Tối 7/10, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã gặp gỡ, tiếp xúc với cán bộ nhân dân hai xã Phước Thái và Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận nhằm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con dân tộc thiểu số, đặc biệt là đồng bào dân tộc Chăm tại địa phương.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Bắc Việt dự buổi tiếp xúc.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân và đoàn công tác đến tặng quà gia đình ông Thông Điệu, người dân tộc Chăm, tại thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN |
Đồng bào dân tộc Chăm tại tỉnh Ninh Thuận có khoảng 16.720 hộ/77.868 khẩu, cư trú, tập trung tại 35 thôn (làng), khu phố của 13 xã, thị trấn, trong đó, đông nhất là huyện Ninh Phước, gồm 20 thôn, khu phố, với dân số 10.268 hộ/46.210 khẩu. Dân tộc Chăm chủ yếu theo hai đạo chính gồm: Bàlamôn và Hồi giáo (Bà ni và Islam). Đến nay, 100% các làng Chăm tại Ninh Thuận có trường mẫu giáo, trường tiểu học và Trung học cơ sở; 100% xã được công nhận xóa mù và phổ cập giáo dục tiểu học. Các huyện có đông đồng bào Chăm sinh sống đều có trường Trung học phổ thông, trong đó, huyện Ninh Phước có 3 trường Trung học phổ thông, 6 trường tiểu học, một trường Trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia.
Phước Thái là xã có địa bàn đa dạng, vừa đồng bằng, vừa trung du và miền núi, có 4 dân tộc đang sinh sống gồm: Kinh, Chăm, Raglai, Hoa, trong đó dân tộc Chăm chiếm 67% dân số. Đảng bộ xã có 15 chi bộ trực thuộc, với 140 đảng viên trong toàn đảng bộ, trong đó đảng viên là dân tộc Chăm là 114 đồng chí, chiếm 81,4%. Cùng nằm trên địa bàn huyện Ninh Phước, xã Phước Hữu nằm cách trung tâm huyện lỵ 1,5km, gồm 7 thôn, với tổng số dân 19.492 người. Trong 4 dân tộc đang sinh sống, đồng bào Chăm chiếm 58%. Nhân dân trong xã theo hai tôn giáo chính: Bàlamôn và Phật giáo.
Nhìn chung, đồng bào dân tộc Chăm có tinh thần hiếu học; đoàn kết, giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn, ốm đau, hoạn nạn; có nền văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, độc đáo, như: đền, tháp, nghệ thuật điêu khắc, ngôn ngữ, chữ viết, ca múa nhạc, thơ ca... Tình hình tư tưởng, tâm tư của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào Chăm nói riêng trên địa bàn huyện Ninh Phước luôn ổn định, đồng thuận, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền; tích cực tham gia thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Tại buổi tiếp xúc, người dân hai xã kiến nghị Đảng, Nhà nước có cơ chế đặc thù trong vùng đồng bào dân tộc Chăm; quan tâm hơn nữa tới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số, có cơ chế, chính sách ưu tiên cho các em người dân tộc thiểu số bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp; tạo điều kiện đối với con em đồng bào Chăm có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; tạo điều kiện xóa đói, giảm nghèo. Đồng thời, bà con mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm hỗ trợ nguồn vốn hoặc cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để các hợp tác xã nông nghiệp có điều kiện đầu tư, cung ứng các dịch vụ cho hộ thành viên...
Vui mừng được gặp gỡ, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của bà con hai xã, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định không có đồng bào dân tộc không có đất nước hôm nay. Dù là dân tộc nào cũng có trách nhiệm đối với sự phát triển của đất nước và trách nhiệm của Nhà nước là hỗ trợ, chăm sóc đồng bào các dân tộc.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao phong trào khuyến học, khuyến tài trong vùng đồng bào dân tộc Chăm ngày càng phát triển; 100% học sinh con em đồng bào Chăm ở các trường tiểu học vùng đồng bào dân tộc Chăm đều được học tiếng Chăm. Ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị tỉnh Ninh Thuận tiếp tục quan tâm đến chính sách bảo tồn, phát triển ngôn ngữ, chữ viết và các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của các dân tộc, trong đó có dân tộc Chăm.