Đồng bào Chăm qua sông đến làm lễ cúng tại khu mộ tổ tiên. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN |
Tết Ramưwan thường được mở đầu với Lễ tảo mộ. Các họ tộc người Chăm Hồi giáo đều tập trung về các nghĩa trang người Chăm, thường được gọi là Động Trắng và Động Đỏ ở huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận để cùng tảo mộ, cúng bái tổ tiên; tiếp nối lễ tảo mộ là các nghi thức: lễ Và ha, lễ cúng bái tổ tiên tại nhà và tháng Ramadan chay niệm cầu nguyện tại chùa, tháp…
Tết Ramưwan là sản phẩm văn hóa tinh thần từ truyền thống tín ngưỡng cổ của cư dân người Chăm Hồi giáo. Đây là dịp để con cháu, những người còn sống nhớ đến tổ tiên, ông bà, các đấng sinh thành và cầu nguyện cho làng xóm được bình yên, nhà nhà sung túc, người người được an lành, hạnh phúc, mùa màng tươi tốt.
Vào dịp này, những người Chăm Hồi giáo xa quê đều dành thời gian để trở về cúng bái tổ tiên, quây quần cùng gia đình và người thân. Ngày nay, Tết của đồng bào Chăm Hồi giáo không chỉ gói gọn trong từng gia đình, họ tộc mà còn có sự tham gia của khách du lịch, các nhiếp ảnh gia và các nhà nghiên cứu.
Những ngày này, các làng, bản người Chăm trở nên rộn ràng; nhà cửa được người dân chỉnh trang, sạch sẽ. Nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao được tổ chức… tạo nên không khí đón Tết Ramưwan vui tươi, phấn khởi.
Nghi thức cúng tảo mộ trong ngày Tết Ramưwan. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN |
Để đồng bào đón Tết Ramưwan năm 2017, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố đảm bảo điều kiện tốt nhất để đồng bào đón Tết vui vẻ, tiết kiệm.
Các địa phương có đồng bào Chăm theo đạo Hồi giáo sinh sống tổ chức cho đồng bào đón Tết lành mạnh, tiết kiệm, phát huy vốn văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; đồng thời, động viên đồng bào vui đón Tết không quên nhiệm vụ phát triển sản xuất, ổn định đời sống về mọi mặt, góp phần cùng với đồng bào dân tộc trong tỉnh thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2017.
Bình Thuận là địa phương tập trung nhiều đồng bào Chăm sinh sống với hơn 41.000 người; trong đó, đồng bào Chăm theo Hồi giáo có hơn 15.000 người, phân bố ở 1 xã thuần và 6 thôn xen ghép.
Trong những năm qua Bình Thuận đã có nhiều chính sách quan tâm, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu. Các vị chức sắc tôn giáo luôn vận động đồng bào gắn kết nghĩa xóm tình làng, đùm bọc giúp nhau phát triển kinh tế.