Giải pháp nào để ổn định cuộc sống đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên? Bài cuối: Cần có những chính sách ưu tiên cho đồng bào dân tộc thiểu số

Để Tây Nguyên phát triển bền vững, hạn chế tình trạng dân di cư tự do (DCTD) vào các tỉnh Tây Nguyên, thiết nghĩ các tỉnh miền núi phía Bắc chăm lo giải quyết những khó khăn về sản xuất và đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để họ yên tâm định cư, không tiếp tục di cư vào các tỉnh Tây Nguyên. Mặt khác, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên cần làm tốt công tác ổn định đời sống cho đồng bào, quản lý dân DCTD chặt chẽ để giữ vững tình hình an ninh chính trị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trong toàn vùng.


 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Giàng Seo Phử thăm và nói chuyện với đồng bào dân tộc Tây Nguyên.


Ông Nguyễn Xuân Đức, Vụ trưởng, Vụ địa phương II (Ủy ban Dân tộc) cho rằng: Sự hỗ trợ của Trung ương cùng với những nỗ lực của các địa phương, đã giúp việc thực hiện dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân DCTD trên địa bàn các tỉnh trong khu vực thời gian qua đạt được kết quả bước đầu. Thực hiện lồng ghép các chương trình, chính sách, dự án trên địa bàn đạt hiệu quả. Một số vùng dự án, điểm định canh định cư đã có bước phát triển về sản xuất, đời sống của người dân được nâng lên, góp phần ổn định an ninh chính trị trên địa bàn. Tuy nhiên, việc bố trí, sắp xếp ổn định dân DCTD còn đạt tỷ lệ thấp, số hộ dân thụ hưởng chính sách chưa được nhiều. Các chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc DCTD nói riêng có những hạn chế nhất định, nhiều hộ dân chưa được ổn định về hộ khẩu, thụ hưởng chính sách chưa được nhiều, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư của nhà nước còn hạn chế dẫn đến việc hưởng lợi chính sách của dân DCTD ít hơn so với đồng bào dân tộc tại chỗ.

Trước thực tế trên, thiết nghĩ các địa phương cần quan tâm và chú trọng đến việc triển khai, thực hiện kịp thời các chương trình, chính sách đầu tư trong vùng đồng bào dân tộc, đảm bảo tính công bằng, hiệu quả, thiết thực đối với đời sống đồng bào. Theo dõi, thống kê đầy đủ, kịp thời diễn biến về đồng bào dân tộc phía Bắc DCTD tại Tây Nguyên, xây dựng và triển khai các dự án sắp xếp, ổn định dân DCTD, đưa hết số dân sống trong rừng về khu dự án. Ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện các dự án theo tiến độ đã được phê duyệt. Giải quyết tốt những vướng mắc về thủ tục trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho các dự án sắp xếp, ổn định dân DCTD. Phối hợp giải quyết dứt điểm việc đăng ký hộ khẩu để tạo điều kiện cho việc quản lý, ổn định sản xuất và đời sống cho các hộ đã đến cư trú tại địa bàn. Chú trọng công tác phát triển đảng viên, cán bộ là người đồng bào DTTS; quan tâm đến chế độ chính sách người có uy tín trong cộng đồng để họ làm tốt được vai trò là cầu nối giúp chính quyền trong việc vận động đồng bào chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Ông Đinh Văn Khiết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk mong muốn Ủy ban Dân tộc có ý kiến với Thủ tướng Chính phủ đầu tư nguồn lực đủ mạnh để xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, ổn định và nâng cao đời sống cho nhân dân các tỉnh miền núi phía Bắc để hạn chế dần dần đi đến chấm dứt hiện tượng dân DCTD, phải tăng thêm mức đầu tư đối với các tỉnh có dân DCTD đến. Chính phủ cần tiếp tục đầu tư thực hiện CT 135 (giai đoạn 2011-2015) với mức đầu tư nhiều hơn nhằm xây dựng những công trình hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hộ nghèo và cận nghèo ở các xã nghèo mới ra khỏi CT135 (giai đoạn 2) nhưng chưa vững chắc, tránh để những trường hợp này “tái đặc biệt khó khăn”.

Để Tây Nguyên phát triển thì nguồn nhân lực sẽ là ưu tiên hàng đầu. Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Giàng Seo Phử cho rằng: Các địa phương cần tiếp tục thực hiện các chính sách đã ban hành, xây dựng kế hoạch đào tạo gắn với tuyển dụng, chú trọng tạo nguồn cán bộ từ chính sách cử tuyển, số học sinh, sinh viên DTTS của tỉnh đang học tại các trường đại học, cao đẳng và đào tạo sau đại học. Ưu tiên bồi dưỡng, đào tạo cán bộ DTTS, cử tuyển học sinh DTTS về các lĩnh vực chuyên môn quản lý nhà nước. Nâng cao chất lượng đào tạo, giảng dạy tại trường dạy nghề thanh niên dân tộc tỉnh, các trường phổ thông dân tộc nội trú; chú trọng bồi dưỡng kiến thức, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho lao động là người DTTS. Rà soát cơ cấu, luân chuyển cán bộ DTTS ở các cơ quan Đảng, đoàn thể, cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, kinh tế phù hợp với năng lực, chuyên môn, sở trường của từng cán bộ. Các sở, ban, ngành và các cấp ủy, chính quyền địa phương phải xây dựng qui hoạch, kế hoạch dài hạn và hàng năm để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người DTTS về trình độ học vấn, lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ. Hiện nay, Ủy ban Dân tộc đang tham mưu với Chính phủ thành lập Học viện Dân tộc giai đoạn 2011-2015 để đào tạo nguồn nhân lực và đội ngũ cán bộ cho vùng dân tộc và miền núi.

Bài và ảnh: Viết Tôn – Hữu Hoạt

Giải pháp nào để ổn định cuộc sống đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên? Bài 2: Hệ lụy của việc dân di cư tự do
Giải pháp nào để ổn định cuộc sống đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên? Bài 2: Hệ lụy của việc dân di cư tự do

Khách quan đánh giá, dân di cư tự do (DCTD) từ các tỉnh phía Bắc đến các tỉnh Tây Nguyên đã góp phần bổ sung lực lượng lao động, khai thác triệt để quỹ đất hoang hóa, phổ biến phương pháp và kỹ thuật sản xuất tiến bộ cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) bản địa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN