Đến mùa mưa lũ, không ít cầu treo trên địa bàn Lào Cai lại trở nên nguy hiểm, đe dọa xảy ra tai nạn.
Hàng chục cầu cần sửa chữa, làm mới
Không thể phủ nhận lợi ích của cầu treo trong việc phục vụ nhu cầu đi lại của người dân vùng nông thôn, miền núi. Song điều đáng nói là hiện đa số các cầu treo trên địa bàn tỉnh chưa được quan tâm duy tu, sửa chữa tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Qua khảo sát cho thấy, hệ thống các cầu treo chủ yếu nằm trên đường nhỏ vào thôn, bản.
Mặc dù đã có biển báo cấm, nhưng xe tải vẫn qua cầu. |
Đối với các địa phương trong tỉnh, để xây dựng một cây cầu bê tông kiên cố phải đầu tư rất lớn, trong khi nguồn thu ngân sách hạn hẹp, chủ yếu trông vào ngân sách Trung ương. Còn xây dựng cầu treo, theo tính toán của một số cán bộ ngành giao thông vận tải Lào Cai thì chỉ bỏ ra một khoản kinh phí 10 triệu đồng/m dài là có cầu. Ưu điểm của cầu treo là kinh phí đầu tư ít, thời gian thi công ngắn, đáp ứng ngay nhu cầu của người dân, nhưng hạn chế của cầu treo là tải trọng thấp. “Tuổi thọ” và độ an toàn của các cây cầu treo luôn là điều đáng lo lắng trước mỗi mùa mưa lũ.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lào Cai, hiện trên địa bàn Lào Cai có 105 cầu treo, trong đó, cầu treo ô tô đi được có 24 chiếc, cầu treo cho xe thô sơ và người đi bộ là 81 chiếc. Tuy nhiên, qua kiểm tra, rà soát, có đến 44 cầu đã xuống cấp và cần sửa chữa. Đa số các cầu treo được xây dựng từ những năm 1990 trở lại đây, một số cầu treo được xây dựng từ năm 1981-1982 đã xuống cấp, cần được thay thế, sửa chữa, như: Cầu treo Đầu Nhuần 4, cầu treo Soi Trát, cầu treo Piềng Láo... Đặc biệt, cầu treo Sin San, xã Y Tý, cầu treo Dền Sáng 1, cầu treo Dền Sáng 2, xã Dền Sáng, huyện Bát Xát; cầu treo Cốc Phương, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương là những “điểm đen” cần được nâng cấp gấp.
Đảm bảo an toàn
Để đảm bảo an toàn giao thông đối với hệ thống cầu treo, những nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tỉnh Lào Cai chỉ đạo phải có hướng dẫn bằng tiếng dân tộc. Vị trí đặt biển phải đảm bảo tầm nhìn phù hợp để người dân dễ nhận biết. Bên cạnh đó, rà soát lại thiết kế các dự án cầu treo đang được chuẩn bị đầu tư xây dựng để phù hợp với điều kiện khai thác và đảm bảo an toàn tuyệt đối. Theo đó, một số huyện trong tỉnh cũng đã quan tâm và thực hiện tốt công tác duy trì kiểm tra, bảo dưỡng cầu treo thường xuyên.
Nhiều cầu đã được cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai gắn biển cấm. |
Tuy nhiên, vẫn còn một số cầu đã xuống cấp, nguy hiểm chưa được sửa chữa. Mặt khác, đến thời điểm này, nhiều cầu vẫn chưa được lắp hệ thống biển báo an toàn; một số cầu bị hỏng, xói lở chân mố, chưa được sửa chữa kịp thời; vẫn còn xảy ra hiện tượng tháo trộm các chi tiết cầu như: Hệ thống bu lông, thép liên kết, thanh lan can, cáp chống lắc ngang; đường đầu cầu bị xâm chiếm; một số hố neo, cáp chủ bị đất đá vùi lấp ảnh hưởng đến tuổi thọ công trình.
Cần có những cây cầu bằng sắt như thế này mới đảm bảo an toàn khi mùa mưa lũ đến. |
Lý giải cho thực trạng trên, đại diện các cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai đều chung quan điểm cho rằng nguyên nhân do một số cầu được xây dựng đã lâu. Điều kiện địa hình miền núi chia cắt, bị ảnh hưởng thường xuyên của mưa lũ; nguồn kinh phí cho duy tu sửa chữa có hạn, chỉ được sửa chữa khi có hư hỏng. Một số địa phương chỉ tập trung vào sửa chữa các cầu hư hỏng nặng mà chưa tập trung duy tu bảo dưỡng tất cả các cầu. Ngoài ra, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ, duy tu công trình ở một số địa phương còn hạn chế, một số công trình được làm bằng gỗ tận dụng tại địa phương nên thường xuyên bị mối mọt...
Để đảm bảo an toàn giao thông trong mùa mưa lũ sắp tới cho đồng bào, tỉnh Lào Cai đã trích kinh phí trên 50 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp 44 cầu yếu đã được kiểm tra, rà soát. Trong đó, tập trung vào những cầu treo hư hỏng nặng như: Cầu treo Hòa Mạc ở xã Hòa Mạc (Văn Bàn); cầu treo Mã Ỷ Hồ ở xã Bản Khoang, cầu treo thôn Nậm Toóng ở xã Bản Hồ (Sa Pa); cầu treo Tạng Què ở xã Vĩnh Yên (Bảo Yên), cầu treo Suối Trát ở xã Sơn Hải, cầu treo Đầu Nhuần 4 ở xã Phú Nhuận (Bảo Thắng).
Bài và ảnh: Nguyễn Thắng