Giúp đồng bào trồng rau, bỏ tục hái lượm

Anh Thào A Sì ở thôn Mà Mù Sử, xã Sảng Ma Sáo kể: Trước đây đồng bào Mông ở Sảng Ma Sáo không biết tự trồng rau. Nay nhờ có cán bộ khuyến nông hướng dẫn, mọi người đã biết rồng rau ăn, dân bản ai cũng vui lắm. Nhiều hộ gia đình nay còn thừa rau để bán lấy tiền mua sách vở và một số thứ cần thiết trong gia đình. Vụ đông xuân 2010 -2011 vừa qua, Sảng Ma Sáo có gần 200 hộ trồng rau vụ 3, bỏ hẳn tục hái lượm và thả rông gia súc, đời sống vật chất khá hơn trước.

Sảng Ma Sáo là xã vùng cao, thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Bát Xát. Xã có trên 200 nóc nhà, chủ yếu là đồng bào Mông, Dao. Tuy đất tốt và rộng, nhưng một phần vì tập quán thả rông gia súc, một phần vì tục hái lượm đã thành thói quen, nên đồng bào ở đây chưa biết tự trồng rau để tạo nguồn thực phẩm hàng ngày, mà chủ yếu dựa vào săn bắn hái lượm rau rừng là chính. Muốn có một cây bắp cải, su hào để ăn đồng bào phải đi bộ hàng ngày trời xuống tận chợ Mường Hum mua.

Năm 2009, Trung tâm khuyến nông tỉnh, Sở Tư pháp (đơn vị đỡ đầu xã 135) đã cử cán bộ nằm vùng cùng bà con xây dựng mô hình điểm trồng rau xanh. Bước đầu là những vườn rau mang dinh dưỡng được trồng xung quanh ủy ban và trạm xá xã. Sau thấy đất ruộng có thể trồng được cả rau su hào, bắp cải, bà con cũng học cách làm theo. Trồng rau xanh có mấy giai đoạn quan trọng, như khâu làm đất, chăm sóc bón phân tưới nước và các thu hái bảo quản. Những kỹ thuật tuy không phức tạp, nhưng để hướng dẫn bà con làm quen rất cần có sự "cầm tay chỉ việc" của cán bộ khuyến nông.

Bà con dân tộc Mông trồng rau.


Bước đầu nhóm cán bộ gồm các thanh niên tình nguyện của Sở Tư pháp và cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông đã chọn 70 hộ gia đình làm mẫu hướng dẫn đồng bào từ khâu làm đất, ủ phân tưới cây và phòng trừ sâu bệnh. Để giải quyết khâu giống, Sở Tư pháp và Trung tâm khuyến nông tỉnh vận động cán bộ quyên góp tiền mua hạt giống vụ đầu để giúp đỡ đồng bào vượt qua khó khăn. Khâu khó nhất là tuyên truyền các hộ không thả rông gia súc, bởi đây là tập quán đã ăn sâu vào tiềm thức bao đời này của đồng bào vùng cao. Qua 2 năm 2009 - 2010, mô hình trồng rau đã thuyết phục người dân Sảng Ma Sáo. Các hộ trong xã đã biết thiết kế vườn rau, kỹ thuật tự gieo ươm, trồng và chăm sóc phòng trừ sâu bệnh cho rau.

Từ chỗ thiếu rau ăn, nay đồng bào đã có rau xanh xuất ra thị trường xã bạn. Anh Lý A Hoa, Chủ tịch xã cho biết: “Cán bộ khuyến nông trước kia đã đưa giống ngô, lúa mới lên làm tăng sản lượng lương thực cho các hộ dân, lần này lại đem cây rau lên giúp đồng bào vùng cao thoát nghèo, đồng bào phấn khởi lắm. Xã sẽ chỉ đạo trồng rau quanh năm trên các vùng đất thiếu nước trồng lúa để tăng thu nhập cho dân".

Theo ông Nguyễn Đức Ca, Phó Chủ tịch UBND huyện Bát Xát, mô hình vườn rau ở Sảng Ma Sáo không chỉ giúp đồng bào vùng cao giải quyết vấn đề dinh dưỡng mà còn có ý nghĩa rất lớn trong việc thay đổi dần tập quán sản xuất cũ, giúp nông dân biết chủ động nguồn rau xanh tại chỗ, nâng cao chất lượng cuộc sống hàng ngày. Trồng rau còn kéo theo việc vệ sinh bản làng, tận dụng được nguồn phân chuồng bón rau.

Mô hình trồng rau vườn hộ gia đình tại Sảng Ma Sáo tuy hạch toán về giá trị kinh tế không lớn so với cây trồng khác nhưng có ý nghĩa rất lớn về mặt xã hội, môi trường góp phần xóa đói giảm nghèo. Anh Tào A Dơ, Lý A Tùng, chị Vù Thị Xé trước đây đều là những người chuyên lên rừng hái lượm, nay đã trở thành những hộ trồng rau giỏi trong thôn. "Nhờ cán bộ hướng dẫn trồng rau, đời sống dân bản đã đỡ cơ cực, sức khỏe được nâng lên, bản làng vệ sinh sạch sẽ" - anh Tào A Dơ khẳng định.

Bài và ảnh: Hương Thu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN