Thái độ phục vụ ân cần, chuyên nghiệp đối với người bệnh, chất lượng khám bệnh tốt, chi phí khám và mua thuốc hợp lý... Đó là những nhận xét chung của nhiều người dân khi tới khám bệnh tại Hợp tác xã y tế An Phước - hợp tác xã y tế đầu tiên của cả nước.
Hợp tác xã y tế (HTX) An Phước được thành lập từ năm 2011, tại khối phố Long Xuyên 1, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Hiện nay, HTX có hơn 30 xã viên, trong đó có 8 người là bác sĩ và những người còn lại đều tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào công việc của hợp tác xã.
Một dịch vụ y tế thân thiện, tin cậy và gần nơi sinh sống là điều nhiều người dân nông thôn trông chờ. Ảnh: Hoa Mai –TTXVN |
Từng là bác sĩ công tác tại Bệnh viện huyện Duy Xuyên, khi nghỉ hưu bác sĩ Nguyễn Ngọc Thảo vẫn trăn trở với nghề, từ đó ông nảy sinh ý tưởng thành lập một “HTX y tế” phục vụ nhân dân trong vùng. Nói về những khó khăn trong ngày đầu vận động thành lập, Chủ nhiệm HTX, bác sĩ Nguyễn Ngọc Thảo cho biết: Đây là một HTX đặc thù nên khó khăn lớn nhất là làm sao tập hợp được những xã viên là các bác sĩ có chuyên môn cao. Rất may, ở thời điểm này, nhiều bác sĩ giỏi ở tuyến huyện có xu hướng ra các thành phố lớn xin việc, khi nghe ông trình bày ý tưởng họ tán thành gia nhập HTX. Mặc dù ở các nước phát triển trên thế giới, mô hình này rất phổ biến nhưng ở Việt Nam chưa từng xuất hiện một HTX trong lĩnh vực này do đó rất khó có thể học hỏi kinh nghiệm đi trước. Chính vì vậy sau hơn một năm hoạt động, HTX mới xác định hướng đi riêng để có thể vận hành ổn định.
Ngành nghề đăng ký kinh doanh của HTX là khám chữa bệnh và cấp cứu ban đầu; phục hồi chức năng; phẫu thuật thẩm mỹ; tiêm vắcxin và chế phẩm sinh học phòng bệnh; tham gia các hoạt động chương trình y tế quốc gia; kinh doanh dược phẩm, vật tư y tế. Hợp tác xã có các phòng khám ngoại trú về răng, hàm, mặt; tai, mũi, họng; mắt; sản; nội tim mạch; nội tổng quát; nội nhi. |
Cơ sở vật chất được HTX đầu tư tương đối toàn diện gồm một tòa nhà ba tầng trên diện tích đất 350m2 do HTX mua, bốn giường cấp cứu, một xe cứu thương và nhiều trang thiết bị y tế. Tổng mức đầu tư ban đầu của HTX là 11 tỷ đồng, trong đó vốn đóng góp của xã viên tối thiểu là 50 triệu đồng/xã viên. Đặc biệt, sau 10 năm xã viên mới được thoái vốn, để đảm bảo sự hoạt động bền vững của HTX.
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Thảo, mức đóng góp này cũng chỉ tương đương như một xã viên nông dân đóng góp “một con trâu tốt” cho HTX nông nghiệp. Khi mới thành lập HTX cũng được quỹ hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam cho vay 3,2 tỷ đồng để đầu tư ban đầu, với lãi suất dưới 6%/năm. HTX y tế An Phước có cơ cấu gồm một ban quản trị (gồm 5 thành viên, trong đó có một chủ nhiệm) và một ban giám sát. Mỗi năm HTX họp đại hội xã viên một lần để thông báo kết quả hoạt động tới xã viên. Hiện nay doanh thu của HTX trung bình là 6 tỷ đồng/năm; những năm đầu HTX dành chủ yếu nguồn thu để trả các khoản vốn vay và tiền lương nhân viên. Dự kiến năm 2014, HTX sẽ trả xong các khoản vay và thực hiện chia lợi nhuận đầy đủ theo mức đóng góp vốn của xã viên.
Điều dễ nhận thấy nhất ở HTX y tế An Phước là tinh thần dân chủ, bình đẳng trong mọi hoạt động của HTX. Bác sĩ Nguyễn Trường Quang, một xã viên cho biết: Các nhân viên ở đây từ bác sĩ đến y tá, lái xe hầu hết là thành viên HTX nên mọi người rất tận tâm làm tròn nhiệm vụ của mình vì người bệnh và uy tín của HTX. Là một HTX đặc thù nên vấn đề chất lượng khám chữa bệnh luôn được HTX y tế An Phước đặt lên hàng đầu. Sở Y tế Quảng Nam cũng thường xuyên tới kiểm tra các điều kiện khám chữa bệnh tại đây. Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Thảo, Chủ nhiệm HTX, “lợi nhuận” lớn nhất mà HTX đạt được từ khi thành lập tới nay chính là đã xây dựng được chữ “tín” với người bệnh. Bây giờ không chỉ người dân ở huyện Duy Xuyên mà các huyện lân cận cũng tìm tới HTX để khám bệnh, trung bình các bác sĩ của HTX khám cho khoảng 120 - 150 người bệnh mỗi ngày.
Anh Cao Văn Vinh, ở xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên cho biết: “Đây là lần thứ ba tôi đưa người thân từ quê ra đây khám bệnh vì ở đây việc làm thủ tục khám bệnh rất nhanh và khám cả đối tượng có bảo hiểm y tế. Các bác sĩ rất nhiệt tình khi thăm bệnh, nếu gặp bệnh nặng đều hướng dẫn tới các chuyên khoa uy tín ở tuyến trên để điều trị”. Chủ nhiệm HTX, bác sĩ Nguyễn Ngọc Thảo cho biết: Mô hình này rất thích hợp với vùng nông thôn và định hướng lâu dài của HTX là sẽ phát triển thành một bệnh viện tư nhân; nhưng trước mắt HTX tập trung nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của nhân dân trong vùng.
Đ.T