GS. Đào Trọng Thi: Phải đào tạo lại giáo viên

GS - TSKH Đào Trọng Thi (ảnh), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh - thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Đổi mới căn bản và toàn diện chương trình học cần thực hiện đồng bộ ba yếu tố: Chương trình biên soạn, đội ngũ giáo viên và hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị. Bên cạnh đó, công tác đào tạo giáo viên sư phạm phải đi trước đón đầu.

 

 

Giáo viên phải đáp ứng được chương trình mới

 

Để tiến tới lộ trình đổi mới sách giáo khoa sau năm 2015, chúng ta cần những sự chuẩn bị gì, thưa GS?


Theo dự kiến, đến năm 2015, chúng ta sẽ bắt đầu đổi mới sách giáo khoa phổ thông. Để tạo tiền đề tốt cho quy trình này, phải chuẩn bị các điều kiện cần và đủ như: Xây dựng chương trình học mới, tiến hành xây dựng các chuẩn mực đánh giá chất lượng dạy và học, tiến hành biên soạn, thử nghiệm, sau đó mới ban hành chính thức và sử dụng đại trà.


Thay sách giáo khoa phải được thực hiện từ lớp đầu cấp, "cuốn chiếu" theo từng cấp. Một khung chương trình mới không thể thiếu những chuẩn mực để đánh giá kết quả học tập. Phương pháp luận về chuyện đánh giá không có gì thay đổi, nhưng cách thức đánh giá sẽ phải khác đi để đảm bảo giáo dục có thể dễ dàng tiệm cận với mục tiêu cuối cùng của mình.

 

Xin GS cho biết những yếu tố căn bản để đổi mới sách giáo khoa thành công?

Để việc đổi mới sách giáo khoa thành công, phải đảm bảo 3 yếu tố: Biên soạn sách, chuẩn bị đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, trang thiết bị. Cả 3 yếu tố này phải được thực hiện đồng thời, bám sát thực tế, điều kiện cụ thể của nền giáo dục để tiến hành.


Chương trình biên soạn SGK phải phù hợp với khả năng thực tế của đội ngũ giáo viên, phù hợp năng lực thực tế, khả năng tiếp thu trung bình của học sinh. Nếu khối lượng kiến thức quá cao, nhiều sẽ khiến học sinh quá tải. Nếu chương trình học quá tiên tiến, trong khi năng lực của đội ngũ giáo viên có hạn, thì lại càng gay go. Bên cạnh đó, chương trình biên soạn mới còn phải phù hợp với đặc thù giáo dục ở các vùng miền trên cả nước. Giáo dục miền núi, biên giới, hải đảo có đặc thù khác với giáo dục thành phố, đồng bằng. Mỗi nơi có một bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, thế mạnh, cũng như điểm hạn chế riêng. Chương trình biên soạn mới không thể cứng nhắc. "Phần cứng" là phần kiến thức bắt buộc dành cho 100% học sinh nhưng "phần mềm" thì cần thực sự linh hoạt và phù hợp với từng nhóm đối tượng học sinh. Phần mềm sẽ phải phù hợp với bản sắc vùng miền, văn hóa dân tộc, phong tục tập quán, bổ sung những cái thiếu và phát huy những giá trị cốt lõi.


Cũng cần chuẩn bị đội ngũ giáo viên để thực hiện chương trình đổi mới. Đây là việc làm hết sức quan trọng và có ý nghĩa. Nếu chương trình học có đổi mới căn bản và toàn diện được hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc giáo viên có đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới.


Cơ sở vật chất, trang thiết bị phải đảm bảo phục vụ tốt cho thực hiện chương trình đó. Cách tốt nhất để nâng cao chất lượng giáo dục là cung cấp cho nó một năng lượng vật chất phù hợp và lớn hơn những cái hiện có.


Phải thay đổi phương thức dạy, học

 

GS nghĩ gì về “độ chênh” giữa chương trình mới và hệ thống giáo viên hiện có của ta?

Thay đổi chương trình học đồng nghĩa với việc phải thay đổi phương pháp, cách thức dạy và học. Với chương trình mới, giáo viên không thể mang phương pháp cũ, cách thức cũ để dạy học sinh. Chương trình mới xây dựng rất cao thậm chí còn tiên tiến, giáo viên không thực hiện được thì cái học sinh tiếp nhận là con số không. Do đó, đào tạo lại giáo viên là tất yếu.


Chương trình đào tạo bồi dưỡng giáo viên sư phạm hiện nay phải phù hợp với sự đổi mới của chương trình ở các trường phổ thông. Trường sư phạm nên đào tạo các môn học tích hợp chứ không phân hóa. Thay vì dạy các môn chuyên biệt như Toán, Lý, Hóa, Văn, Sử, Địa... thì dạy tích hợp môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội - nhân văn. Giáo viên được đào tạo ra phải là người có phông nền kiến thức rộng, tích hợp, nắm vững tất cả các kiến thức, kỹ năng.

 

Theo GS, làm thế nào để giảm tải áp lực thi cử cho học sinh?

Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH - CĐ được xem là hai kỳ thi tạo ra áp lực tâm lý lớn nhất cho học sinh và được dư luận đặc biệt quan tâm. Rắc rối lớn nhất là hai kỳ thi này quá gần nhau, quá căng thẳng, quá mệt mỏi, tiêu tốn quá nhiều tiền của xã hội. Mục đích của chúng ta là giảm căng thẳng, giảm tốn kém chứ không phải bỏ kỳ thi này chọn kỳ thi kia để tìm giải pháp an toàn. Biến kỳ thi tốt nghiệp ở quy mô quốc gia thành quy mô tỉnh bằng cách giao cho các Sở GD - ĐT tự tổ chức thi, trong tương lai giao cho nhà trường tổ chức thi. Còn kỳ thi ĐH giao cho các trường ĐH tự chủ. Các trường tự tổ chức thi để tuyển chọn theo yêu cầu và đặc thù của trường mình. Nhiều trường không làm được thì có thể liên kết với nhau trên cơ sở tự nguyện để tiến hành... Như vậy sẽ không còn kỳ thi quốc gia nào cả, áp lực thi cử sẽ giảm nhiệt.


Trân trọng cảm ơn GS!

Thu Hòe (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN