Đông Á thúc đẩy niềm tin hướng tới tương lai

Trong bối cảnh thế giới đối mặt với kinh tế suy giảm và một loạt cuộc khủng hoảng địa-chính trị, khu vực Đông Á cần củng cố niềm tin vào sự thành công của quá trình tăng cường liên kết khu vực nhằm giảm tình trạng đơn cực hóa về chính trị và xã hội, đưa khu vực tới một tương lai tươi sáng hơn. Đó là chủ đề chính của Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á (WEF Đông Á) lần thứ 24 vừa diễn ra tại Jakarta, Indonesia.

Hơn 700 đại biểu đến từ hơn 40 quốc gia, trong đó có 180 CEO và Chủ tịch các tập đoàn kinh tế lớn, cùng 40 Bộ trưởng và đại diện tổ chức quốc tế đã hội tụ về Jakarta (Indonesia) đã tham dự WEF Đông Á 2015. Nhiệm vụ của họ là củng cố niềm tin trong khu vực đang nỗ lực để trở thành một khối kinh tế riêng nhưng lại gặp phải ngày càng nhiều căng thẳng địa - chính trị. Với chủ đề “Đặt niềm tin vào chủ nghĩa khu vực mới của Đông Á”, diễn đàn WEF Đông Á năm nay phần nào mang màu sắc chính trị, cho thấy các nhà hoạch định chính sách và giới chủ doanh nghiệp không chỉ lo lắng về kinh tế mà cả các vấn đề địa - chính trị, đặc biệt là sự sụt giảm niềm tin trong khu vực.

Một phiên thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á.
Ảnh: AFP - TTXVN


Bối cảnh toàn cầu mới

Khu vực Đông Á được đánh giá là chống chọi tốt với các vấn đề mà các nền kinh tế phát triển đang gặp phải ở châu Âu và Bắc Mỹ như tình trạng tăng trưởng kinh tế "lẹt đẹt" hay những con số thất nghiệp cao "ngất ngưởng". Tuy nhiên, căng thẳng chính trị, xã hội và kinh tế vẫn đang hàng ngày ảnh hưởng đến sự ổn định của Đông Á. Các tranh chấp lãnh thổ hiện là thách thức lớn ở khu vực. Trong khi đó, các chính phủ tuy có lạc quan nhưng cũng lo lắng về kế hoạch thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015. Thế giới cũng đang theo dõi xem chính phủ các nước như Indonesia, Philippines, Myanmar... giải quyết các vấn đề như tham nhũng và quản lý yếu như thế nào. Tất cả đều xoay quanh hai chữ "niềm tin".

Các chuyên gia nhận định việc các chính phủ và doanh nhân ở các thị trưởng đang nổi của Đông Á điều khiển quá trình khu vực hóa như thế nào trong 18-24 tháng tới sẽ quyết định việc khu vực này sẽ chuyển đổi sang "kỷ nguyên hậu USD giá rẻ" như thế nào.

Sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ và tình trạng bất ổn của nền kinh tế thế giới, trong đó có sự lên xuống của các đồng tiền và sụt giảm giá cả hàng hóa cơ bản, cũng như sự chuyển đổi trung tâm kinh tế toàn cầu sang châu Á đòi hỏi các nước trong khu vực phải thích nghi. Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhấn mạnh trước sự chuyển đổi toàn cầu này, nhiệm vụ của chúng ta (châu Á) là phải đổi mới nền kinh tế nước mình, đổi mới xã hội mình. Theo ông, các nền kinh tế châu Á cần thay đổi từ tiêu dùng sang sản xuất, từ tiêu dùng sang đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhưng quan trọng nhất là đầu tư vào nhân lực - nguồn lực quý giá nhất của thế kỷ 21. Những thay đổi này sẽ không diễn ra một cách dễ dàng, sẽ có người thắng - kẻ thua, nhưng sẽ không có tiến bộ nếu không thay đổi.

Tiếp lửa niềm tin

WEF Đông Á 2015 đặt mục tiêu thúc đẩy các sáng kiến đối tác công - tư lớn hơn và tăng niềm tin giữa các đối tác kinh tế trong khu vực Đông Á khi đối mặt với sự suy giảm kinh tế toàn cầu và một loạt cuộc khủng hoảng địa-chính trị. Các lãnh đạo khẳng định củng cố niềm tin sẽ là một nhân tố quyết định, giúp giảm tình trạng đơn cực hóa về chính trị và xã hội.

Trước dự báo khả năng tăng lãi suất ở Mỹ và nguy cơ các dòng vốn "chảy" ra ngoài, các lãnh đạo tham dự WEF Đông Á 2015 kêu gọi tiếp tục cải cách cơ cấu tại Đông Á nhằm “bơm” niềm tin vào các thị trường tài chính khu vực. Họ nhấn mạnh các nhà đầu tư nên tin tưởng vào chính sách kích thích kinh tế mà Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) vừa đưa ra, theo đó giảm mức dự trữ ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại trong nước nhằm tăng cường cho vay sản xuất kinh doanh bằng đồng nhân dân tệ, từ đó giảm thiểu tác động của nguy cơ USD tăng giá.

Các đại biểu tham dự diễn đàn cũng nhất trí rằng các chính phủ châu Á cần làm tốt hơn việc thông tin về mình tới các nhà đầu tư tiềm năng nhằm xây dựng uy tín và củng cố niềm tin vào các thị trường khu vực. Cần có nhiều phái đoàn thương mại và đầu tư do các lãnh đạo chính phủ dẫn đầu trực tiếp giải thích về hoạt động làm ăn tại nước mình thay vì phó mặc điều này cho báo giới hay các chuyên gia phân tích.

Việt Nam khẳng định vị thế

Qua nhiều năm phát triển quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và WEF, vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trong cộng đồng WEF.

Tại diễn đàn năm nay, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc các nước Đông Á tăng cường hợp tác, làm sâu sắc và sống động hơn kết nối giữa các nền kinh tế và các khu vực đi đôi với đẩy mạnh cải cách là cần thiết để xây dựng một nền kinh tế có khả năng thích ứng tốt hơn với bối cảnh toàn cầu mới.

Phó Thủ tướng cho rằng Đông Á đang đứng trước nhiều cơ hội lớn trong hợp tác và phát triển, nhưng sự ổn định và phát triển của khu vực cũng đang gặp nhiều thách thức do tác động của biến đổi khí hậu, cạnh tranh chiến lược, tranh chấp lãnh thổ, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không… Phó Thủ tướng nêu rõ mọi tranh chấp trên biển cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982; khẳng định Việt Nam luôn nỗ lực cùng các nước và các đối tác trên tinh thần hợp tác, chân thành, tin cậy lẫn nhau nhằm củng cố môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực.

Như ông Phlipp Rosler, thành viên Ban điều hành WEF, khẳng định không có niềm tin thì không có động lực. Không có động lực thì không có lãnh đạo. Và WEF Đông Á là nơi để tạo ra niềm tin và sự lãnh đạo để đưa khu vực đến một tương lai tươi sáng hơn.

Bạch Dương

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết thúc chuyến tham dự WEF Đông Á
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết thúc chuyến tham dự WEF Đông Á

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn đầu đoàn Việt Nam dự WEF Đông Á 2015 tại Jakarta, Indonesia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN