Cầu treo - Hiểm họa khôn lường trong mùa mưa lũ

Mỗi năm đến mùa mưa lũ, không ít cầu treo trên địa bàn Lào Cai lại trở nên nguy hiểm, đe dọa đời sống của người dân. Thực tế đặt ra yêu cầu tăng cường công tác quản lý, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân. Tuy nhiên, vấn đề gặp không ít khó khăn.

 

44 cầu treo cần sửa chữa

 

Không thể phủ nhận lợi ích của cầu treo trong việc phục vụ nhu cầu đi lại của người dân vùng nông thôn, miền núi. Song điều đáng nói là hiện đa số các cầu treo trên địa bàn tỉnh chưa được quan tâm duy tu, sửa chữa nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Qua khảo sát cho thấy, hệ thống các cầu treo chủ yếu nằm trên đường nhỏ vào thôn, bản.


Cầu treo nối thị trấn Mường Lát với bản Lát xã Tam Chung, huyện Mường Lát, người dân vừa đi vừa phải sửa ván cầu. Phía dưới là nước sông Mã cuồn cuộc chảy. (Ảnh Tuấn Nam)


Đối với các địa phương trong tỉnh, để xây dựng một cây cầu bê tông kiên cố phải đầu tư rất lớn, trong khi nguồn thu ngân sách hạn hẹp, chủ yếu trông vào Trung ương. Còn xây dựng cầu treo, theo tính toán của một số cán bộ ngành giao thông vận tải Lào Cai thì chỉ bỏ ra một khoản kinh phí 10 triệu đồng/mét dài là có cầu.


Ưu điểm của cầu treo là kinh phí đầu tư ít, thời gian thi công ngắn, đáp ứng ngay nhu cầu của người dân. Nhưng hạn chế của cầu treo là trọng tải thấp. Các cầu treo chủ yếu dạng cầu treo dây võng, trụ cổng làm bằng thép hoặc bê tông; dầm thép, mặt cầu bằng thép hoặc gỗ, có quang treo bằng thép; cáp chủ có đường kính từ D30-65mm; tải trọng thiết kế từ 1 tấn đến 2,5 tấn có chiều dài cầu từ 35 -150m; bề rộng cầu từ 1,2 -2,5m.

 

Chính vì vậy, “tuổi thọ” và độ an toàn của các cây cầu treo luôn là điều đáng lo lắng trước mỗi mùa mưa lũ. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lào Cai, hiện trên địa bàn Lào Cai có 105 chiếc cầu treo với tổng chiều dài hơn 5,6 km. Trong đó, cầu treo ô tô đi được có 24 chiếc; cầu treo cho xe thô sơ và người đi bộ là 81 chiếc.


Tuy nhiên, có đến 44 chiếc đã xuống cấp và cần sửa chữa. Đặc biệt, một số cầu treo cần khẩn trương làm mới thay thế cầu cũ nhằm đảm bảo an toàn giao thông bao gồm: Cầu treo Hòa Mạc (xã Hòa Mạc, huyện Văn Bàn); cầu treo Mã Ỷ Hồ (xã Bản Khoang); cầu treo thôn Nậm Toóng (xã Bản Hồ, huyện Sa Pa); cầu treo Tạng Què (xã Vĩnh Yên, huyện Bảo Yên); cầu treo Soi Chát (xã Sơn Hải); cầu treo Đầu Nhuần 4 (xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng).

 

Đa số các cầu treo được xây dựng từ những năm 1990 trở lại đây, một số cầu treo được xây dựng từ năm 1981-1982 như cầu treo Đầu Nhuần 4, cầu treo Soi Trát, cầu treo Piềng Láo... đã xuống cấp, cần được thay thế, sửa chữa. Đặc biệt, cầu treo Sin San, xã Y Tý, cầu treo Dền Sáng 1, cầu treo Dền Sáng 2, xã Dền Sáng, huyện Bát Xát; cầu treo Cốc Phương, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương là những “điểm đen” cần được nâng cấp gấp. 

 

Để cầu treo không còn là hiểm họa mùa mưa lũ

 

Cách đây vài tháng, để đảm bảo an toàn giao thông đối với hệ thống cầu treo, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng, yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng cục Đường bộ Việt Nam: Rà soát lại toàn bộ hệ thống cầu treo dân sinh trên địa bàn tỉnh, thành phố; tổ chức kiểm định chất lượng các cầu để có phương án khai thác phù hợp; đồng thời lắp đặt ngay biển báo quy định tải trọng và hướng dẫn chi tiết, dễ hiểu để đáp ứng việc đi lại của người dân và phương tiện.

 

Đặc biệt, tại những nơi có nhiều đồng bào dân tộc, phải có hướng dẫn bằng tiếng dân tộc. Vị trí đặt biển phải đảm bảo tầm nhìn phù hợp để người dân dễ nhận biết. Bên cạnh đó, rà soát lại thiết kế các dự án cầu treo đang được chuẩn bị đầu tư xây dựng để phù hợp với điều kiện khai thác và đảm bảo an toàn tuyệt đối. Theo đó, một số địa phương trong tỉnh Lào Cai cũng đã quan tâm và thực hiện tốt công tác duy trì kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên công trình cầu treo. Cụ thể, trách nhiệm quản lý, duy tu bảo dưỡng được phân công cụ thể cho các phòng chuyên môn, UBND các xã, thôn, bản và các hộ dân.

 

Tuy nhiên, qua kiểm tra vẫn còn một số cầu đã xuống cấp, nguy hiểm mà chưa được sửa chữa. Mặt khác, đến thời điểm này, đa số cầu chưa được lắp hệ thống biển báo an toàn; một số cầu bị hỏng, xói lở chân mố, chưa được sửa chữa kịp thời; vẫn còn xảy ra hiện tượng tháo trộm các chi tiết cầu như: Hệ thống bu lông, thép liên kết, thanh lan can, cáp chống lắc ngang; đường đầu cầu bị xâm chiếm; một số hố neo, cáp chủ vẫn bị đất đá vùi lấp ảnh hưởng đến tuổi thọ công trình.

 

Lý giải cho thực trạng trên, đại diện các cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai như: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông Vận tải… đều chung quan điểm cho rằng nguyên nhân của các tồn tại trên là do một số cầu được xây dựng đã lâu. Điều kiện địa hình miền núi chia cắt, bị ảnh hưởng thường xuyên của mưa lũ; nguồn kinh phí cho duy tu sửa chữa có hạn, chỉ được sửa chữa khi có hư hỏng. Một số địa phương chỉ tập trung vào sửa chữa các cầu hư hỏng nặng mà chưa tập trung duy tu bảo dưỡng tất cả các cầu. Ngoài ra, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ, duy tu công trình ở một số địa phương còn hạn chế, một số công trình được làm bằng vật liệu gỗ tận dụng tại địa phương nên thường xuyên bị mối mọt... gây hỏng.

 

Ở Lào Cai, cầu treo gắn liền với đời sống của đồng bào bản địa. Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn giao thông, tránh xảy ra sự cố đáng tiếc như vụ sập cầu treo Chu Va 6 ở Lai Châu vừa qua, tỉnh Lào Cai cần hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật cho các địa phương để sớm khắc phục, sửa chữa những hư hỏng của hệ thống cầu treo, đảm bảo an toàn giao thông trong mùa mưa lũ sắp đến.

 

Nguyễn Thắng

“Điểm mặt” cầu treo nguy hiểm
“Điểm mặt” cầu treo nguy hiểm

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lạng Sơn, trên địa bàn tỉnh có 9 cầu treo, nằm rải rác ở các huyện Hữu Lũng, Chi Lăng, Đình Lập, Tràng Định và Bình Gia, trong đó có 3 cầu trong tình trạng rất nguy hiểm là cầu treo Na Đâu, ở thị trấn Hữu Lũng, huyện Hữu Lũng;

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN