Đừng lơ là việc quản lý giáo dục con cái

Trong xã hội hiện đại ngày nay, nhiều gia đình do cha mẹ quá mải mê làm ăn nên đã không có nhiều thời gian dành cho việc chăm sóc, dạy dỗ con cái. Chính vì lẽ đó mà các em đã phải tự quản lý mình trong hầu hết giờ giấc sinh hoạt, học tập ngay từ khi còn nhỏ. Tính “tự lập” của trẻ được hình thành từ nhỏ cũng là một điều rất tốt để lớn lên các em sống, học tập, làm việc có tính kỷ luật và tự giác cao.

 

Tuy nhiên, không phải em nào cũng được như vậy, mà không ít em, do không có sự quản lý, kèm cặp và dạy bảo của cha mẹ, lại bị rất nhiều trò cám dỗ từ xã hội, bè bạn nên nhiều em đã nhanh chóng trở nên hư hỏng, nói dối, học hành sa sút… Đây là một thực trạng đáng buồn và đáng báo động đối với các bậc làm cha, mẹ, bởi trẻ em khi còn nhỏ, đang trong giai đoạn hình thành nhân cách, nếu không được dạy dỗ chu đáo thì lớn lên việc chúng hư là điều khó tránh khỏi. Chẳng nói đâu xa, như một gia đình ngay sát bên nhà tôi, do cả bố lẫn mẹ đều tối ngày lo toan công việc buôn bán ở ngoài chợ nên tất tật công việc ở nhà từ trông nhà cửa, cơm nước, bếp núc… đều giao phó cho hai đứa con mới chỉ vừa qua tuổi lên 10.

 

Bố mẹ chúng cứ rời khỏi giường là ra chợ và khi từ chợ về thì trời đã nhá nhem tối, nên hai đứa nhỏ phải tự đi chợ nấu cơm ăn, giặt giũ quần áo của mình và cả của bố mẹ. Đứa học sáng, đứa học chiều và mỗi khi rời nhà trường về là chúng lại tất bật làm việc. Vì không có sự quản lý của bố, mẹ nên vừa qua tuổi 13, 14 là hai đứa nhỏ đã dẫn đầy bạn bè về nhà rồi yêu đương nhăng nhít… Có hôm, cả hai đứa đi chơi một mạch không thèm ngó ngàng tới nhà cửa khiến bố, mẹ chúng về không thấy. Thay vì la mắng, răn đe, cả bố, mẹ của chúng vẫn thản nhiên không thèm đả động tới chuyện đó. Được đà, chúng cứ thả cửa chơi bời giao du với đám bạn xấu để rồi năm trước, khi vừa tròn 16 tuổi, thằng con trai của gia đình hàng xóm này đã mắc tội cướp giật. Còn đứa con gái 14 tuổi vẫn bỏ nhà đi theo đám bạn trai “qua đêm” nơi các quán Internet, các nhà nghỉ là chuyện như… cơm bữa!

 

Vâng, xã hội thời nay có quá nhiều gia đình “nát” tương tự như vậy mà nguyên nhân cũng chỉ vì các con thiếu sự quản lý giáo dục của cha mẹ. Ngay như một gia đình mà tôi biết ở khu phố cổ, thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cha mẹ họ cũng thật đáng trách khi bỏ mặc cho bà ôsin quản lý đứa con trai độc nhất để rảnh rang tính chuyện làm giàu. Thằng nhỏ đang tuổi ăn, tuổi lớn, lại được bố mẹ cho tiền thoải mái nên nó chỉ về nhà tắm giặt, ăn uống qua quýt còn khoảng thời gian trong ngày, tối nó “nướng” hết vào các trò chơi vô bổ nơi quán xá, vũ trường, nhà nghỉ… cùng đám bạn hư.

 

Nhiều hôm con đi cả đêm mà bố mẹ nó vẫn không hay biết vì bà ôsin thông báo là: “Nó đã đi ngủ từ tối” nên cha mẹ cậu không làm phiền vì sợ mất giấc ngủ của con. Sở dĩ người ôsin phải nói dối vậy vì bà sợ lời dọa nạt của cậu quý tử và nếu nói thật, không đồng lõa với nó thì bà cũng sẽ… mất việc! Sự vụ vỡ lở về một đứa con hư mà cha mẹ cậu quý tử biết được là một đêm cuối năm, khi công an thông báo đứa con của họ đã tham gia vào một vụ giết người, cướp của. Họ có thể bàng hoàng về đứa con, song suy cho cùng chính họ mới là những người phải chịu trách nhiệm về tội lỗi của con gây ra, vì suốt nhiều năm họ bỏ mặc con, không thèm nhòm ngó xem con mình ăn, học, ngủ, nghỉ ra sao. Họ chỉ biết quẳng cả cục tiền ra mà không cần đếm xỉa xem con sẽ tiêu dùng như thế nào với những đồng tiền ấy (?!).

 

Có quá nhiều đứa trẻ của xã hội đã và đang ngày một hư hỏng chỉ vì chúng thiếu sự quản lý, giáo dục thường xuyên từ cha mẹ. Đây là một vấn đề mà các bậc phụ huynh cần nhìn lại mình, bởi tương lai của các em phụ thuộc, ảnh hưởng rất nhiều từ cách giáo dục của gia đình.


Lê Kết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN