Trong năm 2011, BV. Tâm thần TP.HCM nhập viện cấp cứu 113 bệnh nhân và 560 bệnh nhân đến khám điều trị ngoại trú vì các triệu chứng hoang tưởng ảo giác và rối loạn hành vi liên quan đến sử dụng ma túy, trong đó có “hàng đá”. Vậy “hàng đá” là gì? Dưới đây là ý kiến của PGS.TS. NGUYỄN HỮU ĐỨC.
“Hàng đá” là gì, xuất xứ từ đâu?
“Hàng đá” hay còn gọi ma túy “đá” thực chất là một dẫn chất khác của amphetamin gọi là methamphetamin (trước đây còn xuất hiện với tên biệt dược là Methedrine nên còn được viết tắt là Met). Nên lưu ý amphetamin và các dẫn chất amphetamin (có MDMA tức thuốc lắc, có Met tức “hàng đá” và nhiều chất khác) được xếp loại là ma túy gây kích thích hệ thần kinh trung ương.
Dân chơi ở xứ ta gọi “hàng đá” hay ma túy “đá” vì tiếng lóng dân chơi Anh Mỹ gọi là ICE (nước đá). Đặc biệt, thay vì được uống như thuốc lắc là dạng thuốc viên nén, “hàng đá” có dạng tinh thể kết tinh thành dạng phiến to trong suốt, trông như miếng nước đá, được đốt lên để hút hoặc, sẽ cho tác dụng “phê” nhanh và kéo dài hơn rất nhiều so với các dẫn chất amphetamin khác.
Hàng đá được sử dụng nhiều vì việc tổng hợp sản xuất độc chất này khá dễ dàng (methamphetamin có thể tổng hợp hóa học dễ dàng từ tiền chất là ephedrin, pseudoephedrin, phenylpropanolamin là các dược chất có sẵn trong các thuốc trị cảm-sổ mũi). Là một dẫn chất amphetamin, cho nên tác dụng và tác hại của hàng đá cũng tương tự như thuốc lắc.
“Hàng đá” là hợp chất độc hại chứ không an toàn như nhiều người tưởng |
Chơi “hàng đá” có gây nghiện như heroin, ma túy không?
Người ta dùng dùng thuốc lắc thì uống (dân chơi gọi là cắn) còn dùng “hàng đá” không uống mà đốt lên hút (dân chơi gọi là ục) nhằm để nhảy nhót, lắc như điên cuồng thâu đêm suốt sáng.
Điều đáng nói là không chỉ những người sử dụng mà ngay cả một số bạn trẻ đang còn đi học cũng mơ hồ về tác dụng thật sự của thuốc lắc và “hàng đá”. Nhiều người vẫn cho rằng đây là thuốc không gây nghiện như các loại ma túy khác và tác dụng kích thích của nó chỉ thoáng qua cho cuộc vui và tác hại thì không đáng ngại. Thực chất đây là thuốc gây nghiện thuộc loại nguy hiểm. Dùng chúng chẳng chóng thì chầy sẽ đi dùng heroin và ma túy khác.
Ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe?
Về mặt hóa học, thuốc lắc là chất được tìm từ đầu thế kỷ 20, với cấu trúc là 3 - 4 - methylendioxymethamphetamin (viết tắt MDMA). Còn “hàng đá” là một dẫn chất khác của amphetamin gọi là methamphetamin bị lạm dụng sau thuốc lắc. Và tác hại của chúng là cũng giống nhau.
Thuốc lắc và “hàng đá” không được dùng như thuốc trong lĩnh vực điều trị mà lại được dùng như loại “thuốc cấm” mang khoái cảm, ảo giác đến cho người nghiện. Rất gần đây, sự lạm dụng thuốc lắc và “hàng đá” ngày càng tăng vì có quan niệm sai lầm cho rằng mặc dù có thuốc cấm nhưng so với ma túy và các chất gây nghiện khác, thuốc lắc an toàn!
Theo nghiên cứu từ năm 1986 đến năm 1990 tại một trường đại học Mỹ, sự lạm dụng một vài ma túy trong giới sinh viên có giảm, nhưng một vài loại khác thì tăng, trong đó thuốc lắc và “hàng đá” bị lạm dụng đã tăng từ 16% lên 24%.
Ở Úc, trong các buổi dạ vũ của giới trẻ ở bờ biển, thuốc lắc đã được dùng thoải mái. Ở Indonesia, chỉ trong vài tháng đã có ít nhất 500.000 viên thuốc lắc lưu hành bất hợp pháp, có ít nhất 6 người chết vì dùng thuốc này, và báo chí hằng ngày đều đưa tin về việc sử dụng thuốc lắc ở nước được xem là quốc gia Hồi giáo đông nhất trong thời gian mấy năm nay.
Trái với lời đồn đãi trong giới nghiện cho rằng thuốc lắc và “hàng đá” an toàn, các cuộc thử nghiệm khoa học cho thấy đây là hợp chất hoàn toàn độc hại. Về mặt tác dụng dược lý, khi thử trên súc vật, thuốc lắc và “hàng đá” cho thấy có tác dụng hỗn hợp của sự kích thích hệ thần kinh trung ương và gây ảo giác bằng cách ảnh hưởng đến các chất sinh học trung gian của não là serotonin và dopamin, đặc biệt đối với serotonin.
Do tác động đến chức năng “sinh serotonin” của não mà thuốc lắc và “hàng đá” gây nên hội chứng gọi là “hội chứng serotonin” (serotonin syndrome) gây thay đổi cách cư xử, thái độ, thuốc lắc và “hàng đá” còn gây tăng thân nhiệt (người nóng lên như bị sốt). Thử trên chuột cống đực, sự sử dụng lặp đi lặp lại thuốc lắc làm thay đổi hành vi tình dục, có kéo dài thời gian trước khi xuất tinh.
Nhưng quan trọng hơn hết là nó gây độc tính đối với não. Nó làm giảm trữ lượng serotonin ở nhiều vùng trên não, phá hủy đầu tận cùng dây thần kinh sinh ra serotonin (serotonergic nerve terminals). Trong vòng 2 - 3 năm gần đây, nhiều báo cáo cho biết thuốc lắc gây ngộ độc cấp và làm tử vong nhiều người sử dụng nó có lẽ do gây độc tính đối với não như vừa kể.
Chính tác dụng gây tăng thân nhiệt cũng góp phần làm tử vong người lạm dụng thuốc lắc và “hàng đá”. Đặc biệt, người ta ghi nhận chính sự sử dụng thuốc lắc trong các buổi dạ vũ tập thể (được gọi là “raves”), với âm thanh đinh tai nhức óc, nhiệt độ do đám đông chen chúc, sự mất nước do nhảy múa cuồng loạn gây đổ mồ hôi, cộng với sự tăng thân nhiệt do tác dụng thuốc lắc làm cho các đồ đệ của chất gây nghiện này dễ gục xuống cận kề với thần chết. Còn phải kể thêm việc sử dụng thuốc lắc lâu dài không đưa đến cái chết tức khắc hay từ từ cũng dẫn đến các bệnh tâm thần, từ lo sợ vô cớ, trầm cảm đến loạn thần kinh thật sự.
Thuốc lắc và “hàng đá” là các chất gây nghiện thật sự, tuy không gây nghiện mạnh mẽ như như heroin nhưng cũng làm cho người nghiện nó khốn đốn và làm băng hoại xã hội. Dùng thuốc lắc và “hàng đá” lâu ngày sẽ dần đi đến dùng ma túy mạnh hơn là heroin, dùng đường uống, hút rồi sẽ đi đến dùng đường tiêm chích để “phê” nhanh, mạnh hơn. Và khi dùng độc chất ma túy bằng con đường tiêm chích sẽ không chóng thì chầy đi vào cửa “tử” vì bị nhiễm HIV/AIDS. Nói cứ thoải mái sa vào “lắc” do cắn (dùng thuốc lắc) hay ục (dùng “hàng đá”) đều đưa vào cửa tử là do vậy.
Theo suckhoedoisong.vn