Yên sẽ giảm đến mức nào?
Bất chấp những quan ngại về khả năng đồng yên đã giảm giá quá mức so với các
đồng tiền chủ chốt khác, các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản vẫn cho rằng sự
giảm giá của đồng yên trong thời gian qua là hợp lý. Trả lời phỏng vấn tờ Wall
Street Journal hôm 17/1, Bộ trưởng Kinh tế và Chính sách Tài khóa Akira Amari
cho rằng “thị trường tiền tệ vẫn đang trong quá điều chỉnh” từ sự tăng giá quá
mức của đồng yên.
Ban Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tham gia hội nghị chính sách ngày 22/1 tại thủ đô Tokyo. Ảnh: AFP/TTXVN |
Một ngày sau đó, ông Koichi Hamada, cố vấn đặc biệt về kinh tế của Thủ tướng
Abe, cũng khẳng định nền kinh tế nước này sẽ không phải hứng chịu thiệt hại do
giá hàng hóa nhập khẩu tăng ngay cả khi tỷ giá giữa yên và đồng bạc xanh của Mỹ
tăng lên mức 100 yên/USD. Phát biểu tại Câu lạc bộ Báo chí Nước ngoài của Nhật
Bản (FCCJ) ở Tokyo, vị Giáo sư danh dự của Trường Đại học Yale này cho rằng tỷ
giá 100 yên/USD là “ranh giới rất tốt”.
Các phát biểu trên của Bộ trưởng Amari và Giáo sư Hamada, những người có ảnh
hưởng lớn tới chính sách tiền tệ của “đất nước Mặt trời mọc”, đã phát đi tín
hiệu cho thấy tỷ giá hiện nay giữa yên/USD vẫn có thể có lợi cho nền kinh tế
phụ thuộc vào xuất khẩu của Nhật Bản.
Mặc dù vậy, Giáo sư Hamada, người đã từng dạy môn kinh tế học cho Thống đốc BOJ
Shirakawa tại Trường Đại học Tokyo, cũng thừa nhận rằng nếu đồng USD tăng giá
lên mức 1 USD đổi được 110 yên, “khi đó, chúng ta cần phải lo lắng”. Điều này
cho thấy bản thân các nhà hoạch định chính sách của Nhật Bản cũng đã đặt ra
giới hạn đỏ cho sự giảm giá của đồng yên.
Bình luận về tỷ giá hối đoái của đồng yên, Chủ tịch Hiệp hội các chủ ngân hàng
Nhật Bản Yasuhiro Sato, người hiện đang giữ chức Chủ tịch Tập đoàn Tài chính
Mizuho, nói: “(Mức tỷ giá hối đoái của đồng yên) tốt nhất đối với nền kinh tế
Nhật Bản có thể gần 90 yên/USD”.
Nếu tỷ giá giữa hai đồng tiền này vượt quá mức 100 yên/USD sẽ “có hại cho nền
kinh tế Nhật Bản”, ông Saito nhấn mạnh.
Theo kết quả nghiên cứu được Viện Nghiên cứu Nhật Bản (JRI) công bố ngày 9/1,
nếu tỷ giá hối đoái vẫn đứng ở mức 90 yên/USD trong vòng 12 tháng tới thì phần
thu nhập tương đương 0,6% GDP của Nhật Bản sẽ chảy ra bên ngoài do các nhân tố
như giá nhiên liệu nhập khẩu tăng (do nhiều lò phản ứng hạt nhân ở Nhật Bản vẫn
đang ngừng hoạt động). Chuyên gia Hidehiko Fujii, một cố vấn cho JRI, cho rằng
“với cơ cấu thương mại hiện nay, việc đồng yên giảm giá có thể tạo ra áp lực
suy giảm tăng trưởng đối với nền kinh tế Nhật Bản”.
Vì vậy, có thể thấy, việc Tokyo đặt ra giới hạn đỏ cho sự giảm giá của đồng yên
là cần thiết, nhất là khi có dấu hiệu cho thấy việc đồng yên giảm giá quá mức
có thể sẽ đẩy Nhật Bản vào một cuộc chiến tiền tệ với các nước khác, trong đó
Mỹ.
Và nguy cơ xảy ra cuộc chiến tiền tệ
Trong bối cảnh có nhiều dấu hiệu cho thấy đồng yên có thể sẽ tiếp tục giảm so với
USD do chính sách nới lỏng tiền tệ của Nhật Bản, nguy cơ về một cuộc chiến tiền
tệ giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới đang lớn dần. Nguy cơ đó đã xuất hiện
vào tuần trước khi một nhóm đại diện cho ba hãng chế tạo ô tô hàng đầu của Mỹ
gồm Ford, General Motors và Chrysler đã kêu gọi Tổng thống Barack Obama cảnh
báo với Chính phủ mới ở Nhật Bản rằng Mỹ sẽ trả đũa các chính sách của Tokyo
nhằm làm yếu đồng yên.
Không chỉ Mỹ mà Nga và Đức đều đã bày tỏ quan ngại về chính sách tiền tệ nới lỏng
của Nhật Bản. Tuần trước, Phó Chủ tịch thứ nhất của Ngân hàng trung ương Nga
Alexei Ulyukayev đã cảnh báo chính sách tiền tệ của Nhật Bản có thể châm ngòi
cho cuộc chiến tiền tệ, trong khi Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble
cũng bày tỏ quan ngại rằng việc nới lỏng chính sách tiền tệ của Nhật Bản có thể
dẫn tới sự dư thừa thanh khoản quá mức trên các thị trường tài chính toàn cầu
và đẩy giá hàng hóa tăng. Riêng Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)
Christine Lagarde cũng phản đối sự phá giá tiền tệ để tăng khả năng cạnh tranh
nhưng tránh đưa ra bình luận trực tiếp nhằm vào Nhật Bản.
Theo giới phân tích, những quan ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tiền tệ
như vậy có thể sẽ trở thành một nội dung quan trọng trong chương trình nghị sự
của Hội nghị các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của Nhóm
20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) ở Nga vào trung tuần tháng tới.