Việc siết chặt quản lý vàng đã khiến thị trường vàng trở nên ảm đạm và ế ẩm. Nhiều cửa hàng, doanh nghiệp vàng không thể trụ nổi đã chuyển đổi, hoặc kiêm kinh doanh thêm nhiều mặt hàng khác.
Thị trường vàng mất hấp dẫn
Vài ngày gần đây, thị trường vàng miếng “ấm” trở lại sau khi nghe thông tin từ nay đến cuối năm, giá vàng thế giới sẽ tăng mạnh. Cụ thể, ngày 11/8, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá mua vào - bán ra của vàng SJC là 42,28 - 42,37 triệu đồng/lượng (lần lượt tăng 160.000 đồng/lượng và 80.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều ngày hôm trước).
Tiệm vàng Mỹ Tuyền thu hẹp lại để cho thuê bán giày dép. |
Tương tự, giá vàng PNJ niêm yết là 42,2 - 42,3 triệu đồng/lượng (giá mua tăng 40.000 đồng, giá bán giảm 50.000 đồng/lượng)... Thế nhưng, theo ông Nguyễn Công Tường, Phó trưởng phòng kinh doanh Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), thị trường vàng chỉ khởi sắc lên một chút chứ không sôi động như trước khi có Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý kinh doanh vàng miếng. Chính vì vậy, số lượng vàng miếng mua vào, bán ra không đáng kể, trung bình khoảng 1.000 lượng/ngày.
Theo ông Nguyễn Công Tường, phần lớn người mua vàng là các nhà đầu tư nhỏ lẻ, mua vàng chuẩn bị cho mùa cưới cuối năm, hoặc một số cửa hàng vàng mua vào để làm nguyên liệu chế tác nữ trang, phòng cuối năm giá vàng tăng mạnh. Chưa kể, theo dự báo lãi suất tiền đồng sắp tới hạ xuống còn 8%, theo đó nhiều người đã tranh thủ mua vàng để cuối năm “lướt sóng”.
Ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Trung tâm giao dịch vàng Việt Nam (VGB), cho rằng mặc dù giá vàng đang trong xu thế tăng nhưng nhà đầu tư vẫn nên cân nhắc và cẩn thận khi mua vàng thời điểm này. Vì trong ngắn hạn, cuối tháng 8, trong tháng 9, nhiều khả năng giá vàng sẽ điều chỉnh giảm. Chưa kể, theo Nghị định 24 của Chính phủ, việc mua bán vàng không còn dễ dàng như trước. Do đó, nhà đầu tư phải cân nhắc kỹ thời điểm mua, bán, nếu không sẽ khó kiếm lời.
Thực tế, thị trường vàng chỉ tăng nhẹ giao dịch trong khoảng 1 tuần gần đây. Bởi trong suốt hơn 3 tháng qua, thị trường vàng luôn trong tình trạng ế ẩm. Ngay tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), đơn vị chiếm đến 90% thị phần vàng miếng cũng không còn nhộn nhịp, sức mua đã giảm khoảng 50% so với trước. Công ty lớn ế, các cửa hàng vàng nhỏ lẻ càng ế hơn. Chị Tuyền - Chủ cửa hàng vàng Mỹ Tuyền tại chợ Văn Thánh - quận Bình Thạnh, cho hay có tuần chỉ thưa thớt vài người đến mua sắm nữ trang chuẩn bị cho mùa cưới, hoặc mua nhẫn khoen để dành, chứ vàng miếng rất ít người đến giao dịch.
Bán vàng, bán cả... giày dép
Kinh doanh không đủ lời, nhiều doanh nghiệp, cửa hàng vàng nhỏ phải chuyển hướng đầu tư. Quanh một số điểm bán vàng tại các chợ Văn Thánh, Bà Chiểu, Phạm Văn Hai, Tân Bình..., rất nhiều tiệm vàng trong chợ đã phải đóng cửa, nghỉ bán, hoặc dời ra ngoài chợ. Cũng do kinh doanh vàng ế ẩm, một số tiệm vàng buộc phải thu hẹp, chia sẻ mặt bằng nhằm giảm gánh nặng tiền thuê nhà. Thậm chí, có tiệm vàng bán thêm cả giày dép để kiếm thêm thu nhập.
Anh Trường, chủ tiệm vàng Kim Trường tại chợ Văn Thánh, cho biết: “Từ khi kinh doanh thêm giày dép, việc kinh doanh khả quan hơn. Thu nhập từ vàng hiện nay chỉ vài trăm ngàn đồng một ngày, có ngày chẳng có đồng nào, nhưng thu nhập từ kinh doanh giày dép đến vài triệu đồng/ngày. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, tôi buộc phải thu hẹp bớt quầy vàng, lùi tủ vàng vào bên trong để tiện mở rộng gian hàng giày dép”.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, dù xu hướng tăng giá của vàng từ nay đến cuối năm là chắc chắn, song với nhà đầu tư trong nước, đầu tư vào vàng vẫn rất rủi ro, do giá vàng trong nước và thế giới chưa liên thông, chưa kể sàn vàng “chui” xuất hiện ngày càng nhiều. Trong khi đó, Nghị định 24/2012/NĐ - CP về quản lý kinh doanh vàng miếng trên thực tế không đáp ứng được những mục tiêu cơ bản, như giảm giá vàng trong nước và quốc tế, giảm nhập khẩu vàng, tăng huy động vàng trong dân để phát triển kinh tế. Trái lại, nghị định này có thể tạo ra rủi ro lớn cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khi giá vàng thế giới và trong nước biến động lớn. Để khắc phục tình trạng trên, NHNN cần xem xét hủy bỏ chính sách cấp quota nhập khẩu hiện hành, chuyển sang chế độ quota tự động với hạn mức quy định, đồng thời cho phép các ngân hàng thương mại huy động bằng vàng và kinh doanh vàng tài khoản để cân bằng thị trường và phòng ngừa rủi ro. Sau đó, NHNN có thể thực hiện hoán đổi vàng thành tiền và ngược lại với những điều kiện nhất định, tùy thuộc mục tiêu của chính sách tiền tệ. |
Tương tự, tiệm vàng Mỹ Tuyền cũng chấp nhận thu hẹp mặt bằng, cho người khác thuê lại một nửa để bán giày dép. Chị Tuyền, chủ tiệm vàng Mỹ Tuyền, cho hay: “Trước tình hình kinh doanh ế ẩm như hiện nay, nếu không linh hoạt phương án kinh doanh thì cầm chắc đóng cửa”. Cũng theo chị Tuyền, với quy mô tiệm vàng nhỏ, nên dù còn khoảng 5 tháng nữa để chuyển đổi kinh doanh, chị cũng không đủ khả năng vì chi phí thuê nhân công, mặt bằng, vốn quá cao. Trong khi đó, thị trường vàng lại không còn “dễ ăn” như trước. Vì thế, tiệm vàng còn cầm cự lúc nào hay lúc ấy, và chỉ tập trung bán các loại vàng nữ trang nhỏ tuổi, hoặc nữ trang bằng đá quý, ngọc trai...
Với Công ty SJC, mặc dù được chọn là thương hiệu vàng quốc gia nhưng công ty vẫn dọn đường sẵn cho việc chuyển hướng sang kinh doanh nữ trang, coi đây là khâu kinh doanh then chốt và “lối thoát” duy nhất cho công ty này sau “thời vàng son” của vàng miếng. Song song đó, SJC cũng đang tìm hướng xuất ngoại cho các sản phẩm của mình tại Thái Lan, Campuchia... và một số nước trong khu vực.
Bài và ảnh: Hải Yên