Đồng bào các dân tộc vui Tết Độc lập

Ngoài Tết Nguyên đán chung của cả nước và tết riêng của dân tộc mình, ở nhiều địa phương từ lâu đồng bào đã có thói quen ăn Tết Độc lập 2/9. Ngày Quốc khánh của cả nước, vì thế trở thành một ngày vui và đầy ý nghĩa trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc.

Tết lớn thứ hai trong năm của đồng bào Thái


Với đồng bào Thái ở xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu (Yên Bái), ngày Tết Độc lập từ lâu đã trở thành một ngày lễ, ngày Tết quan trọng, một nét văn hóa độc đáo của đồng bào. Đồng bào Thái ở đây quan niệm: Tết Độc lập quan trọng trong năm chỉ sau Tết Nguyên đán.

Đội khèn Mông trong ngày Tết Độc lập ở Mộc Châu (Sơn La).


Mâm cơm truyền thống dâng cúng tổ tiên là một thủ tục không thể thiếu trong ngày Tết Độc lập của đồng bào Thái nơi đây. Cùng với các món ăn chính được chế biến từ các loại động vật như: gà, vịt, lợn... thì các loại bánh chưng dài và bánh rợm... cũng hết sức quan trọng, không những được chủ nhà dùng để cho con cháu, mà còn dùng để tiếp đãi và làm quà cho khách khi đến chơi nhà.


Ngày Tết Độc lập, trên mọi ngả đường của 5 thôn Hát 1 và Hát 2, Lừu 1, Lừu 2 và thôn Vũng Tầu nhà nào nhà nấy bảo nhau quét dọn, sửa sang ngay ngắn, sạch đẹp… Không khí Tết từ trong nhà ra ngoài ngõ, trên những con đường vào bản... Bà Lò Thị Dung, thôn Hát 2, xã Hát Lừu, cho biết: "Trước kia, bà con bản mình khó khăn lắm, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, nghèo đói quanh năm, phương tiện đi lại cũng không có, đường sá đi lại thì khó khăn, trong bản cũng không có điện. Bây giờ thì khác rồi, trong bản hầu như nhà nào cũng đi chợ bằng xe máy, nhà ai cũng có ti vi, điện thoại, trẻ em từ 2 tuổi trở lên cũng đã được đến trường. Có được ngày hôm nay là nhờ ơn Đảng, ơn Bác Hồ nhiều lắm. Từ ngày đất nước độc lập đến nay, năm nào bà con ở Hát Lừu cũng ăn Tết Độc lập"…

Tiết mục múa hoa đào.


Còn chị Lò Thị Lan, thôn Hát 2, xã Hát Lừu thì phấn khởi: "Ngày 2/9 là ngày Tết Độc lập của đất nước ta. Đồng bào Thái ở bản mình năm nào đến ngày này cũng tổ chức ăn mừng. Gia đình nào có nhiều thì ăn nhiều, có ít thì ăn ít. Đây còn là dịp để cho cả gia đình ngồi lại, ôn lại ý nghĩa cũng như ký ức hào hùng của dân tộc trong ngày Độc lập, nhà nào nhà nấy ai cũng háo hức lắm".


Từ khi thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới” đồng bào Thái Hát Lừu cũng ăn Tết Độc lập tiết kiệm, gọn nhẹ hơn. Trong ngày Tết mọi người khuyên nhau không được uống rượu say, đặc biệt là khi đi xe máy không được uống rượu; không được ăn uống linh đình, lãng phí và kéo dài 3, 4 ngày như trước. Ăn Tết Độc lập xong phải bắt tay ngay vào việc sản xuất, chăm sóc cây trồng, vật nuôi...


Ông Lò Văn Pầng, Phó Chủ tịch UBND xã Hát Lừu, cho biết: Ngày Tết Độc lập thực sự có ý nghĩa đối với đồng bào Thái ở Hát Lừu, đặc biệt là giúp cho thế hệ trẻ nhớ lại ngày Độc lập của dân tộc Việt Nam. Thời gian tới, chính quyền xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân trong việc tổ chức ngày lễ, Tết tại địa phương theo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư".


Rộn ràng điệu múa, lời ca ở Mộc Châu


Đã thành thông lệ, vào dịp Quốc khánh 2/ 9 hằng năm, từ ngày 30/8 đến hết ngày 2/9, đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La, trong đó phần lớn là bà con các dân tộc thiểu số, lại nô nức đổ về thị trấn Mộc Châu vui Tết Độc lập.

Âm thanh ngày hội trên cao nguyên Mộc Châu.


