Cuối tháng 5/2014, toàn miền Bắc nắng như đổ lửa. Vùng đất Lạc Sơn- Hòa Bình cũng nằm trong tọa độ nắng nóng ấy. Đường từ thị trấn huyện lỵ về xã Quý Hòa dài hơn hai chục cây số, nhiều đoạn, nhựa đường tan chảy nhớp nháp dính vào bánh lốp xe máy. Tuy nhiên, quang cảnh đồng ruộng, núi đồi thoáng đãng, mướt xanh, dòng suối trong uốn lượn qua ngầm Bui đã làm dịu đi cái oi bức, ngột ngạt đầu hè.
Bí thư Đảng ủy xã Quý Hòa (huyện Lạc Sơn) Bùi Huy Liệu và Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Bùi Thanh Dưn đều mang dáng vẻ chất phác, đôn hậu và quý khách của người Mường.
Ông Bùi Huy Liệu trưởng thành từ Chủ nhiệm Hợp tác xã thôn Doi Vẹ, làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân xã hai khóa, làm Chủ tịch xã một khóa, rồi được trên giao trọng trách Bí thư Đảng ủy xã Quý Hòa hơn mười năm nay. Có nhiều việc ông đã nói được, làm được, cống hiến cho sự thay đổi của quê hương, nhưng còn đó nhiều khó khăn và toan lo còn ở phía trước. Ông bảo: Đảng bộ mình có 218 đảng viên sinh hoạt ở hai mươi chi bộ, không còn thôn trắng đảng viên; 5 năm liền 2008- 2013 Đảng bộ Quý Hòa được Huyện ủy Lạc Sơn ghi nhận là đơn vị trong sạch vững mạnh tiêu biểu. Thành tích thì là thế, đáng trân trọng và tự hào. Thế nhưng, điều này lại chưa thuận theo lẽ thường tình, Đảng mạnh mà dân chưa giàu. Do xuất phát điểm quá thấp, còn lúng túng trong việc lựa chọn mô hình phát triển kinh tế nên xã Quý Hòa có gần một ngàn ba trăm hộ dân, nhưng hiện nay vẫn còn tới một nửa số hộ nghèo, số hộ cận nghèo cũng khá lớn.
“4 không” và “4 sạch”Đường lên Đồi Thung. Ảnh: Nhan Sinh |
Biết chúng tôi có ý định đi thâm nhập thực tế ở xóm Đồi Thung, Bí thư Liệu nói rất chân tình: “Đường lên đó khó đi lắm, từ trung tâm xã đến xóm Đồi Thung khoảng 8 cây số nhưng dốc núi cao, đất đá lổn nhổn, gặp trời mưa thì ô tô, xe máy loại nào cũng chịu, không bò đi được. Trên đó, nhiều người vẫn gọi là xóm bốn không: Không đường, không điện, không chợ, không trạm y tế. Thế nhưng, nếu các anh chịu khó trèo lên được Đồi Thung thì sẽ thích lắm đấy”. Dường như đọc được ánh mắt tò mò của tôi, anh Liệu bật mí “Đó là bốn sạch: Nước sạch, không khí sạch, rau sạch và con người sạch”.
Nghe nói vậy, tôi lại càng háo hức, đầu giờ làm việc buổi chiều tôi giục Cụm trưởng Cụm Văn hóa Mường Vang Bùi Thiên Văn khẩn trương lên đường. Anh Văn vốn là con rể của vùng đất Đồi Thung, tuy vợ con đã hạ sơn về xã Nhân Nghĩa, nhưng họ hàng còn ở trên này, nên năm nào anh cũng ngược dốc lên quê vợ. Rõ là tay lái lụa, Văn cài số một, nhấn ga, chiếc xe nhảy chồm trên mặt đường lâm nghiệp toàn đá hộc, đá cuội. Ngồi sau tay lái, tôi ôm chặt anh để khỏi văng xuống vực, nhiều đoạn dốc cao tôi phải nhảy xuống đẩy xe, mồ hôi nhễ nhại. Đi được một phần ba quãng đường, mệt quá tôi nằm xuống bãi cỏ thở hổn hển. Rồi thật may, có chiếc xe tải chở đá dăm đi ngang qua. Anh lái xe tốt bụng cho tôi ngồi nhờ cabin và cho hơn ba chục đứa trẻ đang đi bộ về nhà trèo lên thùng xe để ngược cổng trời. Gặp quãng lầy, trẻ già đều phải nhảy xuống suối nhặt đá chèn vào rãnh sâu. Sau hơn nửa tiếng đánh vật với cung đường hiểm trở, chúng tôi đã lên được đỉnh Đồi Thung. Lũ trẻ nhanh chân khoác cặp sách tỏa về các chòm xóm. Vì trên này mới chỉ có trường tiểu học, nên vào học cấp 2, gần sáu chục đứa trẻ ở Đồi Thung phải đi bộ xuống trọ học ở Trung tâm xã Quý Hòa. Hỏi chuyện các cháu mới biết: Cuối tuần chúng về nhà mang gạo, rau xuống nhà trọ nấu ăn; nhà khá giả cho 50 ngàn đồng, nhà nghèo cho 20 ngàn đồng để mua mắm, muối, cá khô cho cả tuần. Chợt nghĩ, số tiền ấy trẻ con ở thành phố đủ ăn một bữa sáng, vậy mà lũ trẻ miền sơn cước này ăn tiêu trong cả tuần. Kham khổ là thế, đi bộ cực nhọc là thế nhưng chúng vẫn hồn nhiên và ham học, không cháu nào bỏ học giữa chừng.
Rút ngắn con đường giảm nghèoQuý Hòa là xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Hòa Bình, nằm ở phía cực bắc của huyện Lạc Sơn, giáp với xã Kim Tiến của huyện Kim Bôi. Xã có diện tích tự nhiên trên 4.400 ha chủ yếu là núi rừng, chỉ có 253 ha ruộng nước. Trên 6.000 nhân khẩu trong xã hầu hết là người dân tộc Mường, bà con sống tập trung ở 17 thôn. Như các anh đã thấy, mấy năm qua nhờ có chương trình 135 của Chính phủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đường, điện, trường, trạm, trụ sở mà bộ mặt nông thôn Quý Hòa hôm nay đã khởi sắc. |
Lên tới Đồi Thung, bao nhiêu mệt nhọc đã mau chóng tan biến. Đỉnh núi Cốt Ca hùng vĩ với độ cao 1.071 m quanh năm mây phủ hiện ra ngay trước mắt. Những cơn gió thổi lộng trong nắng vàng rực rỡ khiến không khí dịu mát như cao nguyên Đà Lạt. Xóm Đồi Thung nằm bên sườn Đông Nam của đỉnh Cốt Ca là bồn địa khá bằng phẳng với màu xanh bạt ngàn của rừng già. Ven những quả đồi thấp là những mái nhà sàn cổ truyền, ruộng bậc thang và vô số những tảng đá lớn nằm bên dòng suối trong xanh hiền hòa uốn khúc.
Kể về sự hình thành của xóm Đồi Thung, ông Bạch Công Ngưu năm nay 62 tuổi, Bí thư Chi bộ nói rất say sưa. Xóm mới được khai hoang vào năm 1906. Ngày xưa giặc giã tung hoành, cường hào ác bá ức hiếp dân lành, giữa sự sống và cái chết, một nhóm khoảng 30 người do cụ Bạch Công Trịnh và cụ Bùi Văn Bềnh dẫn đầu đoàn người kéo nhau vào rừng, cứ đi mà chẳng biết đi đâu. Họ nói với nhau: “Cứ trốn cái đã, không đi được nữa thì chết”. Sau đến một vùng đất ở trên núi có thể trồng cây lúa được, họ quyết định ở lại lấy gỗ làm nhà, lập nên xóm Thung.
Từ ngày khai đất lập làng, cuộc sống của người dân ở đây trải qua vô vàn khó khăn, nhưng họ vẫn đứng vững và đi lên. Nay cư dân Đồi Thung đã lên tới gần một ngàn nhân khẩu và đã phải chia tách thành xóm Thung 1 và xóm Thung 2. Trước năm 1997, người dân dường như vẫn sống biệt lập với phương thức tự cung tự cấp. Dần dà người dân đã biết dùng đường mòn để xuống núi đi chợ, học cái hay, cái tốt của người bên ngoài, mua máy xay xát, mua cày cuốc và rất nhiều những thứ cần cho cuộc sống. Rồi họ làm được đường bê tông ở trong xóm để nhà nọ đến nhà kia đi lại cho sạch, công nông cũng có thể đi lại được. Tất cả những thứ đó, từ máy móc, nguyên vật liệu xây dựng, người dân chỉ dùng sức người và sức trâu cõng đi đường mòn, nhưng con trâu ì ạch không lách được cây rừng, lại chủ yếu là người dân cõng trên lưng, máy móc thì dùng cả nhóm người để khiêng, 2 ngày mới lên đến nơi.