Hãng tin Interfax ngày 17/7 cho biết Tổng Công tố Hà Lan Wim de Brun đang cân nhắc 2 kịch bản dẫn tới vụ máy bay MH17 của Hãng hàng không Malaysia Airlines rơi ngày 17/7/2014 gần Donetsk, làm 298 người thiệt mạng. Xác máy bay MH17 tại Shaktarsk, miền đông Ukraine ngày 18/7/2014. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Theo đó, máy bay trên bị bắn hạ bằng tên lửa đất đối không hoặc bằng tên lửa không đối không. Theo ông De Brun, kết quả điều tra sơ bộ có thể được công bố vào cuối năm 2015 và kết quả điều tra cuối cùng chỉ có thể được công bố vào năm 2016.
Hiện Hà Lan đứng đầu nhóm điều tra quốc tế về thảm kịch hàng không trên, bao gồm cả các chuyên gia của Nga, Malaysia, Mỹ, Anh và Australia. Ukraine và Mỹ cho rằng chiếc Boeing xấu số bị dân quân li khai Donbass bắn hạ bằng tên lửa phòng không Buk-M1. Tuy nhiên, ngay sau thảm họa, Bộ Quốc phòng Nga cho biết vào ngày xảy ra tai nạn, các phương tiện của Nga đã xác định một máy bay cường kích Ukraine hoạt động không xa chiếc Boeing.
Một năm sau thảm họa, Công ty Almaz-Antey - nhà sản xuất các hệ thống tên lửa Buk - đã công bố báo cáo cho rằng MH-17 bị bắn hạ bằng tên lửa 9M38M1 phóng đi từ hệ thống Buk-M1.