Số đặc biệt gồm 80 trang nội dung, tập hợp các bài viết hấp dẫn, phong phú, đặc sắc.
* Đó là cuộc trò chuyện đầu năm để cùng với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ về công việc của Đảng, của đất nước; việc thực hiện Nghị quyết TƯ 4 về xây dựng Đảng, một “công việc rất khó khăn, rất phức tạp. Khó nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ”. Tổng Bí thư mong mỏi: “Mỗi gia đình, mỗi người dân Việt Nam có một năm mới nhiều niềm vui, hạnh phúc và thành công. Từ niềm vui nhỏ sẽ nhân lên niềm vui lớn, từ thành công nhỏ sẽ làm nên thành công lớn của đất nước, dân tộc” (bài "Vững một niềm tin"). Hay những chia sẻ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về định hướng “Hội nhập để phát triển” với những nỗi niềm canh cánh của Chủ tịch cho sự ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, hòa bình, thịnh vượng cho đất nước; cũng như những phân tích, nhận định của Chủ tịch nước, giúp củng cố niềm tin vào đường lối, sách lược của Đảng và Nhà nước ta trong vấn đề Biển Đông, (bài "Hội nhập để phát triển").
* Trong thế đi lên của cả nước, những đầu tàu chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... giữ trọng trách lớn, đồng nghĩa với những thách thức lớn. Là thách thức, nhưng cũng là vinh dự lớn với những người lãnh đạo và nhân dân ở nơi đây. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị tâm sự về thử thách và cơ hội của Hà Nội; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải nhận định về việc làm thế nào để phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm dịch vụ thương mại quốc tế. Và Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến với những hướng đột phá chiến lược của thành phố (các bài "Thử thách và cơ hội", "Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm dịch vụ thương mại quốc tế" và "Đà Nẵng với năm hướng đột phá chiến lược").
* Năm 2012 là một năm đầy khó khăn của đất nước. Nền kinh tế bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém; kinh tế vĩ mô chưa ổn định vững chắc; lãi suất tín dụng vẫn còn cao; nợ xấu, hàng tồn kho lớn; thị trường bất động sản đóng băng… Vậy năm 2013 nền kinh tế Việt Nam sẽ ra sao? Liệu mỗi bộ, ngành sẽ có “cao kiến” gì cho bước phát triển tiếp theo của mình? Câu hỏi đó được nhiều bộ trưởng giải đáp qua các bài "Quyết tâm thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội năm 2013", "Nhìn lại việc 'trải thảm đỏ đón nhà đầu tư'", "Sẽ thận trọng nhưng linh hoạt để lưu thông dòng vốn".
* Những chính sách của Đảng và Nhà nước đầu tư cho vùng sâu, vùng xa, cho đồng bào các dân tộc thiểu số đã mang lại ánh sáng cho những nơi xa xôi ấy, được phản ánh đậm nét trong các bài "Ấm no nhờ chương trình 135", "Xuân này ở Tà Phời", "Nhộn nhịp bản người Dao trên dòng Đà Giang", "Kỳ vọng vào trí thức trẻ", "Khắc đi khắc đến", "Con đường của sự đổi mới”, “Đường trở về yên ấm"...
* Con người sinh ra phải có Tổ, có Tông, vậy nên niềm vui và sự tự hào của tất cả con dân Việt Nam trên toàn thế giới khi đón nhận thông tin “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, lại một lần nữa cùng tỏa sáng trong dịp Tết đến, Xuân về với "Bàn về công đức các Vua Hùng", "Đền Hùng ngôi đền cổ nhất Việt Nam", "Hẹn mùa xuân tới lên thăm Công viên Văn Lang".
* Mỗi nẻo đường đất nước đều tràn ngập không khí phát triển, tạo niềm tin vững chắc vào một năm mới Quý Tỵ. Tất cả đều được đề cập trong "Đà Nẵng với năm hướng đột phá chiến lược", "Kon Tum trăm năm sải cánh giữa đại ngàn", "Mùa xuân đến sớm trên khu công nghiệp Đồng Nai", "Lâm Đồng và điểm nhấn 2013", "Đảo ngọc Phú Quốc - Liên kết và phát triển".
* Hành trình để giữ vững nền độc lập dân tộc, bảo vệ sự nguyên vẹn của chủ quyền đất nước đã kéo dài cả vài ngàn năm, và năm 2013 này, khi chúng ta kỷ niệm 40 năm ngày Ký kết hiệp định Pari về Việt Nam, thì cũng là lúc ở nơi ấy Trường Sa, những người lính biển vẫn đang ngày đêm vững tay súng để bảo vệ nơi phên dậu của đất nước. Bạn đọc sẽ có được những cung bậc tình cảm đối với lịch sử, với đất nước và con người Việt Nam qua "Nhớ mãi kỷ niệm đẹp về Bộ trưởng Xuân Thủy", "Thăm ngôi nhà lịch sử ở Verrière- le-Buisson", "Trường Sa mùa xuân đến sớm".
* Dấu ấn Việt Nam cũng đang ngày càng rộng khắp trên toàn thế giới, cùng người Việt hướng về Tết dân tộc từ những đất nước láng giềng như Lào, Trung Quốc, tới những nơi xa xôi như Đức, Cuba “Hòn đảo tự do”, "Người Việt ở nước ngoài đón Tết"; nhung nhớ những làn điệu dân ca ngọt ngào của quê nhà, "Quan họ Bắc Ninh trên đất Đức", hay những câu chuyện hội tụ cả lòng yêu nước lẫn sự thận trọng, tính lãng mạn và cả khiếu hài hước rất đáng ngẫm, "Chuyện phiếm với Việt kiều Úc". Và quan trọng, muốn người Việt Nam có thể rạng rỡ ở bốn phương ấy, hơn bất cứ yếu tố nào, chất lượng giáo dục của Việt Nam phải được đặt lên hàng đầu, vì "Chất lượng đào tạo quyết định nguồn nhân lực".