Hàng bình ổn kết nối sản xuất và tiêu dùng

Chương trình bình ổn thị trường 2013 tập trung vào việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu, hỗ trợ dự trữ hàng hóa bình ổn, hạn chế hành vi găm hàng, khuyến khích xã hội hóa chương trình và xây dựng mô hình kết nối từ doanh nghiệp sản xuất đến người tiêu dùng...

 

Bảo đảm nguồn cung, chống găm hàng


Tại Hội nghị sơ kết chương trình bình ổn thị trường năm 2012 và phương hướng triển khai năm 2013 tổ chức ngày hôm qua (29/5) tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Hoa đánh giá, chương trình bình ổn thị trường (gọi tắt là chương trình) có sức lan tỏa sâu rộng, đến được với người dân. Từ chỗ rải rác ở một số địa phương lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thực hiện, tới năm 2012 đã có 45/63 địa phương triển khai chương trình, tăng 9 địa phương so với năm 2011 với sự tham gia của hơn 300 doanh nghiệp. Mặt hàng bình ổn cũng được mở rộng từ các mặt hàng lương thực, thực phẩm trong các dịp Tết Nguyên đán mở rộng ra bình ổn đối với các mặt hàng khác như giấy, vở học sinh, dược phẩm, sữa...


 

Một cửa hàng bán gạo bình ổn giá của Công ty lương thực TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN

 

Chương trình đã phát huy vai trò định hướng, tạo mặt bằng giá tương đối ổn định trên địa bàn các đô thị lớn. Hàng hóa của các doanh nghiệp tham gia chương trình đã trở thành đối trọng kiềm chế sự tăng giá bất hợp lý ngoài thị trường. Ví dụ, trong tháng 1/2013, tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, mặt hàng trứng gia cầm của Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam và Công ty Emivest liên tục tăng giá, gây bất ổn thị trường. Trước tình hình đó, Bộ Công Thương cùng các địa phương chỉ đạo các doanh nghiệp tham gia chương trình tăng lượng hàng vào hệ thống phân phối; chỉ đạo các siêu thị, hệ thống phân phối không nhận phân phối trứng gia cầm của các doanh nghiệp đã tăng giá bán bất hợp lý. Kết quả, các công ty CP và Emivest đã giảm giá, thị trường trứng gia cầm đã nhanh chóng ổn định trở lại.


Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, chương trình còn một số hạn chế như các địa phương dự trữ hàng còn ít so với nhu cầu thị trường; các điểm bán chưa đồng đều, còn tập trung tại các thành phố lớn, chưa đến được các vùng sâu, vùng xa; chưa hỗ trợ nhiều cho các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa trong lĩnh vực nông nghiệp...

 

Kết nối sản xuất - tiêu dùng


Tổng kinh phí hỗ trợ chương trình năm 2012 và Tết Nguyên đán Qúy Tỵ 2013 tại 45 địa phương là 1.706 tỷ đồng, với mức hỗ trợ lãi suất từ 0 - 0,3%/ tháng. Thời gian thực hiện từ 3 - 12 tháng tùy từng địa phương. Riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn được tiến hành cả năm.

Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Việt Nam kỹ nghệ súc sản Vissan - một đơn vị doanh nghiệp tham gia chương trình cho biết, tham gia chương trình doanh nghiệp sẽ “được” rất nhiều. Cái lợi này không thể tính được bởi nó mang tính thương hiệu. “Chúng tôi giữ được giá thì người ta đến mua hàng nhiều. Số lượng sản phẩm tăng lên. Như vậy, giá thấp nhưng bán được nhiều sản phẩm thì chúng tôi tiếp tục duy trì sản xuất. Đồng thời, các doanh nghiệp tham gia chương trình đã có sự đoàn kết tạo tiềm lực chung để phát triển kinh tế”, ông Mười cho biết.


Theo ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), tham gia chương trình, doanh nghiệp có cơ hội quảng bá hình ảnh và tăng sức cạnh tranh cho thương hiệu của mình. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh mạng lưới bán hàng bình ổn theo hướng mở rộng ra các địa bàn nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất, đưa hàng bình ổn vào các chợ truyền thống giúp người dân tiếp cận được hàng Việt đảm bảo chất lượng”.


Còn theo bà Hạnh Thu, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, hiện nay các doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh đã thực hiện tương đối tốt việc liên kết với các vùng ven để tạo nguồn cung cho doanh nghiệp. Thời gian tới, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh liên kết chuỗi cung ứng nhà sản xuất - phân phối - người tiêu dùng; doanh nghiệp địa bàn và các tỉnh lân cận để giúp cung ứng bền vững các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, nhằm tạo nguồn hàng ổn định cho thị trường với giá hợp lý, kiểm soát được chất lượng.


Dự kiến trong năm 2013, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức khoảng 400 chuyến bán hàng lưu động đến các xã, liên xã, huyện miền núi, vùng xa, khu chế xuất...; đồng thời tổ chức 38 phiên chợ hàng Việt tại các huyện ngoại thành; tăng cường kiểm soát thị trường, phòng ngừa đầu cơ... Cùng đó, TP Hồ Chí Minh tổ chức kết nối giữa doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi. Tổng nguồn vốn các tổ chức tín dụng cho doanh nghiệp vay cho chương trình trong năm 2013 là 1.960 tỷ đồng. Đồng thời thành phố cũng hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá hình ảnh, thương hiệu, kết nối đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối...

 

Thu Trang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN