Giới học giả Đức phê phán gay gắt hành động của Trung Quốc ở Biển Đông

Tối 9/12, hội thảo khoa học “Xung đột ở Biển Đông“ đã diễn ra tại trụ sở báo “Die Tageszeitung“ (TAZ) ở thủ đô Berlin (Đức). Hội thảo được tiến hành dưới sự chủ trì của Tiến sỹ Gerhard Will - nguyên chuyên viên cao cấp Viện Khoa học và Chính trị Đức, đã thu hút sự tham gia của khoảng 40 học giả, nhà nghiên cứu, hoạt động xã hội và sinh viên của Đức cùng một số kiều bào người Việt đang sinh sống và làm việc tại Đức.

Các học giả tham dự hội thảo. Ảnh: Nguyên Đức.


Theo phóng viên TTXVN tại Đức, là người đầu tiên trình bày tham luận, Tiến sỹ Gerhard Will đã điểm lại khái quát những vấn đề lịch sử và các diễn biến gần đây ở Biển Đông, nguy cơ gia tăng căng thẳng khi Trung Quốc tiến hành xây dựng trái phép các đảo và tăng cường hoạt động quân sự ở Biển Đông và dự báo một số khả năng và khuyến nghị chính sách cho các bên. Theo Tiến sỹ Will, khu vực Biển Đông - tuyến hàng hải quốc tế nhộn nhịp hàng đầu thế giới, có tầm quan trọng đặc biệt đối với thương mại toàn cầu. Do vậy, cộng đồng quốc tế, trong đó có Đức, có lợi ích sống còn trong việc duy trì môi trường hoà bình, bảo đảm thông thương hàng hải, hàng không đối với các tuyến đường qua Biển Đông. 


Tiến sĩ Will cho rằng những diễn biến gần đây như việc Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động xây dựng đảo trái phép ở Hoàng Sa, Trường Sa cùng với trước đó là hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đã làm tình hình khu vực gia tăng căng thẳng trở lại. Chuyên gia này cho rằng hành động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như củng cố, mở rộng một số đảo như đảo Chữ Thập, đảo Gạc Ma là trái với luật pháp quốc tế, vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sự phá vỡ nguyên trạng các đảo này sẽ tác động tiêu cực tới an ninh, ổn định ở khu vực và thế giới. 


Toàn cảnh hội thảo.


Liên quan việc Trung Quốc thời gian gần đây tăng cường mạnh tiềm lực quốc phòng, đặc biệt với hải quân, Tiến sỹ Will cho rằng điều này có nguy cơ dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang giữa các nước trong khu vực cả ở Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Theo ông, đây là một diễn biến nguy hiểm, có thể dẫn tới mất ổn định và an ninh của khu vực cũng như không có lợi cho tất cả các bên liên quan. Chuyên gia người Đức này cho rằng việc giải quyết tình hình Biển Đông cần phải thông qua thương lượng, đàm phán trên cơ sở luật pháp quốc tế. 

Cụ thể, các bên cần xây dựng lòng tin dựa trên cả hai trụ cột là hợp tác về kinh tế và đối thoại về chính trị, luôn duy trì cơ chế đối thoại ở cả cấp độ song phương lẫn đa phương. Ngoài ra, các bên cần trao đổi thẳng thắn về yêu sách chủ quyền của mình ở khu vực Biển Đông, thậm chí nên khoanh vùng những khu vực xung đột để đàm phán giải quyết từng vụ việc, trên cơ sở các nguyên tắc hợp tác chính trị chung. 


Tham gia trình bày tham luận tại Hội thảo, Tiến sỹ Andreas Seifert - chuyên gia phân tích quân sự thuộc Hội nghiên cứu quân sự Tuebingen của Đức, đã đi sâu đánh giá về yêu sách đường 9 chín đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông và cách thức tuyên truyền của Trung Quốc đối với hoạt động xây dựng đảo trái phép ở Biển Đông. Tác giả cho rằng yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc là phi lý xét cả về mặt pháp lý và địa lý, cố tình tạo sự mập mờ cho cả dư luận nước này và dư luận quốc tế. Theo ông, yêu sách của Trung Quốc xuất phát từ một lý do quan trọng là lượng dự trữ dồi dào về dầu mỏ, khí đốt và tài nguyên biển ở Biển Đông, cũng như vị trí địa chính trị chiến lược của Biển Đông nằm trên tuyến huyết mạch của hàng hải quốc tế. Theo ông Seifer , các quốc gia láng giếng cũng cần hết sức cảnh giác với ý đồ về đường 9 chín đoạn và chiến thuật xây dựng, củng cố các đảo ở Hoàng Sa, Trường Sa của Trung Quốc. 


Bài phát biểu của Giáo sư, Tiến sỹ chính trị học Howard Loewen thuộc Viện nghiên cứu hoà bình Hamburg, ngoài đánh giá về những kinh nghiệm rút ra từ vụ Philippines kiện Trung Quốc ra Toà án quốc tế về Luật biển, cũng phân tích về vai trò của cơ chế an ninh khu vực đối với việc bảo đảm hoà bình ở Biển Đông. Tác giả nhận định kết cấu an ninh khu vực Đông Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng hiện thiếu ổn định mặc dù có hợp tác ở cả hai cấp độ song phương và đa phương. Ông cho rằng để bảo đảm ổn định tình hình Biển Đông cần có sự cân bằng quyền lực ở khu vực, trong đó các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga và Australia phải có tiếng nói mạnh mẽ hơn phản đối các yêu sách của Trung Quốc và tăng cường những ảnh hưởng cần có ở khu vực này. Tuy nhiên, một sự cân bằng quyền lực ở Đông Nam Á chỉ có giá trị khi nó gắn với một cấu trúc an ninh khu vực được định hình rõ ràng hơn. 


Trong phần thảo luận, liên quan câu hỏi của một số người tham dự đề nghị cho biết đánh giá về triển vọng giải pháp cho vấn đề Biển Đông, Tiến sỹ Seifert và Giáo sư Loewen có chung nhận định rằng tranh chấp ở Biển Đông chỉ có thể giải quyết thông qua các biện pháp hoà bình, tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 và cộng đồng quốc tế cần tiếp tục có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong giải quyết tranh chấp ở khu vực này. Theo Tiến sỹ Will, điều quan trọng hiện nay là các nước trong khu vực, nhất là Trung Quốc, không được phá vỡ nguyên trạng các đảo ở Biển Đông và không nên chủ trương chạy đua vũ trang mà thay vào đó là chuyển những khoản chi này cho đầu tư hợp tác và phát triển kinh tế.


Cuộc Hội thảo khoa học về Biển Đông diễn ra tại Berlin đã giúp các nhà nghiên cứu, giới học giả quan tâm tới vấn đề Biển Đông có được cái nhìn đa chiều và rõ ràng hơn liên quan tới những căng thẳng gần đây trong khu vực, đặc biệt là âm mưu từng bước độc chiếm toàn bộ khu vực Biển Đông của Trung Quốc. Báo “Die Tageszeitung“, đơn vị bảo trợ tổ chức hội thảo, là một trong những tờ báo lớn tại Đức và là nơi thường xuyên diễn ra các cuộc thảo luận, hội thảo về các vấn đề thời sự quốc tế.


Nguyên Đức

Việt Nam hoan nghênh Hạ viện Mỹ thông qua nghị quyết về Biển Đông
Việt Nam hoan nghênh Hạ viện Mỹ thông qua nghị quyết về Biển Đông

Việt Nam hoan nghênh việc Hạ viện Hoa Kỳ lần đầu tiên thông qua một nghị quyết ủng hộ những nỗ lực giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, và việc xây dựng một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN