Đổi mới y tế học đường

Do nguồn nhân lực “mỏng”, cơ sở vật chất còn thiếu thốn nên hoạt động y tế tại nhiều trường học tại Thủ đô vẫn thiếu chủ động, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả chăm sóc sức khỏe cho học sinh.

 

Nhiều “lỗ hổng”


Theo khảo sát của PV báo Tin Tức, hoạt động y tế học đường (YTHĐ) tại nhiều trường học ở Thủ đô hiện chưa được chú trọng, nhất là khối các trường mầm non ngoài công lập. Ví như, trường mầm non tư thục Hoa Hồng (Cầu Giấy - Hà Nội) hoạt động gần 2 năm nhưng đến nay vẫn không có phòng y tế như quy định (từ 12 m2 trở lên). Theo phản ánh của các phụ huynh, mỗi buổi sáng, tại đây, giáo viên đón trẻ thường nhận luôn thuốc và ghi nhớ những lời căn dặn của phụ huynh để sau đó cho trẻ uống thuốc. Với những trường hợp trẻ bị tai nạn hay ốm đau đột suất, giáo viên chỉ sơ cứu qua hoặc cho uống thuốc đơn giản rồi liên hệ để phụ huynh tới đưa trẻ về.

Cán bộ làm công tác y tế học đường cần được chuẩn hóa.


Theo bà Hoàng Kim Phượng, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD& ĐT) quận Long Biên: “Rất ít trường mầm non ngoài công lập đáp ứng được quy định có phòng y tế cùng những dụng cụ y tế cơ bản. Ở quận Long Biên, chúng tôi có giải pháp là trạm y tế phường sẽ hỗ trợ công tác y tế tại những cơ sở mầm non ngoài công lập. Tuy nhiên, trong trường hợp trẻ ốm nặng, cần ứng biến nhanh thì rất khó”.


Ghi nhận của phóng viên tại một số trường tiểu học, THCS ở Hà Nội cũng cho thấy, tại nhiều trường, mặc dù được trang bị tủ thuốc nhưng thực tế, số lượng thuốc chưa đủ theo danh mục thuốc thiết yếu dùng trong YTHĐ. Thậm chí, một vài cán bộ YTHĐ còn cho biết: “Vẫn mua thuốc theo kinh nghiệm”.


Không chỉ thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ y tế làm công tác YTHĐ Hà Nội cũng đang thiếu và yếu. Ông Nguyễn Minh Hải, Phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế Hà Nội, “thừa nhận”: “Chất lượng đội ngũ cán bộ YTHĐ hiện chưa đảm bảo, chủ yếu là y sĩ, điều dưỡng; chỉ một số trường có yếu tố nước ngoài mới có bác sĩ đảm nhiệm. Trong khi đó, vai trò của cán bộ YTHĐ rất quan trọng vì họ có trách nhiệm tham mưu cho ban giám hiệu nhà trường về việc triển khai các hoạt động YTHĐ”.


Theo ông Nguyễn Minh Hải, do trình độ của đội ngũ cán bộ YTHĐ còn hạn chế nên nhiều người chưa hiểu hết nhiệm vụ của mình, chỉ nghĩ đơn giản là có nhiệm vụ chăm sóc học sinh khi ốm đau. Trong khi đó, nhiệm vụ của cán bộ YTHĐ rất rộng như: Kiểm tra ánh sáng phòng học, vệ sinh trường lớp, kiểm soát bếp ăn bán trú, tham mưu cho ban giám hiệu nhà trường tổ chức các hoạt động bảo vệ, chăm sức sức khỏe cho học sinh.


Điều đáng nói, tới nay, Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT chưa đưa ra tiêu chí về trình độ của cán bộ làm công tác YTHĐ là bác sĩ (BS) hay y sĩ. Bên cạnh đó, do lương, chế độ phụ cấp còn thấp nên ngay các trường nội thành của Thủ đô cũng không thể tuyển được BS về làm công tác YTHĐ (ngành giáo dục tuyển dụng và trả lương).


Không chỉ thiếu cán bộ YTHĐ tại các trường học, ngay chính các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã cũng đang thiếu BS phụ trách chương trình YTHĐ. Cán bộ phụ trách chương trình YTHĐ thì vẫn phải kiêm nhiệm nhiều chương trình y tế khác nên khó tránh khỏi việc thiếu thời gian, không thể tập trung cao cho việc giám sát, kiểm tra các công tác YTHĐ.


Do công tác YTHĐ còn nhiều “lỗ hổng” như vậy nên việc đánh giá tình trạng sức khỏe của học sinh có lúc còn bị ảnh hưởng do các đoàn khám sức khỏe định kỳ không có đủ BS chuyên khoa (mắt, răng hàm mặt, tai mũi họng). Vẫn còn tình trạng giao cho trạm y tế (thường chỉ có 1 BS) khám sức khỏe định kỳ cho học sinh nên chất lượng khám chưa đảm bảo… Trong khi đó, tình hình học sinh mắc bệnh có xu hướng tăng, ngày càng có nhiều em mắc bệnh răng miệng, tật thị giác (cận thị), cong vẹo cột sống…


Tăng tập huấn, mở rộng mô hình thí điểm


Để khắc phục “lỗ hổng” về năng lực chuyên môn cho cán bộ YTHĐ, thời gian tới, ngành y tế Hà Nội sẽ phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức nhiều lớp tập huấn cho hệ thống cán bộ YTHĐ từ thành phố đến cơ sở.


“Việc chăm sóc y tế cho các nhóm lớp mầm non ngoài công lập còn nhiều vướng mắc do chưa có chế tài bắt buộc các chủ nhóm lớp phải tuân thủ những quy định của ngành y. Sở Y tế và Sở GD&ĐT Hà Nội ban hành công văn, đề nghị các UBND quận, huyện, chỉ đạo xã, phường, chỉ đạo nhóm lớp mầm non ngoài công lập phải phối hợp với cơ sở y tế trong việc triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho trẻ”, ông Nguyễn Minh Hải cho biết.


Ngoài ra, ngành y tế Thủ đô cũng sẽ tăng cường công tác truyền thông cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cho các thầy cô giáo và cho cả học sinh và phụ huynh học sinh về việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ. Đặc biệt, để chủ động phòng chống, phát hiện bệnh học đường, ngành y tế chủ trương tiếp tục mở rộng các mô hình điểm như: Mắt học đường, nha học đường…


Theo ông Nguyễn Minh Hải: “Sau khi thành phố xây dựng các mô hình điểm, chúng tôi đã tổ chức cho các cán bộ chuyên trách lĩnh vực này đi tham quan, học tập kinh nghiệm để triển khai. Do đó, năm 2014, mỗi quận, huyện phải tự xây dựng tối thiểu một mô hình phòng chống bệnh học đường hiệu quả để nhân rộng trong những năm tiếp theo”.


Đặc biệt, ngành y tế và giáo dục sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác YTHĐ; tại các quận, huyện cũng thực hiện công tác kiểm tra theo kế hoạch. Bên cạnh đó, ngành y tế sẽ chỉ đạo các đơn vị trong ngành triển khai kiểm tra theo từng nội dung cụ thể như: An toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học, chăm sóc răng miệng, chăm sóc mắt học đường, sơ cấp cứu chấn thương học đường…


Trả lời câu hỏi “Công tác YTHĐ có liệu gặp khó, khi sang năm 2014, kinh phí từ Trung ương, thành phố dự kiến sẽ bị cắt giảm?”, ông Nguyễn Minh Hải khẳng định: “Năm 2014, sẽ có những khó khăn nhất định nhưng tôi tin nếu làm tốt việc hướng dẫn, phát huy trách nhiệm của các nhà trường thì công tác YTHĐ vẫn đạt được những mục tiêu đề ra”.


Bởi lẽ, kinh phí hỗ trợ từ các nguồn (Chương trình mục tiêu quốc gia, từ thành phố, từ các quận/huyện) chỉ mang tính chất hướng dẫn; vấn đề chính là các trường học cần chủ động hơn trong việc đẩy mạnh các hoạt động YTHĐ. Hiện nay, các trường vẫn có nguồn kinh phí cho công tác YTHĐ, vì được trích lại 12% tổng thu BHYT học sinh. Do đó, các nhà trường cần có kế hoạch để triển khai hoạt động YTHĐ trên cơ sở sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí này, chứ không nên trông chờ vào sự hỗ trợ của thành phố hay quận, huyện.

 

PGS.TS Nguyễn Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế: Sẽ chuẩn hóa nhân lực làm YTHĐ Sẽ phải ban hành quy định nhằm chuẩn hóa nguồn nhân lực làm công tác YTHĐ. Tuy nhiên, việc xác định cán bộ YTHĐ ở trình độ nào thì còn phụ thuộc vào sự bàn thảo giữa các cơ quan chức năng trong thời gian tới. Để nâng cao hiệu quả của công tác YTHĐ khi nguồn nhân lực còn hạn chế thì trước mắt, ngành y tế sẽ tiếp tục triển khai các lớp tập huấn, nâng cao cho đội ngũ cán bộ làm công tác này.

 Bà Nguyễn Thúy Thuận, Hiệu trưởng trường mầm non Trung Hòa, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội: Cán bộ y tế phải là người có chuyên môn vững Rất ít các trường mầm non, đặc biệt với các trường tư thục, các nhóm lớp phải thuê nhà làm trường học đáp ứng được quy định có phòng y tế, có cán bộ y tế chuyên trách cùng các trang thiết bị đi kèm. Thậm chí, tại một số trường còn giao cho giáo viên có kinh nghiệm lâu năm làm nhân viên y tế, trong khi đó, ở bậc học mầm non, rất cần nhân viên y tế có trình độ, chuyên môn để kịp thời ứng biến trước sự cố bất ngờ. Theo tôi, mỗi trường học cần phải có nhân viên y tế chuyên trách. Đây là điều kiện cần để đảm bảo sự an toàn cho trẻ, tạo sự yên tâm của phụ huynh khi gửi con đến trường.

Ông Lê Quang Giao, chuyên viên Sở GD&ĐT Hà Nội: Cần đa dạng hóa các loại hình khám chữa bệnh trong trường học Hiện nay, việc khám chữa bệnh trong trường học khá đơn điệu, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Thời gian tới, cần đa dạng hóa các loại hình khám chữa bệnh y tế học đường. Muốn vậy, trước hết cần bổ sung những cán bộ y tế đạt trình độ, chuyên môn. Kết hợp các chương trình lồng ghép y tế trường học, phòng chống dịch bệnh thường gặp ở lứa tuổi học đường: Cận thị, sơ cấp cứu ban đầu…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN