Trò ném còn thu hút được đông đảo nam thanh nữ tú. Ngay từ trước hôm lễ hội, Ban tổ chức đã cho dựng cây còn và chuẩn bị rất nhiều quả còn. Quả còn có hình cầu to bằng nắm tay trẻ con, được khâu bằng nhiều múi vải màu bên trong nhồi hạt thóc, bông hoặc cát và có nhiều tua rua để định hướng khi bay. Sân ném còn là bãi đất rộng, ở giữa dựng cột còn làm bằng một cây vầu cao bên trên có gắn khung còn hình tròn. Khung còn một mặt dán giấy đỏ - biểu tượng cho mặt trời, mặt kia dán giấy vàng - biểu tượng cho mặt trăng. Người chơi đứng quay mặt vào nhau tung còn để tìm duyên.
Trò chơi tung còn tại Hội Xuân Ba Bể. |
Nếu như trò đi cà kheo đòi hỏi sự khéo léo của người chơi, thì trò bịt bắt dê, hay bịt mắt đánh trống lại cần đến sự cảm nhận nhạy bén của nhiều giác quan và cả sự chỉ dẫn của khán giả. Sau mỗi lần chơi, mỗi cuộc chơi dù có thắng hay không, những khán giả có mặt tại đó đều dành cho người chơi những tràng vỗ tay động viên. Không khí của lễ hội xuân vì thế mà vui tươi hơn, cởi mở và thắm tình hơn.
Là một lễ hội nông nghiệp lại gắn với vùng lòng hồ Ba Bể nên trò chơi chọi bò và đua thuyền độc mộc luôn giành được sự quan tâm đặc biệt của người dân và du khách. Những con bò hằng ngày vẫn cần mẫn trên đồng ruộng nay đem ra so tài cũng hăng hái không kém. Những tình huống gay cấn của các cuộc đua này đã đem lại giây phút hồi hộp, hấp dẫn cho người xem. Còn trên mặt hồ Ba Bể rộng lớn, từng đôi nam nữ cong mình khua chèo thật nhanh, thật khéo cố đưa thuyền về đích trước, trong tiếng reo hò, cổ vũ náo nhiệt của hàng ngàn du khách.
Thanh niên tham gia trò chơi đi guốc mộc. |
Trong khi trò đi guốc mộc đòi hỏi sự khéo léo, đồng thuận và đoàn kết mới có thể về đích, thì trò tung vòng cổ vịt lại đòi hỏi sự kiên nhẫn, khéo léo. Ai cũng mong tung trúng cổ con vịt để lấy may đầu năm, mong ước một năm no đủ, hạnh phúc. Bên góc hội xuân, mọi người reo hò cổ vũ cho từng đôi trai gái đi cầu kiều. Cây cầu được làm từ cây tre thẳng, 2 bên làm những chạc chống lên. Từng đôi trai gái dắt tay nhau đi trên thân cây tre trơn trượt, ai cũng mong đi được qua cây cầu tre để được may mắn.
Chị Hoàng Thị Pàng, dân tộc Mông, xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn chia sẻ: “Đến với Lễ hội xuân Ba Bể, được xem những trò chơi dân gian tôi như được sống lại khí xuân vui tươi, đậm đà bản sắc dân tộc của ngày nào. Điều này khiến tôi thêm yêu quê, yêu Tổ quốc mình hơn. Với không khí vui tươi rộn ràng của của xuân Bính Thân thì tôi cũng như mọi người mong muốn bà con mùa màng bội thu, ấm áp, hạnh phúc và chào đón một mùa xuân thật là vui tươi”.
Ông Nguyễn Văn Dong, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Bể, Trưởng ban Tổ chức Hội xuân Ba Bể cho biết: Trò chơi dân gian luôn được mọi người hưởng ứng nhiệt tình, những trò chơi dân gian không chỉ hâm nóng không khí của lễ hội, xua đi những mệt nhọc, lo toan sau một năm lao động vất vả, tạo sự hứng khởi cùng những nguyện ước tốt đẹp cho năm mới, mà còn hướng mọi người đến những giá trị truyền thống của dân tộc.