Hình thức tín dụng này đã và đang gây ra nhiều hệ lụy xấu đến đời sống của người dân, tiềm ẩn cao nguy cơ bất ổn về an ninh, trật tự trên địa bàn. Để kiềm chế tình trạng này, huyện Ia Pa đã chỉ đạo các ngành liên quan đồng bộ vào cuộc triển khai các giải pháp để giúp người dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Theo số liệu thống kê từ Công an huyện Ia Pa, huyện hiện có khoảng hơn 2.250 hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn lãi suất cao dưới nhiều hình thức với số tiền lên tới hơn 33 tỷ đồng thông qua 52 đầu mối cho vay. Chỉ với thủ tục nhanh gọn, đơn giản ký vào sổ ghi nợ là người dân có thể vay số tiền từ 20 triệu đồng đến cả trăm triệu đồng với mức lãi cao từ 3 - 6%/ tháng.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Công an huyện Ia Pa, các hộ vay tiền và người cho vay không làm hợp đồng vay mượn, hầu hết giấy vay tiền không ghi tỉ lệ lãi suất thực tế, phần lãi suất chủ yếu được thoả thuận bằng miệng. Thêm vào đó, các hộ, cá nhân vay tiền, hàng hóa đều tự nguyện đến các chủ cho vay để đề nghị vay mượn và không hợp tác với cơ quan Công an nên không có căn cứ xử lý người cho vay.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch huyện Ia Pa cho biết, những năm qua trên địa bàn huyện có xảy ra tình trạng một số đối tượng cho người đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn lãi suất rất cao. Trước tình hình đó, địa phương đã chỉ đạo Công an huyện có hình thức răn đe đối với những đối tượng cho vay nặng lãi và nếu đủ cơ sở thì cương quyết xử lý theo qui định của pháp luật.
Ngoài ra, cùng với công tác tuyên truyền để người dân nắm rõ bản chất, thủ đoạn, âm mưu của các đối tượng cho vay, địa phương đã chỉ đạo phòng Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đứng chân trên địa bàn rà soát lại toàn bộ các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục cho vay để người dân tiếp cận được nguồn vốn phát triển kinh tế, qua đó, có tích lũy trả dần các vốn vay bên ngoài. Cùng với đó, tạo thuận lợi nhất để các hộ dân vay vốn phát triển sản xuất tiếp cận với nguồn vật tư phân bón, giống…từ các hợp tác xã, sau đó thu hồi vốn dần để cùng nhau phát triển.
Hầu hết các hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn lãi xuất cao từ các tư thương đều có hoàn cảnh khó khăn, thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Vì không có tiền để trang trải cuộc sống hàng ngày và đầu tư phát triển kinh tế nên họ đành chấp nhận vay nợ lãi suất cao. Ngay cả phân bón, giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật… cũng được mua nợ với cam kết trả vốn và lãi bằng những sản phẩm nông sản sau thu hoạch để rồi rất nhiều gia đình ngày càng lâm vào hoàn cảnh khó khăn.
Gia đình ông Siu Chbai ở xã Ia Kdăm vay 20 triệu đồng cách đây 10 năm trước với mức lãi suất 5%/tháng của một tư thương trong xã để mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Sau nhiều năm làm ăn không hiệu quả, tiền lãi cứ thế cộng dồn nên đến giờ gia đình ông vẫn chưa thể trả hết số tiền đã vay.
Đến năm 2014, ông đã tích cóp, trả hết được số tiền nợ tín dụng tư thương và vay tín dụng chính sách xã hội 30 triệu theo diện hộ nghèo vào năm 2016, lãi suất 0,55%/tháng. Nhờ có được nguồn vốn này, gia đình ông Siu Chbai đã không còn phải lo lắng về số tiền lãi phải trả hàng tháng quá cao mà vẫn có nguồn vốn để đầu tư kinh doanh sản xuất. Đến nay, ông đã phát triển được 4 con bò, cùng với đó là cải tạo đất sản xuất, kinh tế gia đình đã dần ổn định.
Ông Phạm Văn Nhận, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Ia Pa cho hay, đối với các hộ dân trước đây chưa tiếp cận được nguồn vốn vay phát triển nông nghiệp, ngân hàng đang tập trung hỗ trợ tháo gỡ và đầu tư. Kể cả những hộ dân đã lỡ vay bên ngoài, ngân hàng sẽ xem xét các dự án nếu cảm thấy đủ điều kiện thì vẫn can thiệp, để làm sao giảm tải tình trạng vay nặng lãi bên ngoài.