Năm nay, huyện Mộc Châu tổ chức chương trình văn hóa cộng đồng các dân tộc giới thiệu các tiết mục dân gian đặc sắc của các dân tộc cư trú trên cao nguyên Mộc Châu như dân tộc Mông, Dao, Thái, Mường, Kinh… với sự tham gia của du khách du lịch từ các tỉnh miền xuôi, khách du lịch nước ngoài. Các đội văn nghệ, mỗi đội có từ 30 đến 40 nghệ dân dân gian. Các diễn viên chân đất chọn ra những tiết mục dân gian đặc sắc nhất của dân tộc mình để tham gia biểu diễn trên đường phố Mộc Châu. Đội văn nghệ của dân tộc Mông ở xã Lóng Lông, Pa Khem III có tiết mục múa khèn Mông, điệu nhảy nam thanh nữ tú người Mông, điệu múa "Mùa hoa đào", "Người Mèo ơn Đảng". Bà con dân tộc Dao ở xã Phiêng Luông có tiết mục "Múa chuông truyền thống", hát dao duyên, lễ hội Cầu mùa, thu hút hàng trăm lượt du khách cùng múa. Bà con dân tộc Thái ở xã Mường Sang, Đông Sang có Lễ hội Hết Chá, múa sạp, múa xòe hoa, múa quạt, dân tộc Mường có hát giao duyên, điệu Đang, múa cồng chiêng vui nhộn, dân tộc Kinh có múa lân, hát dân ca quan họ và một số bài hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ.

Ngày Tết Độc lập đã góp phần bảo tồn, lưu truyền những nét đẹp văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái ở Hát Lừu và đây cũng là cách mà đồng bào Thái dạy cho con cháu mình nhớ về ngày trọng đại của cả nước, nhớ về đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam, nhớ về ngày mà tất cả các dân tộc cùng hướng về Tổ quốc Việt Nam thân yêu.


Trong ngày hội đón Tết Độc lập năm nay, huyện Mộc Châu tổ chức thi văn hóa ẩm thực của dân tộc; tổ chức nhằm trưng bày sản phẩm đan lát, dụng cụ sinh hoạt gia đình, văn nghệ, các bài cúng của dân tộc, giới thiệu sách cổ; cùng các hoạt động thể thao với nhiều trò chơi dân gian được diễn ra như ném còn vòng, đánh tu lu, (đánh cù quay của dân tộc Mông), thi giã bánh dày.


“Tiếng khèn cao nguyên” Đồng Văn


Tại Phố cổ Đồng Văn, huyện Đồng Văn (Hà Giang), Tết Độc lập lại gắn với Lễ hội khèn Mông huyện Đồng Văn lần thứ nhất - 2013. Đồng đảo du khách đã được thưởng thức chương trình nghệ thuật do hàng trăm nghệ nhân khèn Mông đến từ 19 xã, thị trấn huyện Đồng Văn và các em học sinh trường Dân tộc Nội trú huyện Đồng Văn, đã biểu diễn các màn diễn tái hiện lại lịch sử cây khèn Mông, lễ cúng xin khèn và chương trình nghệ thuật “Tiếng khèn cao nguyên”.


Du khách đến với Lễ hội khèn Mông vùng cao nguyên đá đã được sống trong những âm thanh thăng trầm dìu dặt, kết hợp với các làn điệu dân ca dân vũ trữ tình in đậm dấu ấn văn hóa cao nguyên; được thưởng thức các điệu múa khèn cổ; trực tiếp xem và tham gia các hội thi múa khèn, các trò chơi dân gian như đập bóng, đánh sảng, đẩy gậy, hát ống cùng nhiều trò chơi dân gian của bà con dân tộc thiểu số. Đặc biệt, trong chương trình Lễ hội khèn Mông - 2013, du khách còn được thưởng thức, chiêm ngưỡng các bức tranh vẽ về Cao nguyên đá Đồng Văn của họa sỹ Đỗ Đức (Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam; hội viên Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam). Đây là những tác phẩm có giá trị nghệ thuật và nhân văn cao, đã được triển lãm tại Hà Nội và gây được tiếng vang lớn… Chương trình do báo Thể thao Văn hóa - Thông tấn xã Việt Nam phối hợp với UBND huyện Đồng Văn đồng tổ chức.


Theo bà Lý Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, Trưởng ban Tổ chức lễ hội cho biết: Lễ hội được tổ chức nhằm từng bước sưu tầm, khai thác, bảo tồn và phát huy thể loại nghệ thuật nhạc cụ khèn Mông, qua đó gìn giữ, bảo tồn được nét đẹp nhân văn của cây khèn Mông; đồng thời, phát huy tác dụng tốt đẹp của khèn trong đời sống cộng đồng dân tộc Mông, góp phần thiết thực vào việc xây dựng nền văn hóa các dân tộc. UBND huyện Đồng Văn sẽ thường xuyên duy trì tổ chức Lễ hội khèn Mông vào dịp 2/9; coi đây là hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Đồng Văn nói chung và dân tộc Mông nói riêng hướng về ngày Tết độc lập của dân tộc.


TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN