang năm, ngoài việc trồng cây lúa, ngô chúng tôi sẽ tiếp tục trồng cây đậu tương nhiều hơn để nâng cao thu nhập cho gia đình, góp phần vào xóa đói giảm nghèo”.


Ngoài hai mô hình thâm canh cây lúa nước và đậu tượng, Trung tâm khuyến nông còn triển khai nhiều mô hình khác như: Mô hình cải tạo đàn bò, mô hình trồng các loại cây ăn quả, mô hình thâm canh cây ngô Lai...


Ông Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé khẳng định: Việc thực hiện các mô hình đã góp phần nâng cao kỹ thuật của người dân trong việc sản xuất nông nghiệp, thay đổi tập quán canh tác đưa các giống cây trồng mới có năng suất cao... Đây là yếu tố quan trọng để hình thành nên một nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế của huyện vùng cao biên giới như Mường Nhé.


Bài và ảnh:Thanh Tùng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN