Gia Lai nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc

Hệ thống mạng lưới y tế cơ sở ở địa bàn tỉnh Gia Lai đang dần được củng cố và hoàn thiện, từng bước đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.


Tại tỉnh Gia Lai, bình quân hàng năm có hơn 1 triệu lượt người khám chữa bệnh, trong đó khoảng 100.000 lượt người điều trị nội trú. Các bệnh viện đều triển khai các kỹ thuật lâm sàng, cận lâm sàng mới và góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Công tác phòng chống các bệnh xã hội như bệnh phong, bệnh lao, bướu cổ, HIV... đã được triển khai hiệu quả, góp phần giảm tỷ lệ người mắc bệnh qua từng năm. Đặc biệt, bệnh sốt rét đã được khống chế có hiệu quả và hạn chế đến mức thấp nhất số người mắc bệnh sốt rét ác tính và tử vong.


Tỉnh cũng huy động nhiều nguồn vốn tập trung đầu tư xây dựng và nâng cấp các cơ sở y tế, nhất là về các loại trang thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân. Tại Bệnh viện đa khoa khu vực Ayunpa, Bệnh viện đa khoa ở các huyện Ia Pa, K'Bang, Konchoro, Đức Cơ, Krôngpa và Chư Sê được đầu tư 42 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị. Riêng Dự án PCSR do Quỹ toàn cầu tài trợ kinh phí mỗi năm 6 tỷ đồng thực hiện tại 13 huyện trọng điểm với mục tiêu giảm tỷ lệ mắc và chết do sốt rét gây ra.


Công tác đào tạo cán bộ, nhất là đào tạo bác sĩ cho tuyến cơ sở luôn được tỉnh quan tâm, nên đã không ngừng được nâng cao cả về số lượng và chất lượng của đội ngũ thầy thuốc trên địa bàn. Bằng nhiều hình thức, hàng năm tỉnh đều cử tuyển cho các đối tượng là học sinh người dân tộc thiểu số theo học tại các trường đại học y trong cả nước, đồng thời thu hút bác sĩ từ các nơi về công tác, nhất là các sinh viên mới tốt nghiệp ra trường... Đồng thời, tỉnh đã liên kết với các trường đại học Y dược Huế, đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh mở các lớp đào tạo chuyên khoa cấp I chuyên ngành y tế cộng đồng. Từ chỗ trong toàn tỉnh có khoảng 2.200 cán bộ y tế với 325 bác sĩ vào năm 2000, đến nay đã có gần 4.000 cán bộ y tế với 560 bác sĩ (trong đó có hơn 1/2 có trình độ sau đại học), 150 dược sĩ đại học và trung học; hơn 2.000 nhân viên y tế thôn bản. Số trạm y tế xã có bác sĩ đạt 60%, nhiều nhất là ở các huyện Chưprông, Chưpăh, Ia Pa 100% số trạm y tế xã đã có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi.


Tuy nhiên, hệ thống y tế trên địa bàn vẫn còn chậm đổi mới, chưa thích ứng được với sự phát triển của nền kinh tế thị trường và sự thay đổi về cơ cấu bệnh tật đang ngày càng phức tạp. Điều kiện chăm sóc y tế cho người nghèo ở các vùng sâu xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế, nhất là thiếu các bác sĩ chuyên khoa về mắt, răng hàm mặt, tai mũi họng...


Trước thực trạng đó, tỉnh và các ngành chức năng đang tập trung thực hiện các giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của ngành y tế, đáp ứng tốt nhất trong việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Trước mắt, phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh đạt ít nhất có 8 bác sĩ/10.000 dân; 100% số trạm y tế xã đều có bác sĩ và nữ hộ sinh trung học, trong đó có trên 80% số xã đạt chuẩn quốc gia; 100% số thôn làng đều có nhân viên y tế thôn bản được đào tạo cơ bản.

 

Văn Thông

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN